Xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI giảm hơn 9 tỷ USD
Doanh nghiệp FDI xuất siêu hơn 10 tỷ USD Doanh nghiệp FDI xuất siêu hơn 30 tỷ USD |
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan về kết quả xuất khẩu nửa cuối tháng 2/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 23,16 tỷ USD, giảm 10,3% (tương ứng giảm 2,66 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 02/2023.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI 2 tháng đầu năm 2023 giảm khoảng 9,15 tỷ USD. |
Lũy kế 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 95,83 tỷ USD, giảm 13,4% (tương đương 14,83 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong 2 tháng qua đạt 68,2 tỷ USD, giảm 11,8% (tương ứng 9,15 tỷ USD); kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 27,62 tỷ USD, giảm 17,1% (tương ứng 5,68 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng trong kỳ 2 tháng 2/2023 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 9,23 tỷ USD, giảm 914 triệu USD so với kỳ 1 tháng 2/2023.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 2 tháng đầu năm của nhóm doanh nghiệp FDI đạt 37,34 tỷ USD, giảm 7,3% (tương ứng 2,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 75,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Về nhập khẩu, kim ngạch của doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 2 đạt 7,02 tỷ USD, giảm 14,3% (tương ứng 1,17 tỷ USD) so với kỳ 1. Lũy kế 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu của khối FDI đạt 30,87 tỷ USD, giảm 16,8% (tương ứng giảm 6,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 66,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Theo Bộ Công thương, kinh tế Mỹ và EU là những thị trường thương mại lớn của Việt Nam chỉ tăng trưởng đạt dưới 1% và không loại trừ khả năng suy thoái. Các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển phục hồi khó khăn hơn, tăng trưởng giảm, làm giảm sức cầu hàng hóa, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.
Xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản 2 tháng chỉ đạt 3,88 tỷ USD, giảm 688 triệu USD so với cùng kỳ; riêng xuất khẩu thủy sản giảm 32,9% (tương ứng giảm 494 triệu USD), chỉ đạt 1 tỷ USD;
Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước giảm 9,8%, theo đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,87 tỷ USD, giảm 13,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 6,4 tỷ USD, giảm 1,6%; hàng dệt may ước đạt 4,55 tỷ USD, giảm 19,6%; giày dép các loại ước đạt 2,76 tỷ USD, giảm 15,8%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 34,8%...
Dự báo, đơn hàng còn khó khăn ít nhất đến giữa năm 2023, theo đó, Bộ Công thương đang triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống, phát triển các thị trường khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ La tinh tuy dung lượng thị trường nhỏ nhưng đang có tốc độ tăng trưởng cao và còn nhiều dư địa khai thác.
Đồng thời, tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực Asean và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu. Thương vụ Việt Nam tại các thị trường nước ngoài cung cấp thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có các kế hoạch thích ứng phù hợp.