Việt Nam chi 102 triệu USD để nhập khẩu hồ tiêu trong 9 tháng
Việt Nam chi 74,1 triệu USD để nhập khẩu hồ tiêu Indonesia là thị trường cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam |
Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, tháng 9 Việt Nam đã nhập khẩu 2.430 tấn, trong đó tiêu đen đạt 2.233 tấn, tiêu trắng đạt 197 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 13,6 triệu USD, so với tháng 8 lượng nhập khẩu tăng 63,0%. Olam, Phúc Sinh và Trân Châu là 3 doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu trong khi đó Indonesia là quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam đạt 1.787 tấn, tăng 460,2% so với tháng trước.
Lũy kế, nhập khẩu 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 23.778 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 20.890 tấn, tiêu trắng đạt 2.888 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 102,0 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 lượng nhập khẩu tăng 15,8%. Các doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu bao gồm: Olam Việt Nam, Pearl Group, KSS Việt Nam, Phúc Sinh và Liên Thành trong đó Olam chiếm thị phần lớn nhất 35,7% đạt 8.498 tấn, tăng 11,0%. Brazil, Cambodia và Indonesia là 3 quốc gia cung cấp hồ tiêu chủ yếu cho Việt Nam chiếm 90,3% lần lượt đạt 8.512 tấn, 6.651 tấn và 6.317 tấn, trong đó nhập khẩu từ Brazil giảm 32,0% trong khi đó nhập khẩu từ Cambodia tăng 95,4% và Indonesia tăng 134,2%.
Việt Nam chi 102 triệu USD để nhập khẩu hồ tiêu trong 9 tháng |
Ở chiều ngược lại, tháng 9, Việt Nam xuất khẩu được 17.138 tấn hồ tiêu các loại, tiêu đen đạt 15.232 tấn, tiêu trắng đạt 1.906 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 109,8 triệu USD, trong đó, tiêu đen đạt 94,8 triệu USD, tiêu trắng đạt 15,0 triệu USD, so với tháng 8 lượng xuất khẩu giảm 10,9%, kim ngạch giảm 11,7% và so với tháng 9 năm 2023 lượng xuất khẩu tăng 3,1%.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 9 đạt 6.329 USD/tấn, tiêu trắng đạt 7.838 USD/tấn, tăng 7,4% đối với tiêu đen và 5,1% đối với tiêu trắng so với tháng 8.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong tháng 9 bao gồm: Olam Việt Nam đạt 2.380 tấn; Phúc Sinh đạt 1.991 tấn; Haprosimex JSC đạt 1.245 tấn; Trân Châu đạt 1.208 tấn và Nedspice Việt Nam đạt 1.183 tấn.
Trong khi đó Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu của Việt Nam đạt 5.466 tấn, giảm 35,5% so với tháng trước. Tiếp theo là các thị trường: UAE đạt 1.415 tấn; Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 1.196 tấn; Đức đạt 756 tấn và Hà Lan đạt 562 tấn.
Tính chung, 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 200.894 tấn hồ tiêu các loại, trong đó, tiêu đen đạt 177.953 tấn, tiêu trắng đạt 22.941 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 991 triệu USD, trong đó, tiêu đen đạt 781,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 142,1 triệu USD. Toàn ngành xuất siêu khoảng 889 triệu USD.
So với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 1,7% tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 46,1%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 9 tháng đạt 4.852 USD/tấn, tiêu trắng đạt 6.461 USD/tấn, tăng lần lượt 40,9% đối với tiêu đen và 30,4% đối với tiêu trắng so với cùng kỳ năm trước.
Châu Á vẫn là khu vực xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam chiếm 37,8% đạt 75.859 tấn, tuy nhiên, so cùng kỳ giảm 33,7%, trong đó, chủ yếu giảm từ thị trường Trung Quốc. Một số thị trường xuất khẩu hàng đầu tại châu Á bao gồm: UAE đạt 13.159 tấn, tăng 41,1%; Ấn Độ đạt 9.284 tấn, tăng 0,5%; Trung Quốc đạt 8.905 tấn, giảm 84,1%; Philippines đạt 6.156 tấn, tăng 2,3%; Hàn Quốc đạt 5.710 tấn, tăng 59,0%; Pakistan đạt 4.992 tấn, tăng 55,8%.
