ASEAN - Trung tâm của xu thế hình thành các Khu vực thương mại tự do (FTA)
1. Xu thế hình thành FTA
Xu thế liên kết kinh tế khu vực thông qua các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đang diễn ra mạnh mẽ, lôi kéo sự tham gia của hầu hết các nền kinh tế. Về cơ bản, FTA là thỏa thuận mà các bên sẽ dành cho nhau hưởng ưu đãi về mở cửa thị trường, chủ yếu là trong hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Một FTA được xem là đáp ứng tiêu chuẩn cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi phần lớn thương mại giữa các bên tham gia sẽ được lưu chuyển tự do sau 10 năm kể từ khi thỏa thuận FTA có hiệu lực. Xu thế FTA đang làm lay chuyển cả những quốc gia vốn được xem trung thành với những thiết chế đa phương trong khuôn khổ WTO như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ. Tính đến hết tháng 7/2010, đã có 474 Hiệp định FTA được các nước thông báo cho WTO, tăng hơn 2 lần so với năm 2005, trong số này có 283 hiệp định đang có hiệu lực. Ngoài ra còn rất nhiều FTA khác đang được đàm phán hoặc chưa được thông báo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu thể này nhưng nổi bật nhất là các nguyên nhân sau:
- Sự chậm chễ của Vòng đàm phán Đô-ha: các hoạt động thương mại quốc tế được điều chỉnh chủ yếu bởi hai khuôn khổ là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các FTA khu vực hoặc song phương. Đây là hai tiến trình vừa bổ sung vừa mâu thuẫn. Khi tiến trình đàm phán đa phương mang lại kết quả tích cực thì quyết tâm của các bên tham gia vào các thỏa thuận khu vực sẽ giảm và ngược lại. Những năm gần đây, Vòng đàm phán Đô-ha liên tục lâm vào bế tắc, không đáp ứng nhu cầu mở rộng thương mại và đầu tư. Do đó, việc đàm phán, thực hiện các FTA đã trở thành một công cụ thay thế có hiệu quả.
- “Hiệu ứng dây chuyền” do cạnh tranh về điều kiện thương mại khi tham gia các FTA. Tác động trực tiếp của FTA là sự thay đổi về điều kiện cạnh tranh theo hướng thuận lợi hơn đối với hàng hóa, dịch vụ của các thành viên so với những nước không phải thành viên của FTA do tác động của các ưu đãi thuế quan hay cam kết mở cửa thị trường do FTA mang lại. Do đó, các nước có cùng cơ cấu xuất khẩu, đầu tư sẽ cạnh tranh để ký kết các FTA để đảm bảo hàng hóa, dịch vụ và các nhà đầu tư của mình không bị mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường nước ngoài. Điều này tạo ra tác động “đô-mi-nô” mang tính dây chuyền khi không một đối tác nào muốn bị loại khỏi cuộc chơi.
- Hiệu ứng đón đầu quá trình chuyển dịch các yếu tố sản xuất kinh doanh ra khỏi lãnh thổ của nước cung cấp vốn, công nghệ làm nảy sinh yêu cầu xây dựng các FTA để khơi thông dòng chu chuyển này. Trong trường hợp này, các bên tham gia FTA đặt trọng tâm vào mục tiêu dài hạn là thu hút các khoản đầu tư trực tiếp từ các đối tác như là một phương thức để tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị của khu vực;
- Động cơ chính trị, việc thiết lập các FTA ít nhiều đều có động cơ chính trị và được coi như một công cụ để thắt chặt các liên minh chính trị dựa trên sự ràng buộc chặt chẽ hơn về quyền lợi. Trong nhiều trường hợp, quyết tâm chính trị có ý nghĩa rất lớn trong việc khởi động và kết thúc đàm phán FTA nhưng động cơ này có phần mờ nhạt hơn khi đàm phán bước vào giai đoạn thực chất, đặc biệt với những đối tác có mối tương quan chính trị tương đối cân bằng.
