Thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ về xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát |
Bên cạnh đó tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Ảnh: VGP |
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ và Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với tinh thần chủ đề điều hành của năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.
Sớm hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra để kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ có thể điều hành tín dụng, lãi suất ở mức hợp lý, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Chủ trì, cùng với các bộ, cơ quan liên quan bám sát diễn biến, tình hình giá cả thị trường, thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành giá linh hoạt, thận trọng, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định hiện hành, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân...; kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 330/TB-VPCP ngày 18/10/2022 để khai thác hiệu quả hơn các dư địa thu ngân sách nhà nước trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong công tác quản lý thu đối với hoạt động thương mại điện tử, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2023. Tăng cường công tác quản lý thu thuế đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù, nhất là dịch vụ ăn uống, trên cơ sở ứng dụng công nghệ số và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách như đi công tác, khánh tiết, hội thảo, hội nghị...
Sớm hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trước ngày 10/2/2023; khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023, chủ động có biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp phù hợp trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” theo đúng quy định pháp luật để bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo các nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khẩn trương có văn bản hướng dẫn các địa phương về việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương năm 2022 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó cần chủ động dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tập trung cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; hoàn thiện phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Khẩn trương tổng kết, đánh giá đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023.
Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; điều hành tỷ giá phù hợp; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023.
Khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: Tiếp tục triển khai các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, tăng cường đàm phán, ký kết Hiệp định mới với các nước, khu vực còn tiềm năng, phấn đấu kết thúc đàm phán Hiệp định FTA giữa Việt Nam và I-xra-en trong tháng 02 năm 2023; cùng các cơ quan liên quan thúc đẩy nâng cao hiệu quả và tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc. Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Chú trọng phát triển thị trường nội địa; đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện khung khổ pháp lý về thương mại điện tử, giao dịch điện tử và kinh tế số.
Tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án trọng điểm ngành Công Thương để sớm hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia gắn với chuyển dịch năng lượng, thực hiện cam kết chống biến đổi khí hậu, tăng cường tính tự chủ về năng lượng; tập trung chỉ đạo bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm của ngành điện; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển nguồn năng lượng tái tạo, bảo đảm hiệu quả chung, lợi ích chung cao nhất.
Căn cứ các quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg ngày 03/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chủ động xây dựng phương án và kịch bản truyền thông, tạo đồng thuận xã hội; chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xem xét, điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo EVN xem xét, điều chỉnh theo thẩm quyền mức giá bán điện bình quân theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu. Khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg.
Khẩn trương rà soát, đề xuất các biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:
Khẩn trương rà soát, đề xuất các biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và chuẩn bị tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/2/2023.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo; chủ động phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng nguồn quỹ nhà tạm để thực hiện chủ trương này.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp đồng bộ giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở cho người lao động, bảo đảm “an cư lạc nghiệp”; báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh phát triển sản xuất, chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao theo hướng sinh thái, đa mục đích, hiệu quả cao, có quy mô phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, địa phương và nhu cầu thị trường, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp. Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao triển khai đồng bộ các giải pháp khơi thông, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, nhất là các mặt hàng chủ lực, có thế mạnh sang các thị trường trọng điểm.
Kịp thời giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%
Về tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 622/BC-BKHĐT ngày 01/2/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình); yêu cầu:
Bộ Tài chính bám sát Đề án để có phương án huy động nguồn lực thực hiện Chương trình đã được phê duyệt tại Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 31/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ; có giải pháp phù hợp để đáp ứng kịp thời nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2022/NĐ-CP trong tháng 02 năm 2023 để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống các ngân hàng thương mại; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cho điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết sang các nhiệm vụ chi hoặc hình thức hỗ trợ phù hợp khác.
Các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các dự án đầu tư đủ thủ tục đầu tư thuộc Chương trình, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu; tiếp tục hoàn thiện thủ tục gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 đối với số vốn 14.151 tỷ đồng còn lại; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp không được phân bổ do không đáp ứng đúng thời hạn quy định.
Bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình, điều hòa linh hoạt vốn giữa Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm giải ngân toàn bộ số vốn của Chương trình trong năm 2023.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan đề xuất phương án xử lý nguồn kinh phí còn lại về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 28/3/2022; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/2/2023.
Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi, thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đề xuất phương án chuyển hướng hỗ trợ thiết bị cho các học sinh, sinh viên hộ nghèo tiếp cận thông tin từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2023.
Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, tổng hợp tình hình phân bổ chi tiết, giải ngân nguồn vốn của Chương trình trong kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan, địa phương; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ hằng tháng.
Bộ Y tế báo cáo cụ thể về tính khả thi, việc hoàn thiện phương án phân bổ vốn 832 tỷ đồng cho các dự án thuộc lĩnh vực y tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/2/2023.
Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023
Về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 623/BC-BKHĐT ngày 01/2/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; yêu cầu các bộ, cơ quan địa phương:
Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo đúng quy định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đôn đốc, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý đối với các khoản mà các bộ, cơ quan, địa phương chưa phân bổ chi tiết theo quy định; khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiện toàn các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 để nhanh chóng triển khai làm việc, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023.
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2023, nhất là đối với các công trình dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị, các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các dự án sản xuất trong nước…; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, tiếp cận vốn… theo nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo cấp trên trực tiếp; đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên trách, công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công, khả năng tham gia của cộng đồng vào việc giám sát các dự án đầu tư công, bảo đảm công khai, minh bạch; xử lý nghiêm các vi phạm, hành vi cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục về đầu tư công và thanh toán vốn đầu tư công theo quy định.