Xuất khẩu sang châu Mỹ đạt 62.634 tấn, tăng 49,6%, trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam đạt 57.289 tấn, chiếm 28,5% thị phần và tăng 53,1% so với năm trước.
Xuất khẩu sang các thị trường khu vực châu Âu cũng ghi nhận sự tăng mạnh 33,6% đạt 50.769 tấn. Trong đó đứng đầu khu vực là Đức đạt 12.777 tấn, tăng 87,1%; Hà Lan đạt 8.065 tấn, tăng 35,4%; Nga đạt 5.153 tấn, tăng 26,8%; Anh đạt 4.340 tấn, tăng 17,8% và Thổ Nhĩ Kỳ đạt 3.853 tấn, tăng 10,2%.
Khu vực châu Phi chiếm 5,8% thị phần và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023 đạt 11.632 tấn. Ai Cập và Nam Phi là 2 thị trường xuất khẩu chính đạt 4.729 tấn và 2.109 tấn, tăng lần lượt 41,0% và 19,8%.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu 9 tháng năm 2024 bao gồm: Olam Việt Nam đạt 20.565 tấn, tăng 53,4%; Phúc Sinh đạt 18.513 tấn, tăng 59,5%; Nedspice Việt Nam đạt 15.136 tấn, tăng 11,8%; Haprosimex JSC đạt 15.053 tấn, tăng 79,0% và Trân Châu đạt 12.634 tấn, giảm 4,5%… Một số doanh nghiệp khác cũng có lượng xuất khẩu tăng đột biến như Simexco Đăk Lăk đạt 10.768 tấn, tăng 202,9%; Liên Thành đạt 10.760 tấn, tăng 65,1%, Gia vị Sơn Hà đạt 6.842 tấn, tăng 47,6%…
Là người trong ngành,ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Phúc Sinh Group cho biết, 2024 là một năm hoàn hảo để nhìn lại những huy hoàng và cả những cuộc vật lộn ở trong quá khứ của ngành hàng hạt tiêu. Trong quá khứ, giá tiêu tại Việt Nam đã có đợt tăng mạnh từ năm 2010 đến đỉnh điểm là năm 2015.
Theo ông Thông, giá tiêu có thể tiếp tục tăng nữa, và người nông dân có quyền mơ về "giấc mơ vàng đen" còn dang dở.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Việt Nam ở mức 6.800 USD/tấn với loại 500g/l; loại 550g/l ở mức 7.100 USD/tấn; giá hạt tiêu trắng ở mức 10.150 USD/tấn.
Trong khi đó, giá hạt tiêu tại thị trường nội địa dao động từ 146.000-150.000 đồng/kg tuỳ loại.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá hồ tiêu thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn do nguồn cung hạn chế.
Về dài hạn, giá hạt tiêu xuất khẩu sẽ vẫn được hỗ trợ, bởi sản lượng mặt hàng này của Việt Nam trong vụ mùa 2025 dự kiến giảm. Vụ hạt tiêu năm 2025 ở nước ta sẽ thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2, một số vùng kéo dài đến tháng 3 và tháng 4, chậm hơn 1-2 tháng so với những năm trước do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài.
Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), lượng hạt tiêu trong dân gần như không còn, chỉ còn ở trong các đại lý và kho của doanh nghiệp. Dự báo trong 3 - 5 năm tới, sản lượng hạt tiêu toàn cầu vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Các chuyên gia nông nghiệp cũng đồng tình hạt tiêu đã bước vào chu kỳ tăng giá mới. Chu kỳ này sẽ kéo dài 10-15 năm và giá có thể đạt đỉnh 350.000-400.000 đồng/kg.