Thuốc và thực phẩm chức năng giả: Hệ luỵ và những giải pháp
Chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng, giải quyết căn cơ tình trạng y bác sĩ thôi việc |
Thuốc giả, hiểm hoạ thật
Tại Hội thảo Thuốc và thực phẩm chức năng giả: Hiện trạng và giải pháp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm công nghệ Chống hàng giả Việt Nam tổ chức vào sáng 23/8 đưa ra thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2021, Tổng cục Quản lý Thị trường đã phát hiện 41.375 vụ vi phạm trên cả nước, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng và có mức độ phức tạp không hề nhỏ.
Trong đó, có những sản phẩm liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng. Năm 2022, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp.
Thuốc và thực phẩm chức năng giả không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp |
Ông Phạm Văn Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam cho biết: Thuốc và thực phẩm chức năng là 2 loại thực phẩm mà con người đưa trực tiếp vào cơ thể của mình để chữa bệnh và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để giảm nguy cơ bệnh tật.
Vì nó có tầm quan trọng đối với tính mạng, sức khoẻ con người, nên các loại sản phẩm này phải được cơ quan chức năng quản lý, kiểm tra một cách chặt chẽ, nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi người tiêu dùng.
“Tuy nhiên trên thực tế, vấn đề thuốc giả và thực phẩm chức năng giả đã tồn tại rất lâu trong đời sống xã hội, đã gây ra không biết bao nhiêu hệ luỵ và đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn, công nghệ ngày càng tinh xảo hơn, nhưng các giải pháp để chống lại vấn nạn này đến nay vẫn chưa có hiệu quả cao” – ông Phạm Văn Thọ khẳng định.
Trong khi đó, theo bà Lê Thị Thu Thuỷ - Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI), thuốc và thực phẩm chức năng giả không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính.
Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện thương hiệu PN'S Choice - Công ty TNHH Tập đoàn Y - Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam , bà Trần Hoàng Kim Oanh cho rằng: 90% sâm Ngọc Linh gắn mác khai thác tự nhiên trên thị trường là giả, điều này dẫn đến hệ luỵ rất lớn đến hệ luỵ quốc gia, có thể khiến khách hàng sẽ quay lưng lại với thương hiệu quốc gia.
"Việc phân biệt đâu là sâm Ngọc Linh thật, đối với các chuyên gia thì dễ nhưng đối với người tiêu dùng thì hoàn toàn bất khả thi. Thậm chí, sâm Ngọc Linh đã từng bị làm giả ngay tại thánh địa của sản phẩm này" - bà Trần Hoàng Kim Oanh - Công ty TNHH Tập đoàn Y - Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam khẳng định tại hội thảo.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của thuốc giả và thực phẩm chức năng giả được đưa ra tại hội thảo là bởi, lợi nhuận của ngành dược là rất lớn. Bên cạnh đó, thuốc và thực phẩm chức năng là các sản phẩm mang tính chất đặc thù. Bằng phương pháp thông thường, khó có thể nhận biết được chính xác. Việc khó phân biệt được thật giả dẫn đến việc thực thi và vai trò, chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý thị trường bị hạn chế rất nhiều trên cương vị bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ông Trần Đức Đông – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) cũng cho rằng: Buôn lậu, gian lận thương mại là một trong những vấn nạn, ảnh hưởng đến các tổ chức kinh tế và vấn nạn của người dân.
Thuốc và thực phẩm chức năng giả gây ra những hệ luỵ khó lường cho con người |
Giải pháp ngăn chặn hàng giả
Để giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc và thực phẩm chức năng nắm sâu hơn các biện pháp quản lý, bảo vệ sản phẩm chính hãng của mình và cũng là biện pháp ngăn chặn vấn nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả để bảo vệ quyền được sống của con người. Góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và thực hiện quyền lợi người tiêu dùng. Tổng cục Quản lý Thị trường đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, cơ quan quản lý thị trường cần tập trung rà soát trong từng lĩnh vực để phát hiện, xử lý sai phạm, kịp thời đề xuất các lỗ hổng trong quản lý theo đúng các quy định của pháp luật Nhà nước.
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý Thị trường, Đội Quản lý thị trường bám sát tình hình và diễn biến thị trường trong nước trên từng địa bàn, để chủ động xây dựng kế hoạch công tác của từng đơn vị, từng lực lượng; phân công trách nhiệm và có cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu suất công tác và thực thi đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi tổ chức, cá nhân trong toàn lực lượng trên từng địa bàn, lĩnh vực.
Nâng cao ý thức toàn dân là một giải pháp hữu hiệu trong việc hỗ trợ cơ quan thực thi nhiệm vụ. Do đó, cần chú trọng làm công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự ủng hộ chia sẻ của toàn cân đối với những hoạt động rất đặc thù của ngành Công Thương và lực lượng quản lý thị trường.
Trong khi đó, theo ông Trần Đức Đông, để kiểm soát hàng giả, hàng nhái, tới đây cần tập trung vào một số giải pháp, bao gồm: Quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo 389 quốc gia, BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương căn cứ các nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, xây dựng triển khai thực hiện điều tra, xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu là hàng giả nói chung và thực phẩm chứng năng nói riêng.
Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát các khó khăn về quy chế pháp luật, bổ sung thay đổi kịp thời từng bước các chính sách chống buôn lậu. Ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm khai thác các dữ liệu sẵn có phục vụ mục tiêu chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ thực thi, và một số chính sách an sinh xã hội, hạn chế tối đa việc bị lợi dụng, lôi kéo vào hoạt động buôn lậu.
Ông Trần Đức Đông – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389): Buôn lậu và gian lận hàng giả nói chung tuy giảm dần trong những năm gần đây song còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, và trong bối cảnh lạm phát tăng cao, biến động chênh lệch giá giữa các tỉnh, thành, địa phương… tạo ra thách thức cho các ngành, địa phường trong kiểm soát hàng giả. |