Thỏa thuận xanh EU: Vượt qua thách thức là cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp Việt Nam
Mới đây, tại Hội thảo “Thỏa thuận xanh EU”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là một trong những khu vực tích cực nhất trên thế giới trong các nỗ lực chuyển đổi xanh này, đặc biệt là với việc thông qua và triển khai thỏa thuận xanh EU (European Green Deal) từ đầu năm 2020.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Theo đó, thỏa thuận xanh là gói các sáng kiến chính sách khung của EU nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế.
“Xây dựng nền kinh tế có mức phát thải tối thiểu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn tình trạng suy giảm hệ sinh thái, hay còn gọi là quá trình “chuyển đổi xanh”. Quá trình này đang và sẽ là xu hướng tất yếu toàn cầu”, ông Vinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo một khảo sát nhanh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện tháng 8/2023 cho thấy có tới 88-93% các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan khác chưa từng biết tới hoặc chỉ nghe nói sơ qua về thỏa thuận xanh hoặc các chính sách, quy định cụ thể triển khai thỏa thuận này mà EU đã thực hiện đến thời điểm này. Đặc biệt, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp biết rõ về thỏa thuận xanh EU chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia khảo sát khác.
Cụ thể, các nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường EU trong thời gian tới bao gồm: các sản phẩm điện tử; nông sản (cà phê, hạt điều, hạt tiêu…), thủy sản; dệt may, giày dép; sắt thép; bao bì sản phẩm.
Ông Võ Trí Thành – chuyên gia Kinh tế chia sẻ về các chính sách của thỏa thuận xanh EU. Ảnh BTC |
Chia sẻ thêm về các chính sách trong thỏa thuận xanh, ông Võ Trí Thành – chuyên gia Kinh tế cho biết: “Trong thỏa thuận xanh EU có rất nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí. Hiện nay, trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển, phát triển đang cố gắng hài hòa các tiêu chuẩn, chưa kể có những tiêu chuẩn chưa đc xác định cụ thể, đòi hỏi thời gian. Vì vậy, để thực hiện, áp dụng vào các nhóm sản phẩm cụ thể thì có các nguyên tắc, những khuôn khổ. Nếu bắt kịp, sau đó thực thi thì sẽ thực hiện sẽ nhanh chóng, giảm bớt chi phí và việc xuất khẩu thuận lợi”.
Vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI đã đưa ra những khuyến nghị cần thiết. Về phía doanh nghiệp, cần cố gắng tìm hiểu, đã thấy các dự thảo thì cần chuẩn bị để hành động, thực hiện khi đến thời hạn áp dụng và chuyển đổi xanh từng bước để tận dụng các cơ hội (nếu có).
Đối với các cơ quan, tổ chức hỗ trợ cho doanh nghiệp cùng VCCI sẽ hỗ trợ, cập nhật, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để họ nhận diện được và là đầu mối xanh. Và cơ quan quản lý nhà nước trao đổi, tham vấn với EU để cùng phối hợp, triển khai cho hiệu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI đưa ra khuyến nghị. Ảnh BTC |
“Về phía doanh nghiệp, điều quan trọng là cần phải tìm hiểu để biết các diễn tiến, những hành động của EU trong khuôn khổ thỏa thuận xanh có ảnh hưởng đến việc sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của mình”, bà Trang chỉ rõ.
Trái lại, nếu không tìm hiểu, tuân thủ thực hiện thì các chính sách xanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam theo nhiều cách thức khác nhau. Đầu tiên là gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu. Tiếp theo là gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất cho các mục tiêu “xanh, bền vững”. Cuối cùng là các đòi tăng thêm về thủ tục khai báo thông tin, về trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu.
Là thị trường có sức mua lớn nhất nhì toàn cầu, EU trước nay luôn nằm trong tốp đầu về kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Mặc dù bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại có thể làm suy giảm tạm thời cầu ở thị trường này, EU vẫn là thị trường rất tiềm năng với xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt với những cơ hội từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU. Năm 2022, thị trường EU chiếm tới 12.6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới, tăng trưởng 16,7% so với năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức tăng chung đi tất cả các thị trường (10,5%). Với vị trí như vậy, những động thái của EU trong chuyển đổi xanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới một bộ phận không nhỏ của xuất khẩu Việt Nam. Danh sách các chính sách xanh có tác động trực tiếp tới hàng hóa xuất khẩu vào EU sẽ còn tiếp tục được nối dài cùng với tiến trình triển khai các mục tiêu trong thỏa thuận xanh EU đến năm 2050 của EU, mà đặc biệt là trong giai đoạn từ nay tới 2030. |