Xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ: Lưu ý kênh phân phối
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục bứt phá |
Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ có thể thông qua bốn kênh chính: Chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia, đầu mối nhập khẩu, thương mại điện tử và quốc gia thứ ba.
Phân tích rõ hơn, ông Bùi Huy Sơn- Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, nói: Tại Mỹ không phát triển mô hình người bán gặp trực tiếp người mua để ký kết giao dịch hợp đồng. Thay vào đó, muốn tiếp cận nhà nhập khẩu phải thông qua doanh nghiệp đầu mối để được hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ mà doanh nghiệp không thể thực hiện được tại thị trường này. “Thị trường phân phối tại Mỹ có tính cạnh tranh cao, doanh nghiệp muốn tự chen chân gần như là không thể”, ông Bùi Huy Sơn nhận định.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng gợi mở: Thương mại điện tử và cung cấp hàng hóa cho các công ty lớn đa quốc gia cũng là những kênh tốt giúp hàng Việt thâm nhập hiệu quả vào thị trường Mỹ.
Cuối cùng, thông qua việc xuất khẩu cho các nhà nhập khẩu tại các nước như Mexico, Canada… hàng hóa của doanh nghiệp cũng sẽ được nhập khẩu vào Mỹ khi các đối tác phân phối trở lại vào thị trường này.
Thuỷ sản nằm trong nhóm hàng hoá xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD sang thị trường Mỹ nửa đầu năm 2022 |
Mỹ là một trong số thị trường xuất khẩu truyền thống và lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu trên 56,599 tỷ USD sang thị trường Mỹ, 11 nhóm hàng có kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, máy móc thiết bị phụ tùng và hàng dệt, may chiếm “ngôi vương” với 9,488 tỷ USD và 9,325 tỷ USD, tiếp đến là máy tính, thiết bị điện tử và linh kiện trên 7,324 tỷ USD…
Là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP năm 2021 đạt tới 23.000 tỷ USD, quy mô tiêu dùng đạt 332 triệu người, đến tháng 5/2022, Mỹ đã nhập khẩu 1.337,9 tỷ USD hàng hóa.
Hơn nữa, theo ông Bùi Huy Sơn, thị trường Mỹ rất đa dạng về nhu cầu hàng hóa. Đối với nhóm hàng thực phẩm, không chỉ tập trung ở phân khúc cao cấp mà còn có phân khúc tầm trung dành cho các khách hàng “dễ tính”. Người tiêu dùng Mỹ cũng rất sẵn sàng chi trả cho hàng hoá tiêu dùng. Ngành bán lẻ và dịch vụ được coi là một trong những ngành quan trọng nhất của Mỹ. Do vậy, Mỹ vẫn được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác.
Dù vậy, Mỹ cũng là thị trường đòi hỏi rất cao về các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Ngay với phân khúc tiêu dùng thấp hơn, yêu cầu chỉ hạ đối với mẫu mã, bao bì sản phẩm, yêu cầu về chất lượng vẫn giữ nguyên.
Cùng với các yêu cầu chặt chẽ trong thủ tục xuất khẩu, doanh nghiệp Việt còn phải chú ý đến vấn đề lao động và bảo vệ môi trường. “Nếu không chú ý đúng mức, doanh nghiệp có thể ngay lập tức bị cấm xuất khẩu vào Mỹ”, ông Sơn chia sẻ.
Mỹ là thị trường tiềm năng cho hàng Việt cũng là thị trường tiềm năng cho hàng hoá có xuất xứ từ các quốc gia khác, do vậy tính cạnh tranh cao, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị. Khoảng cách địa lý xa khiến chi phí logistics lớn cũng đẩy doanh nghiệp vào thế khó.
Một vấn đề nữa, tình hình lạm phát cao, khiến nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ được dự báo sụt giảm trong nửa cuối năm 2022 sẽ ảnh hưởng tới đơn hàng xuất khẩu.
Để ứng phó với khó khăn, doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực đàm phán với đối tác để có giải pháp thích hợp. Để hỗ trợ doanh nghiệp, trong những tháng cuối năm, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường và kết nối với nhà nhập khẩu Mỹ; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới.
Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp, địa phương tập trung xây dựng phát triển thương hiệu hàng hoá, phối hợp xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn để đẩy mạnh xuất khẩu.