An Giang: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
An Giang: Quảng bá văn hóa, du lịch qua Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam An Giang cần huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế biên mậu |
Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu
Thực hiện Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025, tỉnh An Giang được giao tổng nguồn vốn trên 102 tỷ đồng. Địa bàn triển khai thực hiện Dự án 4 gồm các huyện: Tri Tôn, Thoại Sơn, An Phú và thị xã Tịnh Biên.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến tháng 11/2023 kết quả triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2023 đã đạt được một số chỉ tiêu đáng chú ý. Cụ thể, đối với Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc, An Giang đã triển khai đầu tư 66 công trình cơ sở hạ tầng và đã hoàn thành 24 công trình. Trong đó, huyện Tri Tôn: 15/52 công trình, Tịnh Biên 4/9 công trình, Thoại Sơn 2/2 công trình, An Phú 3/3 công trình.
Đồng thời, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhằm góp phần hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vận chuyển hàng hóa, nông sản được thuận tiện, dễ dàng.
Huyện Châu Phú, tỉnh An Giang hình thành vùng sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm (Ảnh: Trọng Tín) |
Công tác duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn và công trình cơ sở hạ tầng các xã, thôn đã đầu tư từ giai đoạn trước bằng nguồn vốn sự nghiệp, giải ngân đạt chỉ tiêu nguồn vốn giao.
Về nội dung đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đã triển khai xây dựng mới 1 chợ và cải tạo nâng cấp 4 chợ.
Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống
Đặc biệt, công tác bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, tạo điều kiện hỗ trợ để sản phẩm làng nghề chiếm lĩnh thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu là nội dung được tỉnh An Giang chú trọng trong thời gian qua.
Hiện tỉnh An Giang có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận đạt tiêu chí “Làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh An Giang”. Trong đó có 14 nghề và làng nghề truyền thống đã tồn tại trên 50 năm, như: Làng nghề se nhang (TP. Long Xuyên), nghề rèn Phú Mỹ (huyện Phú Tân), làng dệt thổ cẩm của người Chăm ở xã Châu Phong (Thị xã Tân Châu), làng nghề mộc Chợ Thủ (huyện Chợ Mới), làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo, làng nghề nấu đường thốt nốt của người Khmer (huyện Tịnh Biên), nghề sản xuất mắm (TP. Châu Đốc)… Đây chính là tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong việc gắn kết làng nghề với phát triển du lịch. Qua đó, tạo sự hấp dẫn du khách, nhất là khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công đặc trưng của địa phương.
Những năm gần đây, An Giang có thêm nhiều làng nghề mới sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng được khách du lịch ưa chuộng được làm từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương như: Nghề dệt chiếu Uzu, thị xã Tân Châu; mỹ nghệ tre bông, tranh lá thốt nốt, huyện Tri Tôn; thắt bính lục bình, huyện Thoại Sơn...
Làng nghề bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ, xã Phú Bình, huyện Phú Tân (Ảnh: T.H) |
Bên cạnh mục tiêu duy trì sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống, An Giang còn hướng đến mục tiêu hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Hiện nay, một số cơ sở sản xuất đường thốt nốt, rèn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… đang tích cực tìm kiếm thị trường thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá hình ảnh và sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh An Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện giải ngân các nguồn vốn. Đồng thời, xem đây là tiêu chí đánh giá, phân loại về mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.
Từ nguồn lực của các dự án Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần giúp tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn đặc biệt khó khăn. |