Tỷ phú giàu thứ 2 Ấn Độ Gautam Adani người được ông Phạm Nhật Vượng truyền cảm hứng là ai?
Mới đây, tỷ phú Gautam Adani Ấn Độ đã đăng hình chụp chung với tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên mạng xã hội X (Twitter) kèm lời chú thích được ông chủ Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng truyền cảm hứng về hành trình khởi nghiệp.
Bước ngoặt nắm bắt chính sách năng lượng
Vị tỷ phú Gautam Adani năm nay 61 tuổi, là người sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn Adani nổi tiếng giàu bậc nhất của Ấn Độ.
Tỷ phú Adani là một trong 8 người con trong gia đình trung lưu ở thành phố Ahmedabad. Ông đam mê kinh doanh từ nhỏ, sau khi bỏ ngang đại học, ông bắt đầu sự nghiệp bằng nghề kinh doanh kim cương ở thành phố Mumbai.
Lập nghiệp khi trong tay ông chỉ có vỏn vẹn 100 rupee. Sau vài năm ông thành lập công ty môi giới kim cương của riêng mình mang tên Zaveri Bazzar tại ngay trung tâm trang sức sầm uất nhất Mumbai.
Tỷ phú Gautam Adani đưa tập đoàn phát triển nhanh chóng nhờ nắm bắt chính sách năng lượng |
Đến năm 1988, Gautam Adani thành lập Adani Exports Limited, công ty mẹ của Tập đoàn Adani, lúc đầu chuyên kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp và năng lượng. Lúc này Tập đoàn đã nổi lên như một đơn vị kinh doanh than lớn nhất trong nước, đồng thời là đơn vị có nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Ấn Độ.
Từ đó, Adani Group phát triển mạnh mẽ và trở thành đế chế hùng mạnh trên nhiều lĩnh vực, từ năng lượng tái tạo, khai thác than, phân phối dầu khí đến cảng biển.
Cơ duyên của tỷ phú Gautam Adani thực sự đến với năng lượng tái tạo vào năm 2021, khi Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố sẽ đưa Ấn Độ đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng vào năm 2070 (chậm hơn nhiều thập kỷ so các nước khác).
Với việc ưu tiên tăng trưởng kinh tế, Ấn Độ có thể sẽ vẫn đốt nhiều than hơn nữa trong những thập kỷ tới. Điều này đã đặt ra câu hỏi về vai trò của quốc gia, vốn được dự đoán là nước tiêu thụ năng lượng nhanh nhất thế giới trong những thập kỷ tới, sẽ đóng vai trò như thế nào trong các nỗ lực cấp bách toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải và ngăn chặn thảm họa khí hậu.
Chính vì vậy, tỷ phú Gautam Adani cho rằng, “Ấn Độ phải chuyển từ đang phát triển sang phát triển, và năng lượng cũng giống như lương thực”. Ông cũng chia sẻ, đội ngũ của mình “đang cung cấp những gì đất nước và người dân cần: điện giá rẻ, uy tín".
Mối liên hệ giữa 'đế chế' của Adani và đất nước Ấn Độ được thể hiện ở thành phố ven biển Mundra ở bang Gujarat. Có cả một nhà máy sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời và một nhà máy nhiệt điện than bên cạnh cảng Mundra.
Tập đoàn có kế hoạch đầy tham vọng để mở rộng các cơ sở lắp đặt năng lượng mặt trời và năng lượng gió gần cảng, nhưng phần lớn điện năng tại Đặc khu kinh tế Adani ở Mundra đến từ than đá.
Adani đã bắt đầu tự sản xuất các mảnh của các tấm pin mặt trời, với kế hoạch xây dựng phần còn lại của nguyên liệu trong chuỗi cung ứng trong vài năm tới. Hiện đã là nhà phân phối năng lượng gió trên các đường dây truyền tải rộng lớn của mình, công ty cũng đang xây dựng các tuabin của riêng mình.
Tập đoàn đồng thời có kế hoạch xây dựng hai nhà máy sản xuất pin và đổ tiền mặt vào hydro xanh, một thành phần quan trọng trong chiến lược năng lượng tái tạo của tỷ phú Adani.
Trước kia nơi đây từng là mảnh đất cằn cỗi, cánh đồng muối cháy nắng. Sự thay đổi là biểu tượng rõ ràng nhất cho thấy ông Adani nắm được sức mạnh của nền kinh tế Ấn Độ.
Năm ngoái, tập đoàn ông đã cam kết đầu tư 70 tỷ USD vào năng lượng xanh. Theo Bloomberg, phần lớn tài sản của tỷ phú Adani được hình thành 2 năm trở lại đây nhờ theo sát các chính sách phát triển kinh tế của chính phủ Ấn Độ liên quan đến năng lượng và cơ sở hạ tầng. Việc Ấn Độ thiếu nhiên liệu đã khiến giá than lên cao khiến Adani Enterprises hưởng lợi lớn.
Tỷ phú Gautam Adani cùng tập đoàn phát triển hàng loạt các lĩnh vực |
Ông chủ của tập đoàn đa ngành trị giá 200 tỷ đô
Ông Adani hiện là Chủ tịch của một tập đoàn khổng lồ trị giá 200 tỷ USD kinh doanh nhiều mảng đa dạng.
Riêng trong lĩnh vực đầu tư cảng biển, Adani nằm trong 5 công ty có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, chiếm tới 25% năng lực cảng của Ấn Độ, là công ty hàng đầu trong phát triển, vận hành cảng và hệ thống hậu cần tích hợp tại quốc gia Nam Á này. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng có kinh nghiệm phát triển cảng biển ở nước ngoài, trong đó có cảng Haifa, là cảng lớn thứ hai tại Israel.
Năm ngoái, Adani Group đã hoàn tất việc mua lại Xi măng Ambuja và công ty con ACC từ Tập đoàn Holcim của Thụy Sĩ với giá 6,4 tỷ USD. Hai nhà sản xuất xi măng này đã giúp Adani Group trở thành nhà sản xuất xi măng lớn thứ hai tại thị trường Ấn Độ.
Ngoài ra, tập đoàn đang trong giai đoạn cuối cùng để hoàn tất việc mua lại Đài truyền hình New Delhi (NDTV), một trong những nguồn tin tức đáng tin cậy nhất của Ấn Độ.
Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của vị tỷ phú người Ấn là đế chế năng lượng, bao gồm hàng chục cảng trên bờ biển phía đông và phía tây của Ấn Độ, cùng với một tuyến đường sắt tư nhân được sử dụng để vận chuyển than và hàng hóa khác.
Bên cạnh đó, ông cũng là người đang dẫn đầu trong các hoạt động từ thiện. Cuối năm ngoái, ông được vinh danh là một trong những nhà từ thiện hào phóng nhất châu Á do Forbes bình chọn.
Theo danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes (tính tới 21h ngày 8/11), ông Adani xếp thứ 24 với khối tài sản ước tính 52,3 tỷ USD.
Tìm cơ hội tại Việt Nam Ngày 24/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Karan Adani, Tổng Giám đốc Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế, thuộc Tập đoàn Adani đang nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Tổng Giám đốc Karan Adani cho biết, Adani rất quan tâm, đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá cơ hội và đi đến quyết định, cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, không chỉ trong lĩnh vực cảng biển, logistics, mà còn các lĩnh vực năng lượng, công nghệ số. Trong đó, Adani mong muốn xây dựng hệ sinh thái cảng biển theo hướng xanh hóa và đầu tư các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam, tổng số vốn khoảng 3 tỷ USD, phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam. |