Thương mại điện tử “chắp cánh” cho hàng Việt Nam
Thương mại điện tử giúp người tiêu dùng thông qua internet có thể mua sắm tại nhiều thị trường trên thế giới, trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”, đồng thời hỗ trợ người bán hàng dễ dàng giới thiệu sản phẩm của mình trên khắp thế giới.
Hơn 10 năm trước, sản phẩm xà đơn xếp mang thương hiệu Khánh Trình phù hợp không gian sống đô thị được ra mắt tại thị trường Việt Nam. Sản phẩm này được đầu tư lớn trong khâu thiết kế, có sự khác biệt với tất cả các kiểu dáng trên thị trường quốc tế thời điểm đó. Giám đốc công ty Lê Nguyễn Khánh Trình đã quyết định đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình ở nhiều quốc gia và tìm đường xuất khẩu ra nước ngoài.
Phân loại hoàng hóa của hãng thương mại điện tử Lazada. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Tuy nhiên, khi giao dịch trên sàn Alibaba, việc kinh doanh không thành do kém lợi thế về giá và phí vận chuyển với các sản phẩm của Trung Quốc. Cuối năm 2016, Khánh Trình tiếp cận thị trường Mỹ bằng sản phẩm mới được thiết kế phù hợp hình thể người phương Tây, qua kênh bán lẻ trực tiếp thông qua website riêng và sàn thương mại điện tử Amazon. Tập đoàn Amazon có chính sách cho phép người mua trả lại hàng hóa trong vòng 30 ngày bất kể lý do gì, người bán phải chịu hoàn toàn chi phí vận chuyển hàng trả lại.
Người tiêu dùng nếu không hài lòng về người bán hoặc sản phẩm, có thể nộp yêu cầu lên Amazon để lấy lại 100% tiền hàng. Một số người mua đã tận dụng chính sách này của Amazon để yêu cầu người bán giảm giá sâu. Sản phẩm xà đơn xếp có khối lượng khá nặng, chi phí vận chuyển trở lại kho rất cao, lại dễ xảy ra hư hỏng khi trả lại, nên một số người mua đã lợi dụng đặc điểm này để yêu cầu hoàn tiền. Cho dù sản phẩm nhận lại không còn nguyên vẹn, doanh nghiệp vẫn phải chi trả toàn bộ chi phí cho người mua. Sau hơn 4 năm đối mặt muôn vàn khó khăn và kiên nhẫn tìm kiếm cơ hội, sản phẩm xà đơn xếp Khánh Trình đã chiếm được cảm tình của khách hàng, doanh số bán hàng tăng trung bình mỗi năm tới 200%, năm 2020 tăng đến 500%.
Nhiều huấn luyện viên, vận động viên thể hình trên thế giới có tầm ảnh hưởng cũng hết sức quan tâm đến sản phẩm. Mới đây, nhà đầu tư nổi tiếng của chương trình Shark Tank (Mỹ) Kevin Harrington cũng quảng bá sản phẩm xà đơn xếp Khánh Trình đến người tiêu dùng Mỹ và thế giới trên kênh truyền thông “As seen on TV”. Hiện sản phẩm của công ty đã đến với người tiêu dùng tại gần 80 quốc gia khác nhau, đem lại doanh thu hằng năm khoảng 3-4 triệu USD. Công ty vẫn đang tiếp tục phát triển sâu thêm tại nhiều thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia,…
Theo báo cáo của eMarketer năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề thị trường bán lẻ toàn cầu. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, bán lẻ toàn cầu năm 2020 sụt giảm đến 2,8%. Tuy nhiên, bán lẻ thông qua thương mại điện tử lại tăng trưởng đột biến hơn 27%. Ðến nay, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trên thế giới, nhưng xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử dự báo vẫn không đảo ngược khi người tiêu dùng đã chuyển dần thói quen mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến.
Dự kiến đến năm 2025, thương mại điện tử sẽ chiếm 23,4% trong tổng doanh số bán lẻ toàn cầu. Năm nhóm hàng được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trên môi trường thương mại điện tử là thời trang; điện tử và điện dân dụng; đồ chơi; nội thất và đồ gia dụng; thực phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân. Trong đó, theo đánh giá, các nhóm hàng trên Việt Nam đều có tiềm năng lớn (trừ điện tử dân dụng).
Giám đốc khu vực phía bắc của Amazon Global Selling Việt Nam Trịnh Khắc Toàn cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Thứ nhất, họ có thể cắt bỏ hầu hết các khâu trung gian trong mô hình phức tạp của xuất khẩu truyền thống để dễ dàng tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn cầu, nhờ đó tiết kiệm được chi phí và tăng lợi nhuận bán hàng. Thứ hai, doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn thị trường và vòng đời sản phẩm nhờ sự phản hồi nhanh chóng từ khách hàng.
