Xuất khẩu gạo kỳ vọng thắng lớn
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm: Doanh nghiệp nói gì? Gạo Việt vẫn được giá với triển vọng khả quan trong xuất khẩu |
Gạo thương hiệu Việt lên kệ siêu thị Pháp. Ảnh: T.L |
Gạo thơm lên ngôi
Ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, địa phương này đã xuất khẩu được 90.000 tấn gạo với trị giá 50 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo của An Giang đã tăng khoảng 8% về lượng và tăng 10% về giá trị. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng cho biết, lượng đơn hàng xuất khẩu gạo trong năm nay của công ty khá tốt. Trong đó, chỉ riêng trong quý 1/2023, công ty đã ký kết xuất khẩu 30.000 tấn gạo đi các thị trường Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, châu Âu…
Đặc biệt, theo dự báo của ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Lương thực Phương Đông, thời gian tới có thể sẽ thiếu gạo thơm để xuất khẩu. Trong những tháng qua, Công ty Lương thực Phương Đông đã gặp nhiều khó khăn trong việc mua gạo thơm phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu.
Ông Trần Minh Kiệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, các DN xuất khẩu gạo trên địa bàn đang tập trung thực hiện các hợp đồng phải giao và ký kết thêm các hợp đồng mới, chủ yếu là gạo thơm và đi các thị trường thường xuyên là Philippines, Ghana, Cameroon, Bờ biển Ngà, Hàn Quốc. Dự kiến trong năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu của Cần Thơ sẽ đạt gần 814 ngàn tấn, kim ngạch trên 384 triệu USD, trong đó gạo thơm chiếm sản lượng lớn.
Trước đó, trong năm 2022, nhu cầu gạo thơm đã tăng rất mạnh so với những năm trước. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam lý giải nguyên nhân của việc này là do sản lượng gạo thơm của Việt Nam tăng lên, giá cạnh tranh và nhất là có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ đa dạng của các thị trường. Nổi bật là gạo Đài thơm 8 ghi nhận mức tăng gần 1,5 lần so với năm 2021, đạt gần 2,9 triệu tấn và chiếm đến 40,78% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam. Tương tự, một số loại gạo thơm khác cũng có sự tăng trưởng mạnh, như gạo OM5451 tăng 49%, tấm thơm tăng 68%.
Sự tăng trưởng của nhu cầu gạo thơm thể hiện rõ ở thị trường Philippines - thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam khi chiếm tới 45% tổng lượng và 43% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu sang Philippines 3,21 triệu tấn gạo, tăng gần 31% so với năm 2021.
Giá cao, thị trường thuận lợi
Xuất khẩu gạo của Việt Nam kết thúc năm 2022 lạc quan hơn kỳ vọng nhờ nhu cầu tích cực từ các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Bangladesh, châu Phi… Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang thị trường EU ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc ở mức 94.510 tấn gạo và vượt hạn ngạch 80.000 tấn gạo hàng năm mà EU dành cho Việt Nam theo cam kết từ Hiệp định EVFTA. Tương tự, xuất khẩu gạo sang các thị trương CPTPP cũng đạt 578.596 tấn, trị giá trên 280 triệu USD, tăng trên 31% về lượng và gần 20% về kim ngạch.
Trong năm 2023, các chuyên gia dự báo xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức tốt do bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến cho nhu cầu dự trữ lương thực để đảm bảo an ninh lương thực của các nước tăng lên. Theo FAO, tỷ lệ các quốc gia và khu vực không đảm bảo an ninh lương thực đã chiếm tới 30,4% dân số thế giới. Vì vậy, gần 30 quốc gia đã thực hiện siết chặt, hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA, thương mại gạo toàn cầu trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu dự báo giảm đồng loạt ở Argentina, Brazil, Campuchia, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Lào, Malaysia, Pakistan, Paraguay, Nga, Senegal, Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ, Uruguay và Mỹ. Trong đó, Ấn Độ và Pakistan giảm nhiều nhất (khoảng 2,1 triệu tấn) do sản lượng giảm và chính sách ổn định thị trường nội địa. Cụ thể, Ấn Độ đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% đối với chủng loại gạo trắng.
Ngành gạo Việt Nam cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc. Trong tháng 1/2023, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 47.000 tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2022. Dự báo trong năm nay, nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam vào thị trường Trung Quốc quay trở lại như các năm trước đây. Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương chỉ ra rằng, với khoảng cách địa lý gần, DN Việt Nam có nhiều lợi thế tại thị trường Trung Quốc so với các đối thủ. Đặc biệt, Trung Quốc đang có xu hướng sử dụng cám gạo thay thế cho ngô và lúa mì trong chăn nuôi do giá các mặt hàng này đang rất cao. Do đó, đây là cơ hội cho các DN đẩy mạnh xuất khẩu cám gạo sang thị trường này.
Bên cạnh sự tích cực từ thị trường, diễn biến giá gạo xuất khẩu cũng ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan. Từ những tháng cuối năm 2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng và duy trì ở mức cao trong 2 tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, trong nhiều tháng từ tháng 8/2022, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam luôn ở mức cao nhất thế giới, cao hơn giá gạo xuất khẩu của Thái Lan trung bình từ 15-27 USD/tấn, hơn giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ từ 40-50USD/tấn. Hiện, giá gạo xuất khẩu 5% tấm Việt Nam đang ở mức tương đương với Thái Lan, khoảng 463 – 467 USD/tấn.