Tranh cãi quanh bộ phim “Đất rừng phương Nam”: Đâu rồi các nhà phê bình điện ảnh?
Đất Rừng Phương Nam: Nhiều “sạn” hay chỉ là bối cảnh khác nhau? Phim Đất rừng phương Nam: Sẽ bỏ tên và lời thoại “Nghĩa Hòa đoàn” cùng “Thiên Địa hội” |
Được “dựa trên cảm hứng” từ tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi như lời chỉnh sửa của đoàn làm phim, bộ phim điện ảnh cùng tên ngay từ các suất chiếu đầu tiên khi chưa chiếu chính thức đã “hút” được khán giả đến rạp.
Và cùng với sự cuốn hút đó thì bộ phim “Đất rừng phương Nam" cũng hút vô số các tranh cãi từ cái cúc áo, gương mặt của nhân vật trong phim đến những bang hội, nhân vật từng đi qua lịch sử đầu thế kỷ XX được tái hiện trong phim.
Đáng chú ý là tinh thần cầu thị của đoàn làm phim này, phản hồi những tranh cãi để tiến hành những chỉnh sửa cần thiết trước khi công chiếu chính thức sau khi được cơ quan chức năng kết luận không có vi phạm gì Luật điện ảnh.
Khác với bộ phim truyền hình “Đất phương Nam” năm 1997 cũng được xây dựng dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi, phim “Đất rừng phương Nam” được xem như là một hiện tượng của điện ảnh nội trong năm 2023, đặc biệt nó cho thấy đề tài lịch sử là đề tài vẫn đang cuốn hút khán giả điện ảnh không chỉ thế giới mà cả với khán giả Việt Nam.
Đó là điều đáng trân trọng với dòng phim nội mà trong bối cảnh điện ảnh hiện nay đó là điều đáng ghi nhận.
Cái khác biệt giữa hai bộ phim là “Đất rừng phương Nam” dường như nén nhiều hơn nhưng cũng có những trường đoạn bứt khỏi không gian lịch sử của tác phẩm văn học cùng tên để tạo những hiệu ứng cuốn hút khán giả, để không bị cái bóng dù đã lâu nhưng vẫn còn rất lớn của phim “Đất phương Nam” che lấp.
Cảnh trong phim "Đất rừng phương Nam" |
Những trang viết để đời của cố nhà văn Đoàn Giỏi trong “Đất rừng phương Nam” đă ăn sâu vào nhiều thế hệ độc giả luôn là áp lực không nhỏ với các đoàn làm phim khi lấy cảm hứng hoặc xây dựng kịch bản dựa trên tác phẩm văn học có độ dày không lớn này.
Bởi vậy những tranh cãi quanh bộ phim cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng điều đáng chú ý hơn là cũng giống như nhiều “tranh cãi” quanh các sự kiện văn hoá lâu nay nói chung và điện ảnh nói riêng thời gian qua, lại đang thiếu vắng một tiếng nói rất cần thiết, rất quan trọng. Đó là tiếng nói của giới phê bình, mà ở đây cụ thể là các nhà phê bình điện ảnh.
Tiếng nói của họ rất quan trọng để tác phẩm điện ảnh và khán giả đến gần nhau hơn, thân thiện hơn và cái chính là tác phẩm điện ảnh đứng ở đúng vị trí là món ăn tinh thần của khán giả.
Hình như trước sự phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy của mạng xã hội trong những năm qua, có một sự "mặc định" như rằng, vai trò phê bình các bộ phim đã được chuyển giao một cách cho mạng xã hội.
Nhiều chuyên gia văn hoá có chung một nhận xét rằng, với việc các trang mạng xã hội phát triển nên việc một bộ phim bị cộng đồng mạng soi xét, bàn tán thậm chí theo kiểu “bới lông tìm vết" là chuyện không tránh khỏi.
Điều đáng sợ là có không ít người chưa xem phim, không xem phim nhưng cũng bình luận, "còm" phim theo trào lưu số đông. Ở không ít trường hợp, họ đã vô tình tiếp tay hay tạo động lực “giết” một tác phẩm tốt mà họ chưa từng xem mà không hề biết, quanh cái chết của bộ phim ấy có bàn tay gõ phím của chính họ.
Ở bất cứ không gian văn hoá nào, tiếng nói của giới phê bình luôn rất quan trọng, thậm chí là đóng vai trò phát triển và thúc đẩy văn hoá hướng tới những tiêu đích lành mạnh, chân chính. Nhưng ở ta thời gian qua, tiếng nói của các nhà phê bình nghệ thuật có vẻ như ngày càng yếu ớt, mất dạng và đáng buồn thay, yếu nhất trong phê bình nghệ thuật lại chính là phê bình điện ảnh trong khi như V.Lenin từng khẳng định, trong tất cả các ngành nghệ thuật thì điện ảnh là ngành quan trọng nhất.
Câu hỏi được đặt ra là các nhà phê bình điện ảnh đang ở đâu, làm gì hay chỉ là an phận thủ thường trong khi lẽ ra xã hội luôn cần, rất cần đến tiếng nói của họ để điện ảnh Việt Nam có thể tiếp tục phát triển.
Chúng ta đang phát triển công nghiệp văn hoá và cho dẫu trong cơ chế thị trường, các tác phẩm điện ảnh dù là một loại hàng hoá nhưng cũng phải là hàng hoá của sự hoàn thiện, của việc hướng đến và tác động sâu sắc đến công chúng. Việc phát triển công nghiệp văn hoá xét cho cùng càng không thể thiếu đi vai trò của phê bình nghệ thuật nói chung và phê bình điện ảnh nói riêng, không thể chỉ dừng lại ở vai trò “bà đỡ” mà còn cần chắp cánh cho tác phẩm nghệ thuật bay xa.