Tôm, cá tra tận dụng cơ hội thị trường đẩy mạnh xuất khẩu
Xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả khả quan, trong bối cảnh nhu cầu và giá thực phẩm ở nhiều thị trường tăng cao, doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng cơ hội để khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.
Trong số đó, các chuyên gia đánh giá cá tra có nhiều cơ hội tăng thị phần tại EU, trong khi tôm có nhiều dư địa tăng trưởng tại Canada.
Cơ hội cho cá tra tăng tốc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đã khởi sắc trở lại sau hơn ba năm ảm đạm.
Tính đến nửa đầu tháng 5/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường EU đạt 76,8 triệu USD, tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, Hà Lan là thị trường có sức hút mạnh nhất, chiếm 31,7% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU.
Ảnh hưởng lan truyền của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm rung chuyển thị trường năng lượng đến thúc đẩy cuộc khủng hoảng tị nạn gia tăng ở châu Âu. Các chuyên gia cảnh báo, cuộc xung đột này có thể gây ra nhiều tác động lớn hơn, bao gồm cả việc tăng nguy cơ khủng hoảng lương thực.
EU là đối tác thương mại chính của sản phẩm nông sản, thực phẩm, thủy sản với Nga và Ukraine. Do đó, EU đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa về an ninh lương thực.
Bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP thông tin, cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã khiến nền kinh tế và thị trường của EU dịch chuyển với quy mô lớn hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đó như đại dịch COVID-19. Lạm phát ở châu Âu đang lên mức cao kỷ lục và đe dọa làm suy yếu quá trình khôi phục sản xuất khi các nền kinh tế nỗ lực vực dậy sau đại dịch.
Dự báo giá lương thực ở châu Âu sẽ tăng lên mức chưa từng có, hơn nữa việc nhiều quốc gia EU và Mỹ đang “trừng phạt” cá minh thái của Nga vốn là sản phẩm cạnh tranh mạnh với cá tra cũng khiến cho nguồn cung cá thịt trắng của khu vực này bị giảm đáng kể. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp cá tra Việt Nam quay lại và thúc đẩy xuất khẩu cá tra đông lạnh sang EU.
Cho tới nay, Hà Lan vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam với các chủng loại đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng như cá tra tẩm bột chiên đông lạnh, cá tra phile cuộn đông lạnh, cá tra phi lê cuộn hoa hồng đông lạnh, cá tra tẩm bột hương bia chiên đông lạnh, phile cá tra organic đông lạnh. Ngoài Hà Lan, xuất khẩu cá tra đông lạnh sang các thị trường Đức, Tây Ban Nha, Bỉ cũng có chiều hướng khả quan.
Ngoài EU, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam cũng tích cực phát triển sang các thị trường tiềm năng, đáng chú ý là 3 thị trường: Mexico, Ai Cập và Thái Lan. Tính đến nửa đầu tháng 5/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mexico đạt 45,6 triệu USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 4,3% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.
Theo VASEP, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mexico đang tốt nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm thị trường CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), chiếm 35% tổng giá trị của toàn khối. Sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico chủ yếu là cá tra phile đông lạnh và cá tra cắt khúc đông lạnh.
Thái Lan vốn là bạn hàng mới của cá tra Việt Nam trong những năm gần đây. Khoảng cách địa lý gần, nhu cầu nhập khẩu cá tra tăng trưởng đã thu hút nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam hướng xuất khẩu vào Thái Lan. Cho tới nay, có gần 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra tích cực sang Thái Lan.
Mới đây, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Mỹ đã công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra Việt Nam được phép chế biến, xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường Mỹ. Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga cũng bổ sung thêm 2 doanh nghiệp Việt Nam vào danh sách được phép xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á-Âu. Những diễn biến mới này có thể thúc đẩy xuất khẩu cá tra tăng trưởng khả quan hơn nữa trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp nhận định, thị trường tiêu thụ tốt nhưng cá nguyên liệu cho chế biến vẫn đang thiếu hụt, đặc biệt nguồn cá đủ tiêu chuẩn xuất đi Mỹ và EU. Dự báo, sự mất cân đối nguồn cung này sẽ còn tiếp tục cho tới hết quý 3/2022.