Trong một số trường hợp, việc thiết lập FTA có thể phục vụ cho mục tiêu đơn lẻ như tạo hiệu ứng hướng tâm để thu hút đầu tư, công nghệ thiết lập đồng thời nhiều FTA với nhiều đối tác; mong muốn tạo ra bước đột phá mới cho tiến trình đàm phán đa phương. Tuy vậy, đây không phải là nhân tố quyết định tính xu hướng của các FTA.
2. ASEAN trong xu thế hình thành các FTA
ASEAN là một trong những khu vực chịu tác động mạnh mẽ nhất của xu thế thiết lập FTA cả trên phương diện lợi ích kinh tế và yếu tố chính trị. Các nền kinh tế của ASEAN có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại với tỷ trọng chiếm từ 90-300% (không tính Myanmar). Tỷ lệ xuất khẩu so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN 50% như trường hợp của Indonesia, Philippines đến 75% như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia. Đặc biệt, tỷ lệ này của Singapore là gần 90%. Đây là lý do mà các nước ASEAN luôn muốn tìm đến một chỗ đứng cạnh tranh hơn trên các thị trường lớn để làm chỗ dựa cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tiến trình liên kết nội khối của ASEAN đang tiến từng bước vững chắc đến mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Mối liên kết nội khối là cần thiết nhưng chưa đủ để tạo ra đối trọng tương xứng trong khu vực, nhất là trong tương quan với các đối tác lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc. ASEAN đã xác định mục tiêu xây dựng vị trí của mình như, “một trục liên kết chính”, “một sân chơi chung kết nối” giữa các đối tác lớn trong khu vực và thế giới. Trong tiến trình xây dựng cấu trúc khu vực, ASEAN sẽ đóng vai trò trung tâm, xây dựng một khu vực Đông Á mang tính mở. Đó là lý do mà từ năm 2003 đến nay, ASEAN đã liên tục thiết lập 5 FTA với 6 đối tác bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Nhiều đối tác lớn, có tiềm năng như Hoa Kỳ, Canada, EU và Nga cũng đang thảo luận với ASEAN với cấp độ khác nhau. ASEAN cũng đang hướng tới khuôn khổ hợp tác khu vực tham vọng hơn như Hiệp định thương mại tự do Đông Á (ASEAN+3) hay Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (ASEAN+6).
Với Việt Nam, dù được xem là nước đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT), nhưng chúng ta đã không đứng ngoài xu thế, ngược lại tham gia rất tích cực các liên kết kinh tế khu vực. Năm 1996, nước ta lần đầu tiên tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), đặt một dấu ấn quan trọng trong giai đoạn đầu của hội nhập KTQT. Việt Nam không chỉ là đối tác có trách nhiệm của ASEAN mà còn sẵn sàng cùng ASEAN đàm phán và triển khai các thỏa thuận FTA ASEAN mở rộng. Sự tham gia của ta càng tích cực và hiệu quả hơn khi Việt Nam hoàn thành gia nhập WTO vào năm 2007. Chúng ta không chỉ đàm phán các FTA trong khuôn khổ hợp tác với ASEAN mà đã chủ động khi hoàn thành đàm phán Hiệp định FTA song phương Việt Nam – Nhật Bản (2008) và tích cực chuẩn bị, tham gia đàm phán FTA với Chile, EU, Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình dương (TPP) cũng như nghiên cứu khả năng đàm phán FTA trong tương lai với Liên minh thuế quan gồm 3 nước Nga, Belarus, Kazăcstan, các nước thuộc khu vực mậu dịch tự do châu Âu (EFTA, gồm Iceland, Nauy, Thụy Sỹ và Liechtenstein). Các nước đều nhìn nhận Việt Nam như một mắt xích trong cấu trúc kinh tế, thương mại của khu vực và toàn cầu. Thông qua các FTA, Việt Nam đã tăng cường, mở rộng quan hệ kinh tế và chính trị với các đối tác lớn trong khu vực và trên thế giới, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam, tạo thế và lực mới cho đất nước, góp phần củng cố và tăng cường hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là điều rất có ý nghĩa đối với công tác quốc phòng - an ninh, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế./.
EU-Vietnam Mutrap III