Năm 2024, ngành rau quả nỗ lực tận dụng cơ hội, tăng kim ngạch xuất khẩu
11 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng tăng hơn 480% Xuất khẩu rau quả ghi dấu ấn kỷ lục |
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã chia sẻ xung quanh nội dung này.
Năm 2023 ngành rau quả Việt Nam đạt gần 5,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu – con số kỷ lục, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã có đóng góp quan trọng khi thực hiện thành công nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, mở rộng đầu ra cho doanh nghiệp trong ngành, ông nhận định sao về ý kiến này?
Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 ghi dấu ấn quan trọng khi đạt con số kỷ lục gần 5,6 tỷ USD. Đồng thời, mặt hàng này cũng có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu nhóm nông sản khi vượt qua các ngành chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê, sắn... Đạt được kết quả trên là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành, những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và không thể thiếu sự đồng hành của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Vai trò của thương vụ với ngành rau quả nói riêng, cùng các ngành hàng xuất khẩu khác rất quan trọng. Đây là cơ quan đầu tiên để các đoàn thương mại Việt Nam cũng như Chính phủ sang làm việc và mở cửa thị trường hoặc kết nối với đối tác nước ngoài để mở cửa thị trường. Thương vụ là những cán bộ ngoại giao của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại ở nước ngoài.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam |
Thương vụ cũng là cơ quan tham mưu cho Bộ Công Thương trong ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), hợp tác hiệu quả các bộ phận chuyên môn của Bộ Công Thương để đàm phán mở cửa thị trường cho các mặt hàng chiến lược có chất lượng của Việt Nam được phép xuất khẩu vào các nước.
Thương vụ cũng là nơi cung cấp thông tin, xu hướng bất lợi, có lợi của thị trường cho doanh nghiệp trong nước biết để có hướng thay đổi hoặc cải tiến, giúp doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các đối tác bán hàng trong và ngoài nước. Thương vụ là cơ quan rất quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại.
Là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, lại thường xuyên gặp các rào cản thương mại, doanh nghiệp nhận được sự đồng hành ra sao của Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để bảo vệ quyền và lợi ích, thưa ông?
Khi xuất khẩu hàng hoá sẽ gặp hai hàng rào, gồm thuế quan và kỹ thuật. Với hàng rào thuế quan, thương vụ tham mưu cho Bộ Công Thương ký các FTA giúp giảm thuế cho hàng hoá Việt Nam nhập khẩu vào thị trường. Hàng rào kỹ thuật, khi hàng rào thuế quan giảm, hàng rào kỹ thuật tăng lên, trong đó chủ yếu là việc nâng cao các tiêu chuẩn.
Thương vụ đã phối hợp với ngành chuyên môn trong nước đàm phán giảm nhẹ quy định ngặt nghèo ở những nước có hàng rào kỹ thuật khắt khe, đồng thời cập nhật thông tin kịp thời về các thay đổi. Ví dụ, tại EU mặt hàng rau ăn lá trước đây tỷ lệ lấy mẫu là 50% để kiểm tra, qua phối hợp với thương vụ và Văn phòng SPS Việt Nam tỷ lệ lấy mẫu giảm đáng kể, chỉ vài phần trăm.
Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng giúp doanh nghiệp xác minh thông tin đối tác, đấu tranh bảo vệ quyền lợi kinh tế nhất là trong trường hợp có xảy ra tranh chấp, lừa đảo thương mại.
Cùng đó, lực lượng này cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam quảng bá thương hiệu, thông qua thương hiệu của doanh nghiệp hình thành nên thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm.
Năm 2024, ngành rau quả nỗ lực tận dụng cơ hội, tăng kim ngạch xuất khẩu |
Năm 2023, ngành rau quả đã đạt kết quả xuất khẩu ấn tượng. Xin ông chia sẻ về mục tiêu của ngành trong năm tới và giải pháp để đạt được?
Năm 2023 xuất khẩu của ngành tiến gần sát con số 6 tỷ USD, hy vọng sang năm 2024 đạt kim ngạch cao hơn nữa. Muốn đạt kết quả như vậy, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng, cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là xuất khẩu chính ngạch cho ngành.
Cùng đó, tăng cường truyên truyền hướng dẫn người sản xuất, doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản xuất rau quả thông qua thực hành nông nghiệp GAP, nông nghiệp tốt để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là dư lượng hoá chất trong sản phẩm của các thị trường nhập khẩu.
Mặt khác hợp lý hoá các chi phí đầu vào, đầu ra, chi phí logistics để giảm giá thành sản phẩm mà vẫn đảm bảo nguồn thu cho người sản xuất, doanh nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm cùng loại của các nước để tăng thị phần.
Bộ Công Thương tăng cường tổ chức các đoàn giao thương để xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, EU, Mỹ, các nước Đông bắc Á, Úc để tìm kiếm đối tác. Từ đó quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia.
Bộ Công Thương hỗ trợ chi phí cho hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để tổ chức các hội chợ, tham gia hội chợ xúc tiến thương mại lớn, quan trọng, giúp tìm kiếm thêm khách hàng, giứoi thiệu những mặt hàng xuất khẩu có thể mạnh, như: Sầu riêng, thanh long, chuối, xoài, nhãn vải…
Xin cảm ơn ông!