Xuất khẩu gốm sứ: Doanh nghiệp tự tin
Sản xuất tại Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, Hải Dương
Bà Lê Thị Thùy Trang, Phòng kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân Mạnh Long, Bình Dương cho biết: Tính đến hết tháng 9/2014, Mạnh Long đã xuất khẩu 1,5 triệu USD. Hiện nay doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến hết năm và mục tiêu đạt 2,2 triệu USD xuất khẩu của năm nay hoàn toàn khả quan.
Bà Trang cũng cho hay: So với cùng kỳ năm 2013 tuy lượng đơn hàng năm nay có khó khăn hơn. Chi phí đầu vào như khí đốt, giá nhân công cũng tăng nhưng để giữ chân khách hàng Mạnh Long cố gắng tiết kiệm chi phí phát sinh, giảm hao hụt nhằm giữ nguyên giá bán sản phẩm. Cụ thể chậu hình chữ nhật trang trí size vừa, đơn chiếc giá khoảng 3,6 USD/sản phẩm, chậu hình chữ nhật bộ 3 chiếc kích thước nhỏ có giá 6 USD/sản phẩm.
Theo đại diện Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro): Từ đầu năm tới nay, lượng gốm xuất khẩu của Tổng công ty khá ổn định, giá xuất vẫn giữ nguyên so với năm 2013. Hapro chủ yếu xuất khẩu gốm trang trí trong nhà, gốm ngoài trời kích thước nhỏ sang thị trường Nga, châu Âu và một số nước thuộc khu vực Trung Đông. Hapro hiện đang đàm phán một số đơn hàng cho năm 2015.
Gốm sứ vốn là mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất trong ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm luôn chiếm khoảng 15% tỷ trọng.
Theo ông Lê Bá Ngọc, Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam: Gốm sứ Việt Nam có đặc điểm nhận diện rất dễ dàng tạo nên nét khác biệt. Hoa văn, màu sắc trên sản phẩm mang đậm tính truyền thống. So với các nước xuất khẩu gốm sứ khác, Việt Nam có thế mạnh về hàng gốm sứ ngoài trời đặc biệt là những mặt hàng có kích thước lớn như: Chậu trồng cây, đồ trang trí ngoài vườn. Hiện nay cũng có một số doanh nghiệp sản xuất gốm mỏng xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu nhưng sức cạnh tranh không cao, nhất là với hàng Trung Quốc.
Mặc dù, tình hình xuất khẩu từ đầu năm tới nay khá suôn sẻ, các doanh nghiệp ngành gốm cũng tự tin về triển vọng thị trường những tháng cuối năm. Đặc biệt, do vấn đề chất lượng nhiều nhà nhập khẩu đã chuyển hướng đơn hàng từ Trung Quốc sang các nhà sản xuất Việt Nam. Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng: Về lâu dài doanh nghiệp xuất khẩu gốm sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là sự cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng quyết liệt.
Theo đó, cũng như các mặt hàng khác, gốm sứ xuất khẩu cũng phải đối mặt với một số rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm. Ví dụ, với các sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm như bát, đĩa…phải đạt yêu cầu khắt khe về hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng chì…trong sản phẩm. Đáng lưu ý, mỗi nước có một tiêu chí riêng buộc các nhà sản xuất phải đáp ứng được tiêu chí đó. Tuy nhiên, chi phí cho kiểm định chất lượng sản phẩm không hề rẻ, khoảng 400-500USD/thông số. Một số doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình xuất hàng, thậm chí bị trả lại hàng.
Bên cạnh đó, Gốm Việt đang gặp sự canh tranh từ các nhà cung cấp lớn đến từ Trung Quốc và một số nhà cung cấp đến từ các thị trường mới nổi như Thái Lan, Bồ Đào Nha…
Cho rằng, cạnh tranh là vấn đề tất yếu trên thị trường xuất nhập khẩu và tự tin với kinh nghiệm sản xuất, kinh doah của doanh nghiệp trong nước nhưng ông Ngọc cũng khuyến cáo: Các doanh nghiệp nên áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường./.
Việt Nga