Ðây là điểm khác biệt rất lớn so mô hình xuất khẩu truyền thống là khi hàng xuất khỏi kho, doanh nghiệp khó có thể biết các nhà bán lẻ, nhà phân phối làm gì với hàng hóa của mình. Thứ ba, thương mại điện tử là cơ hội để doanh nghiệp có thể tự xây dựng cũng như định vị được thương hiệu. Chính vì những lợi thế đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia trên các sàn thương mại điện tử quốc tế. Theo thống kê của Amazon, hiện có hơn 7,2 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đang được bán tại nền tảng này trên khắp toàn cầu. Năm 2021, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bán sản phẩm trên Amazon tăng trưởng hơn 34%; doanh nghiệp đạt doanh số hơn 100 nghìn USD tăng 18%; doanh số hơn 500 nghìn USD tăng tới 53%.
Tuy nhiên, ông Trịnh Khắc Toàn cũng nhận định, thực tế vẫn có gần 80% số doanh nghiệp Việt chưa biết cách khai thác thế mạnh, tiềm năng của mình trên sàn thương mại điện tử cả nội địa và quốc tế. Trong khi đó, các nền tảng như Amazon có thể hỗ trợ người bán hàng “ngồi tại chỗ” vẫn tiếp cận với 300 triệu khách hàng ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, thương mại điện tử xuyên biên giới chính là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường. Ðể có thể bán hàng thành công trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế, doanh nghiệp cần định hướng chiến lược sản phẩm sao cho phù hợp thị hiếu khách hàng tại thị trường nhắm đến.
Do thương mại điện tử chủ yếu là bán lẻ, doanh nghiệp cần đa dạng hóa các hình thức vận chuyển. Tiếp đó, doanh nghiệp cần lên kế hoạch đầu tư quảng cáo và hoạch định rõ chiến lược kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, quan trọng nhất là xây dựng được thương hiệu của riêng mình vì tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới đồng nghĩa với việc phải cạnh tranh với hàng triệu nhà bán hàng trên khắp thế giới. Các doanh nghiệp đã có thương hiệu cũng cần định vị lại để phù hợp hơn thị trường mục tiêu. Muốn vậy, doanh nghiệp cần phải có đội ngũ nhân sự chuyên trách mảng bán hàng trực tuyến, hiểu rõ các quy định của thị trường mình triển khai bán sản phẩm. Giám đốc kinh doanh khu vực Hà Nội của sàn thương mại điện tử Tiki Vũ Thị Thư chia sẻ, mỗi sàn thương mại điện tử sẽ có ưu điểm, tệp khách hàng và chính sách hỗ trợ riêng biệt.
Vì thế, khi bắt đầu, doanh nghiệp nên kinh doanh nhiều sàn để tận dụng tốt tiềm năng vốn có cũng như tối ưu hóa hiệu quả từ lợi thế của mỗi sàn. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thường vội vàng kinh doanh nhưng chưa hiểu biết kỹ càng về thương mại điện tử, cách thức hoạt động của các sàn, dẫn đến thất bại. Do đó, khâu chuẩn bị phải làm thật tốt, hoạch định rõ kế hoạch ngắn hạn cũng như lâu dài, khi đã chính thức bước chân “lên sàn”, còn cần cả sự “máu lửa” như trường hợp doanh nhân 8x Khánh Trình nêu trên.
Một số chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội từ xu hướng xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới để tạo đột phá, vươn ra thị trường quốc tế rộng lớn, khai thác tiềm năng mạnh mẽ của sản phẩm “Made in Vietnam”. Nhưng đây cũng là hình thức khá mới mẻ của phần đông doanh nghiệp Việt với nhiều quy trình, quy định phức tạp về pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu cũng như của các nền tảng thương mại điện tử quốc tế. Do đó, doanh nghiệp cần được trang bị đầy đủ kỹ năng về thương mại quốc tế, hiểu biết thị trường cũng như quy định về kinh doanh thương mại điện tử của nước nhập khẩu. Về sản phẩm, cần có tính cạnh tranh cao bằng chất lượng và đây là điều kiện tiên quyết.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần trang bị các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số, đáp ứng tốt yêu cầu kỹ thuật trong công nghệ mà các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang áp dụng, đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm trên không gian số sao cho phù hợp thị hiếu quốc tế và thuyết phục được người tiêu dùng ở các quốc gia khác nhau. Một lưu ý quan trọng là đừng bỏ qua việc khai thác, tận dụng lợi ích từ phần hỗ trợ, hạ tầng hậu cần cũng như công cụ, dịch vụ tiên tiến mà các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới cung cấp để nhanh chóng triển khai hoạt động xuất khẩu.