Việt Nam thăng hạng về chỉ số hạnh phúc: "Trái ngọt" của sự nỗ lực không ngừng nghỉ
Hiện thực hóa khát vọng mục tiêu hạnh phúc của Đảng ta Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á về chỉ số hạnh phúc Việt Nam tăng 11 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2024 |
Liên quan đến Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2024, chuyên gia kinh tế, PGS, TS. Nguyễn Thường Lạng chia sẻ góc nhìn về những điểm đáng chú ý của báo cáo.
- Thưa ông, việc Việt Nam tăng 11 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2024 phản ánh điều gì?
- Hạnh phúc là một trong 3 trụ cột phản ánh bản chất tươi đẹp của xã hội Việt Nam được khẳng định và kiên định phấn đấu kể từ ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945). Đó là "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc".
Ở Việt Nam, người dân là chủ thể của phát triển |
Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2024 cho thấy chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc so với năm 2023, đứng thứ 54 thế giới và thứ 6 khu vực châu Á chỉ sau các nước có trình độ phát triển hàng đầu châu Á như Hàn Quốc, Nhât Bản.... Đây là bước nhảy vọt đáng kể ngay sau đại dịch Covid-19 cho thấy quá trình vận hành về mọi mặt nhất là về kinh tế- xã hội theo các trụ cột của chỉ số này hoàn toàn đúng hướng, phù hợp với ý nguyện và hạnh phúc của nhân dân.
- Dưới góc độ kinh tế xã hội, những nỗ lực phát triển của Việt Nam thời gian qua được nhìn nhận như thế nào qua Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2024, thưa ông?
- Điều đó phản ánh bản chất tươi đẹp của xã hội mặc dù thu nhập trung bình thấp nhưng hạnh phúc được vun đắp không ngừng, không ai bị bỏ lại phía sau. Sự thăng hạng nhanh chóng cho thấy những nhân tố hay lực lượng đi ngược với hạnh phúc nhân đang giảm xuống so với các nhân tố hay lực lượng phục vụ hạnh phúc nhân dân.
Chuyên gia kinh tế PGS, TS. Nguyễn Thường Lạng |
Người dân trở thành trung tâm và chủ thể của sự phát triển và hạnh phúc của nhân dân là hạnh phúc trong sáng và cao đẹp nhất. Một giá trị quốc gia là hạnh phúc như được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi đề cập đến hệ giá trị quốc gia được tích lũy hiệu quả, được đánh giá khách quan bởi cộng đồng quốc tế. Đây cũng là chỉ số đánh giá góp phần làm tăng uy tín quốc gia trên trường quốc tế.
Có được kết quả đáng trân trọng này cần kể đến một quá trình nỗ lực không ngừng của tăng trưởng, bảo đảm tuổi thọ, sự bao dung xã hội, việc đấu tranh quyết liệt với tham nhũng để xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Chỉ số hạnh phúc tăng cho thấy lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý cao của Chính phủ, sự đồng lòng, đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự ủng hộ quốc tế, hài hòa lợi ích, tình nghĩa đồng bào được duy trì và phát huy. Đây là động lực để tăng sự đoàn kết xã hội, có thể tạo ra một giai đoạn phát triển mới có trình độ và phạm vi lớn hơn. Đây là một tín hiệu góp phần thôi thúc từng người dân lao động hăng say, quyết tâm đưa Việt Nam trở thành quốc gia dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Theo ông, Việt Nam cần hướng tới những mục tiêu gì để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cũng như để phát triển mang lại hạnh phúc cho người dân?
Mặc dù có sự thăng hạng nhanh nhưng Việt Nam vẫn đứng ở vị trí thứ 54, do đó cần nỗ lực nhiều hơn để tiếp tục cải thiện chỉ số này trong các năm tiếp đến. Cần có các biện pháp thực chất, chiều sâu, có hiệu quả để các trụ cột chỉ số hạnh phúc được tiếp tục lớn mạnh không ngừng, niềm hạnh phúc toàn dân cao hơn, xã hội hân hoan, phấn khởi và đó là nguồn lực quý báu phục vụ sự phát triển đất nước giai đoạn mới.
- Xin cảm ơn ông!