Người Việt chi bao nhiêu tiền mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử?
Theo số liệu từ Metric, nền tảng số liệu thương mại điện tử, tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam đạt 85.000 tỷ đồng trong quý 2/2024. Trước đó trong quý 1, doanh thu bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử này đạt 71.200 tỷ đồng (chưa gồm doanh thu từ các phiên livestream).
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu trên 5 sàn ước khoảng 156.000 tỷ đồng, tăng đến 78% so với cùng kỳ năm 2023.
Thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam. Ảnh minh hoạ |
Trong số các sàn thương mại điện tử, Shopee tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu với doanh thu 53.740 tỷ đồng, chiếm 67,9% thị phần. Tuy nhiên, TikTok Shop nổi lên là hiện tượng mới với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt doanh thu 18.360 tỷ đồng và chiếm 23,2% thị phần, qua đó soán ngôi vị trí thứ 2 của Lazada. Lazada đứng thứ 3 đạt 6.030 tỷ đồng với 7,6% thị phần; Tiki xếp cuối cùng chỉ khoảng 998 tỷ đồng, chiếm 1,3% thị phần.
Chỉ mới gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam vào năm 2022, nhưng TikTok Shop đã nhanh chóng ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, vươn lên vị trí thứ 2 về doanh thu và thị phần, chỉ sau "ông lớn" Shopee. Thành công này của TikTok Shop đến từ nhiều yếu tố như TikTok sở hữu lượng người dùng khổng lồ. Trong khi tệp khách hàng mua sắm chủ yếu là Gen Z và Gen Y, có độ tuổi từ 12 - 40 tuổi, là độ tuổi mua sắm online thường xuyên nhất và thường mua theo các xu hướng thịnh hành trên TikTok. TikTok Shop cũng tận dụng sức mạnh của nền tảng video ngắn để tạo ra các nội dung sáng tạo, thu hút và thúc đẩy hành vi mua sắm của người dùng. Ngoài ra, TikTok Shop cung cấp nhiều chương trình hỗ trợ, ưu đãi và công cụ cho nhà bán hàng, giúp họ tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.
Sự bứt phá của TikTok Shop đang tạo sức ép lớn lên các đối thủ cạnh tranh như Shopee và Lazada. Để duy trì vị thế dẫn đầu, các sàn thương mại điện tử này cần có những chiến lược cạnh tranh hiệu quả.
Metric dự báo trong năm 2024, doanh thu và sản lượng hàng bán ra trên các sàn thương mại điện tử tiếp tục tăng mạnh, có thể đạt 650.000 tỷ đồng. Trong đó, 5 sàn lớn nhất có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với năm 2023.
Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương công bố cho thấy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam tăng trưởng từ 8 tỷ USD vào năm 2018 lên 16,4 tỷ USD vào năm 2022 và đạt 20,5 tỷ USD vào năm 2023. Con số này chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, đóng góp gần 70% vào tỷ trọng của nền kinh tế số.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bùng nổ với tốc độ tăng trưởng phi thường, hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, để thành công trong thị trường đầy cạnh tranh này, các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh hiệu quả và không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.