VASEP kiến nghị loạt giải pháp cho xuất khẩu thủy sản trong năm 2024
Xuất khẩu thủy sản năm 2024 sẽ ra sao? Thị trường thuận lợi, xuất khẩu cá tra thêm cơ hội Thêm cơ hội cho cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ và EU |
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có báo cáo kết quả sản xuất, xuất khẩu thủy sản năm 2023; cơ hội, thách thức trong năm 2024 và các kiến nghị giải pháp củng cố, gia tăng năng lực cạnh tranh ngành hàng.
Theo VASEP, năm 2023 hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy sản đối mặt với lạm phát cao, nhu cầu giảm, tồn kho lớn. Giá xuất khẩu giảm và những khó khăn, bất cập trong sản xuất kinh doanh nội địa khiến kết quả xuất khẩu ngành này giảm 17% so với năm 2022, chỉ đạt 9 tỷ USD.
Dự báo về hoạt động xuất khẩu thủy sản năm 2024, VASEP cho rằng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 – 10 tỷ USD năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản khai thác dự báo thu về khoảng 3,6 – 3,8 tỷ USD.
Năm 2024, xuất khẩu tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD |
Mặc dù thị trường có những điểm sáng, song thực tế năm 2024 ngành thủy sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Từ đó, VASEP đã đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ.
Cụ thể, VASEP kiến nghị Chính phủ quan tâm và chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) tại kỳ rà soát trong năm 2024.
Lý giải về việc này, VASEP cho biết theo phản ánh từ doanh nghiệp hội viên, tại Hàn Quốc, chi phí để có hạn ngạch nhập khẩu tôm theo hiệp định VKFTA thông qua cơ chế đấu thầu đã tăng đến khoảng 14-16% so với giá trị nhập khẩu. Đây là mức chi phí cao xấp xỉ mức thuế nhập khẩu 20% đối với khối lượng tôm nhập khẩu ngoài hạn ngạch.
Cùng với đó, VASEP còn kiến nghị hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ, để ngành tôm có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác (Ecuador, Ấn Độ…) do giá thức ăn đang tăng cao, tác động lớn đến hoạt động nuôi và giá thành nguyên liệu. Vì thế, VASEP đề xuất có chính sách kiểm soát về giá thức ăn nhằm ổn định giá thành nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam. Chẳng hạn như cá tra, giảm thuế nhập khẩu bã đậu nành để sản xuất thức ăn cho cá xuống 0%; với tôm thì tính điện một giá cho cơ sở nuôi tôm.
Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất đạt chất lượng, giảm giá thành sản xuất, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các đơn vị sản xuất giống cá tra theo quy chuẩn; với tôm thì tăng cường kiểm soát chất lượng con giống, đảm bảo không có con giống kém chất lượng, dịch bệnh.
Ngoài ra, hiệp hội này có thêm nhiều kiến nghị liên quan khác. Cụ thể như: Điều chỉnh sửa đổi phù hợp quy định kiểm soát an toàn thực phẩm nguyên liệu hải sản khai thác nhập khẩu để chế biến xuất khẩu vào EU, đặc biệt bị tác động là ngành cá ngừ.
Hay thay đổi quy định về cách tiếp cận cấp giấy S/C (giấy xác nhận nguyên liệu) ngay cho chủ hàng khi đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu tại cảng cá; thiết lập hệ thống dữ liệu đầu vào nguyên liệu; kế hoạch xây dựng chợ đấu giá hải sản…