Thu hút FDI: Khắc phục “mặt trái” của tấm huân chương
Vẫn còn những trăn trở
Việt Nam đã có 34 năm (1987-2021) thu hút FDI. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 3/2021, Việt Nam có 33.294 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 393,325 tỷ USD đến từ gần 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các chuyên gia kinh tế nhận định, khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội và đóng góp không nhỏ vào GDP.
Việt Nam đã có hơn 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài |
Với những đóng góp quan trọng đó “khu vực FDI xứng đáng nhận được huân chương của Việt Nam, nhưng vẫn có những mặt trái của FDI mà chúng ta đang trăn trở” – ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Cụ thể theo ông Vũ Tiến Lộc: Khu vực FDI vẫn chủ yếu thực hiện các công đoạn gia công, sử dụng lao động giản đơn như dệt may, giày dép; 67% máy móc của khu vực FDI nhập khẩu từ nước ngoài, giá trị gia tăng mà khu vực FDI tạo ra đối với nền kinh tế trong nước chưa lớn.
Đánh giá cao những đóng góp tích cực của khu vực FDI vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hải Dương, song ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng thẳng thắn thừa nhận: Doanh nghiệp FDI liên tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhưng lại thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp địa phương, nên nhiều chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI thì doanh nghiệp địa phương không tham gia được.
“Nếu có tham gia được thì cũng chỉ tập trung vào những lĩnh vực may mặc, da giày, linh kiện ôtô, cơ khí… và chỉ chiếm dưới 30% giá trị xuất khẩu” – ông Thăng nhấn mạnh và cho biết thêm, cần phải xem lại hiệu quả đóng góp của khu vực FDI đối với kinh tế-xã hội của Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung dựa trên năng suất lao động, thu nhập, diện tích sử dụng đất và môi trường.
Tập trung thu hút FDI có chất lượng |
Tập trung vào 4 vấn đề
Trên thực tế, những tồn tại của khu vực FDI đã được các bộ, ngành và chuyên gia kinh tế chỉ ra từ nhiều năm nay. Việt Nam cũng đưa ra những chính sách để thu hút được những dự án FDI có chất lượng. Tuy vậy, để thu hút được những dự án FDI có chất lượng trong giai đoạn tới, ông Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ - cho rằng: Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung giải quyết 4 vấn đề, bao gồm: Thứ nhất: Quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị xã hội ổn định.
“Đây chính là lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, khó lường và đại dịch Covid-19 vẫn là “ẩn số” khó đoán định” – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Thứ 2, tập trung cải thiện chất lượng thế chế, chính sách theo hướng tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô, nhằm thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần vốn góp của doanh nghiệp FDI trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ… để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia…
Thứ ba, ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế, nhất là tính minh bạch. Đặc biệt, Chính phủ cần khuyến khích, tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa họ-công nghệ, lấy nền tảng con người và năng lực khoa học-công nghệ làm động lực của tăng trưởng trong những thập niên mới.
Thứ tư, song song với việc thu hút đầu tư, các địa phương sẽ tổ chức, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án với lộ trình nhanh nhất, thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất thông qua cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng. Từ đó giảm chi phí đầu tư, chi phí cơ hội, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, tăng cường liên kết tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất, phân phối toàn cầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh: Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn lâu dài, tôn trọng pháp luật và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. |