Tôm tận dụng thị trường Canada
Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu tôm ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản.
Mặc dù dự báo xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng nhưng theo một số doanh nghiệp, từ đầu tháng 5, thời tiết có chiều hướng bất lợi cho tôm nuôi, mưa đầu mùa sớm hơn mọi năm, xuất hiện dịch bệnh ảnh hưởng đến sản lượng tôm, nguồn nguyên liệu tôm không được khả quan như những tháng đầu năm.
Trong khi đó, từ tháng 6 đến hết tháng 9 hàng năm là khoảng thời gian mưa bão nhiều ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nên việc chăm sóc tôm nuôi càng gặp nhiều khó khăn.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Do vậy, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lo ngại những tháng tới, có khả năng nguyên liệu tôm sẽ thiếu hụt. Điều này đồng nghĩa với việc giá tôm trong nước tăng cao, giá thành tôm xuất khẩu khó cạnh tranh với các đối thủ chính như Ecuador và Ấn Độ.
Trong bối cảnh xuất khẩu tôm dự báo sẽ giảm tốc đến hết quý 3/2022, xuất khẩu tôm sang Canada vẫn được các chuyên gia nhận định vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo thống kê của VASEP, tính tới giữa tháng 5/2022, xuất khẩu tôm sang Canada đạt 100 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Canada là thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn thứ 6 của tôm Việt Nam, chiếm 6,3% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Canada cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của tôm Việt Nam trong khối CPTPP, chiếm 22% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam vào khối thị trường này.
Tính tới nửa đầu tháng 5 năm nay, xuất khẩu tôm sang Canada ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất so với các thị trường còn lại trong khối CPTPP. Sau khi CPTPP có hiệu lực 2019, xuất khẩu tôm Việt sang Canada năm 2020 đạt 187 triệu USD, tăng 23% so với năm 2019, năm 2021 cũng tăng 18% so với năm 2019, đạt 180 triệu USD.
Hiện có khoảng 80 doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Canada với chủng loại sản phẩm khá đa dạng, nổi bật như tôm chân trắng luộc đông lạnh, tôm chân trắng bỏ đầu còn đuôi tươi đông lạnh, tôm sú tươi đông lạnh...
Bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm thông tin, những năm gần đây, Canada tiêu thụ khá nhiều tôm nước ấm của các nước Đông Nam Á trong bối cảnh nguồn cung tôm nước lạnh sụt giảm. Đây có thể được coi là yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada.
Canada có chính sách đón nhận người nhập cư mỗi năm, trong đó nhóm người dân nhập cư là người châu Á chiếm tỷ lệ cao. Họ rất ưa thích thủy sản, bao gồm cả tôm. Doanh nghiệp xuất khẩu tôm có thể khai thác nhóm khách hàng tiềm năng với nhu cầu đa dạng này.
Những thuận lợi khác là thị trường Canada không có hạn ngạch nhập khẩu, các sản phẩm thủy sản Canada và Việt Nam mang tính tương hỗ lẫn nhau hơn là cạnh tranh trực tiếp. Sản phẩm nhập khẩu vào Canada cũng dễ dàng tiếp cận thị trường Mỹ và ngược lại khi thương mại Canada và Mỹ chiếm tới 75% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Canada.
Theo bà Kim Thu, dù tiềm năng lớn nhưng trên thị trường Canada, tôm Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đến từ Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Ecuador... Các doanh nghiệp Việt Nam định hướng xuất khẩu vào thị trường Canada cần nghiên cứu thông tin, hoạch định chiến lược cụ thể để tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới./.