Việt Nam phát triển thương mại điện tử nhanh nhất Đông Nam Á
Theo OpenGov Asia, Việt Nam vượt qua Philippines để trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba trong khu vực Đông Nam Á hiện nay.
Năm 2023, tổng giá trị hàng hóa hay tổng giá trị giao dịch (GMV) của 8 nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á đạt 114,6 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Bất chấp những thách thức kinh tế vĩ mô, lĩnh vực thương mại điện tử ở Đông Nam Á vẫn tiếp tục tăng trưởng với tổng giá trị giao dịch năm nay dự kiến tăng gấp đôi so với năm 2020.
Đáng chú ý, Việt Nam và Thái Lan dẫn đầu quỹ đạo tăng trưởng với GMV tăng lần lượt 52,9% và 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Đông Nam Á, Shopee thống trị với 55,1 tỷ USD GMV vào năm ngoái, chiếm 48% thị phần. TikTok Shop phát triển nhanh chóng để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai trong khu vực sau khi mua lại Tokopedia - công ty công nghệ hàng đầu Indonesia chuyên về thương mại điện tử.
Tại Việt Nam, TikTok Shop có thị phần đáng kể với 24%, trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai tại Việt Nam. Những người có ảnh hưởng hay người dẫn dắt dư luận (KOL) đóng vai trò quan trọng trong việc điều hướng thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Nửa đầu năm nay, tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktokshop ước đạt 156.000 tỷ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động quốc tế. Số lượng sản phẩm xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử quốc tế tăng 300% và nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt doanh thu hằng năm hơn 1 triệu USD.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tăng cường nỗ lực phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới như động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Lĩnh vực này đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn 2,3 lần so với thương mại điện tử thông thường trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2025 và dự báo tăng 20% mỗi năm cho đến năm 2026.