Giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp
DNNVV hiện chiếm trên 90% tổng số DN đang hoạt động của cả nước, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lực lượng lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Để thúc đẩy khu vực DNNVV phát triển, trong hoạch định chính sách vĩ mô, các giải pháp về thuế là một công cụ hỗ trợ đắc cực. Đặc biệt, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh của các DNNVV còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh các DNNVV đang hoạt động, hiện đã và đang xuất hiện làn sóng mới hỗ trợ các cá nhân khởi nghiệp (start-up). Doanh nghiệp start-up góp phần tích cực vào cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho xã hội, từ đó giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Chính phủ đang đẩy mạnh và khuyến khích các cá nhân khởi nghiệp. Dự báo trong giai đoạn tới ở Việt Nam sẽ hình thành nhiều DN start-up mới.
Để hỗ trợ, thúc đẩy DN start-up phát triển, Bộ Tài chính cho biết, đối với các DN start-up đáp ứng được các điều kiện ưu đãi thuế hiện hành sẽ được hưởng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm thuế trong 9 năm tiếp theo. Đối với những DN start-up không thuộc các địa bàn được ưu đãi thuế, không đáp ứng được điều kiện hoạt động trong các lĩnh vực khuyến khích đầu tư hiện hành, để hỗ trợ họ phát triển, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trình Quốc hội phương án áp dụng thuế suất như mức áp dụng giảm đối với các DNNVV từ 1/1/2016 đến hết năm 2020.
Các phương án giảm thuế cho DN Bộ Tài chính trình Chính phủ nếu được thực hiện có thể tác động làm giảm một phần nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, số thuế giảm thu đó sẽ được các tổ chức, DN… sử dụng vào tiêu dùng, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó có thể bù lại nguồn thu thông qua thu các loại thuế gián thu và thuế thu nhập cá nhân phát sinh từ số thuế giảm cho DN. Điều này cũng sẽ góp phần giúp DN khắc phục khó khăn, tập trung nguồn lực tái đầu tư đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó Nhà nước vẫn có thể tăng được nguồn thu từ thuế thu nhập DN ở giai đoạn tiếp theo.
Áp dụng một mức thuế suất hợp lý trong bối cảnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp cận các nguồn vồn còn khó khăn sẽ giúp cho DNNVV có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm chi phí kinh doanh, giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Đối với các DNNVV tiềm lực tài chính có hạn thì việc giảm thuế dù ít hay nhiều đều rất có ý nghĩa. Đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, trong 2 phương án giảm thuế cho DNNVV xuống còn 17% và 15%, Chính phủ nên chọn phương án mức thuế suất 15% trình Quốc hội bởi mức áp dụng 17% vẫn chưa hỗ trợ được nhiều vì đã có nhiều DNNVV gặp khó khăn tỏ ra đuối sức.
Giới DN và chuyên gia kinh tế đánh giá cao giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế để thúc đẩy phát triển DN trong bối cảnh hiện nay do Bộ Tài chính đề xuất. Với vai trò quan trọng và không thể thiếu trong nền kinh tế, lực lượng DNNVV có trụ vững, phát triển và đi lên được thì nền kinh tế mới vững mạnh. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy DNNVV tiếp tục phát triển mạnh về lâu dài cần có sự nỗ lực, tích cực từ phía nhiều bộ, ngành.
Lan Ngọc