Thu hút khách Tây Âu: Cơ hội để ngành du lịch Hà Nội bứt phá
Du khách tham quan và mua sắm các sản phẩm của Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Tại hội nghị triển khai chương trình kích cầu du lịch cho thị trường khách của các quốc gia trên do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 23/7, doanh nghiệp nhiệt tình tham gia chương trình với mong muốn thực hiện một cách bài bản, thực chất, để lấy lại đà tăng trưởng cao từ các thị trường khách này.
Kích cầu bằng sản phẩm du lịch mới và giá tour giảm
Theo các doanh nghiệp, du lịch Hà Nội giàu tiềm năng nhưng sản phẩm du lịch nhiều năm qua vẫn không có gì thay đổi. Chỉ trong một ngày city tour (du lịch nội đô), du khách có thể tham quan hết các điểm của Hà Nội. Trong khi đó, các điểm vui chơi, giải trí của Hà Nội đều có quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện để thu hút khách.
Trước thực tế đó, việc xây dựng sản phẩm du lịch mới là vấn đề đặt ra cho cả cơ quan quản lý du lịch Hà Nội lẫn các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong việc thu hút khách của 5 quốc gia Tây Âu và Belarus.
Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết: “Năm quốc gia Tây Âu (Đức, Pháp, Anh, Italy, Tây Ban Nha) đều coi Hà Nội là điểm đến chính trong hành trình tham quan Việt Nam. Vì vậy, chính sách miễn thị thực của Chính phủ sẽ là cơ hội để Hà Nội có thể bứt phá, nếu biết tổ chức triển khai thu hút khách. Hà Nội cần đưa ra các chương trình khuyến khích khách nước ngoài đến tham quan bằng các việc cụ thể. Mà quan trọng là phải xây dựng được sản phẩm tốt và giới thiệu trực tiếp cho khách.”
Cũng theo ông Vũ Thế Bình, mỗi thị trường khách có sở thích riêng, các doanh nghiệp cần trao đổi với khách để nắm được tâm lý của họ, tạo ra các sản phẩm riêng.
Vấn đề xây dựng sản phẩm mới thực sự thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Vì hơn ai hết, chính doanh nghiệp là bên tổ chức cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm Hà Nội thông qua các sản phẩm du lịch.
Theo các doanh nghiệp, ngoài những điểm di tích trong thành phố, những năm qua họ chỉ biết đưa du khách đi xem múa rối. Chính vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị ngành du lịch xây dựng thêm các chương trình nghệ thuật tổng hợp (ca trù, chèo, xiếc…) với thời lượng ngắn để phục vụ du khách.
Các doanh nghiệp cũng nêu ý tưởng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có thể tổ chức các chương trình nghệ thuật thường xuyên tại Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám vào buổi tối để phục vụ các đoàn khách tham quan.
Bà Đỗ Mai Hương, Phó Giám đốc Công ty du lịch Hồ Gươm, còn cho rằng: “Các điểm đến như Hạ Long, Đà Nẵng, Quảng Bình đang phát triển sản phẩm du lịch rất mạnh mẽ. Nếu Hà Nội không nhanh chóng xây dựng sản phẩm tốt thì chính những điểm đó sẽ kéo khách của Hà Nội đi.”
Một vấn đề được mọi người tính đến, làm thế nào để giảm giá tour thu hút khách. Bởi, sức hấp dẫn của điểm đến ngoài sản phẩm du lịch còn phải có giá tour phù hợp. Vấn đề này, các doanh nghiệp đề nghị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hiệp hội lữ hành Việt Nam phải làm việc trực tiếp với các hãng hàng không để cùng tham gia chương trình kích cầu, giảm giá vé máy bay. Nhưng một mặt, các doanh nghiệp lữ hành cũng cần có sự phối hợp của các công ty vận chuyển khách, của các khách sạn, nhà hàng.
Giám đốc Công ty du lịch Newstartour Lương Duy Ngân cho biết: “Nếu một mình doanh nghiệp lữ hành làm thì chưa đủ mà cần có sự bắt tay của các đối tác cung cấp dịch vụ. Mỗi bên sẽ cùng cố gắng để chương trình kích cầu thực sự có hiệu quả, vì sự phát triển chung của ngành du lịch.”
Ngay trong hội nghị, nhiều đơn vị đã cam kết giảm giá dịch vụ liên quan đến du lịch. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Thảo Nguyên, đơn vị chuyên vận chuyển xe du lịch, khẳng định sẽ giảm 20% chi phí vận chuyển khi tham gia chương trình kích cầu này.
Tổ chức các nhóm kích cầu
Để tránh tình trạng chương trình kích cầu triển khai một cách chung chung, kém hiệu quả, các doanh nghiệp đề xuất cần tổ chức kích cầu theo nhóm, đưa ra chương trình hành động cụ thể.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội là đầu mối kêu gọi các điểm đến, nhà hàng, khách sạn cùng tham gia để giảm giá kích cầu đồng bộ. Các doanh nghiệp cùng ngồi bàn bạc với nhau và có những cam kết cụ thể khi tham gia chương trình kích cầu.
Bà Lê Nguyễn Mai Hoa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Việt Nam-Hà Nội, cũng cho rằng: “Kích cầu cần có sự giảm giá tour và cần có sự phối hợp của các bên liên quan. Như vậy, mức giảm giá mới sâu, doanh nghiệp lữ hành mới thu hút được nhiều khách hơn.”
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, một vài ngày tới, Sở sẽ ban hành chương trình kích cầu chung của ngành du lịch Thủ đô. Cơ quan này sẽ chỉ đạo thành lập các nhóm kích cầu, yêu cầu các nhóm thành lập các tour mới, giảm giá tour. Ngày 10/8 sẽ là mốc chậm nhất để triển khai các gói kích cầu và trong quá trình thực hiện vẫn có thể bổ sung, chỉnh sửa cho đạt hiệu quả cao.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng phát những bản cam kết cho doanh nghiệp để các đơn vị cam kết cụ thể trong xây dựng sản phẩm, cam kết về giảm giá với mức giảm tối thiểu 10% trở lên và những kiến nghị của doanh nghiệp về chương trình kích cầu.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, bày tỏ: “Việc tham gia chương trình kích cầu cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp để cùng với thành phố hợp sức phát triển du lịch. Bên cạnh lợi ích của doanh nghiệp, đơn vị cũng nên đóng góp vào lợi ích chung của Thủ đô. Nếu không có đồng thuận thì du lịch Hà Nội sẽ không lớn mạnh được.”
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đang vận động doanh nghiệp cùng tham gia chương trình xúc tiến du lịch, giới thiệu chính sách miễn thị thực và các điểm đến tại thị trường nước ngoài để đông đảo du khách thị trường 5 nước Tây Âu và Belarus cùng biết đến chính sách này và chọn Việt Nam làm điểm đến trong hành trình du lịch./.
Theo TTXVN/Vietnam +