Thổ cẩm Châu Mạ : Bản hoà tấu của sắc màu
Như một nốt trầm trong bản nhạc sôi động của cuộc sống, sản phẩm dệt bản địa của bà con dân tộc Châu Mạ (buôn Go, thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) thô sơ, tĩnh lặng nhưng ẩn chứa triết lý nhân sinh, kinh nghiệm cuộc sống, tín ngưỡng tôn giáo, kỹ thuật điêu luyện và niềm đam mê bền bỉ với nghề truyền thống.
Kỹ thuật dệt độc đáo
Thấy tôi quá tò mò, thán phục kỹ thuật cài hoạ tiết trực tiếp trên nền vải thổ cẩm đang dệt, chị Điểu Thị Móc- người dân tộc Châu Mạ cười rất tươi giải thích, kỹ thuật dệt này khó, ngay cả với những người trong nghề như chúng tôi, hoạ tiết gần như được thêu đồng thời với dệt.
“Kỹ thuật cài hoa văn trực tiếp trên nền vải giúp phụ nữ Châu Mạ thỏa sức sáng tạo không bị giới hạn trong các khuôn khổ định trước. Có thể tạo hoa văn dạng hình học hay hình tượng hoá cây cỏ, động vật, cũng có thể là sự vật hiện tượng thay đổi theo thời gian… Đáng nói, cùng là một hình tượng nhưng dưới con mắt, trí tưởng tượng và kỹ thuật của mỗi người sẽ cho ra cách thể hiện khác nhau và không tuân theo một quy chuẩn nào. Đặc biệt, lối sử dụng màu sắc nổi bật, linh hoạt cũng là yếu tố tạo ra sự hấp dẫn riêng biệt cho vải dệt của người Châu Mạ”, đó là lời giải thích ngắn gọn nhưng đầy đủ của ông Trần Đức Thắng- Trưởng nhóm sản xuất Châu Mạ, Giám đốc Hợp tác xã Thổ cẩm Cát Tiên với tôi.
Chị Điểu Thị Móc thành thục kỹ thuật dệt bản địa truyền thống |
Quả thực, với những màu sắc tương phản, hoa văn độc đáo sản phẩm trưng bày của nhóm Châu Mạ nổi bật tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt trong Triển lãm Nghệ thuật dệt bản địa diễn ra đầu tháng 12 năm 2022 tại Hà Nội.
Kỹ thuật dệt của người dân Châu Mạ cũng khá “lạ” với loại khung đai lưng, hết sức thô sơ, chỉ gồm từ 10-12 chi tiết là các thanh tre, đai buộc. Khi dệt, người phụ nữ Châu Mạ ngồi trên sàn nhà, một đai vải nối vào khung được buộc chặt sau lưng, đôi chân luôn phải duỗi thẳng để kéo căng các sợi dệt.
Cười lớn trước câu nói “thế thì mỏi chân lắm” của tôi, chị Điểu Thị Móc vui vẻ, “đúng là rất mỏi nhưng làm nhiều sẽ quen thôi”. Nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt thêu hoạ tiết, thoăn thoắt dệt tôi không khỏi thán phục về khả năng thích nghi, sáng tạo và nhất là đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Châu Mạ.
Lưu giữ nét văn hoá
Như lời chia sẻ của bà Trần Tuyết Lan- Tổng giám đốc Doanh nghiệp xã hội Craft Link- đơn vị đã đồng hành cùng bà con buôn Go hơn 20 năm lưu giữ, phát triển nghề dệt bản địa, theo truyền thống, người dân Châu Mạ tự trồng bông, xe sợi và nhuộm bằng các chất liệu tự nhiên. Màu đen lấy từ cây Neiru, màu vàng từ cây Mut, màu đỏ từ vỏ cây Bosil. Màu sắc được sử dụng để cài hoa văn thường là đen, đỏ, vàng, xanh, chàm đậm, thời gian gần đây bảng màu được bổ sung thêm nhiều màu mới như cam, xanh lá, hồng sen…
Trong xã hội hiện đại ngày nay, không hiếm gặp sản phẩm mang màu sắc, hơi hướng của các dân tộc thiểu số được sản xuất bởi máy móc công nghiệp, giá thành rẻ. Điều này là thử thách lớn với sản phẩm thổ cẩm truyền thống của bà con, trong đó có người Châu Mạ. Tuy nhiên, ông Trần Đức Thắng khẳng định, có những điều máy móc công nghiệp không thể bắt chước hay thay thế được sản phẩm thủ công truyền thống. Sản phẩm dệt của bà con Châu Mạ sử dụng 100% sợi cotton hiện chưa loại máy dệt nào sử dụng được loại sợi này và được sản xuất hoàn toàn thủ công. Cũng do sản xuất thủ công, mỗi tấm vải sẽ được cá nhân hoá, thể hiện độ khéo tay, tâm tư tình cảm, tín ngưỡng và kinh nghiệm cuộc sống của mỗi người. Đây cũng là điều máy móc không thể làm được, cũng là động lực cho người dân Châu Mạ bền bỉ nhiều năm qua bảo tồn.
Hoạ tiết được phụ nữ dân tộc Châu Mạ cài trực tiếp trên nền vải đang dệt |
Và sau hơn 20 năm lưu giữ, phát triển, từ chỗ chỉ có 4 người theo dệt nay những bé gái từ 10 tuổi trở lên tại buôn Go đã biết và thành thạo kỹ thuật dệt bản địa. Dưới sự hỗ trợ của Craft Link, sản phẩm dệt thổ cẩm của bà con Châu Mạ đã hiện đại hơn, gần hơn với thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Sinh kế của dân Châu Mạ theo đó cũng ngày một cải thiện, cuộc sống ấm no, ổn định dần một thực hơn với bà con nơi đây.
Đó cũng là điều mà bà Trần Tuyết Lan mong mỏi sau hơn 20 năm đồng hành cùng bà con buôn Go nhưng điều khiến bà vui hơn nữa khi nhờ các hoạt động marketing sản phẩm, phụ nữ Châu Mạ đã mạnh dạn tham gia các hoạt động cộng đồng, chủ động và tự tin hơn trong giao tiếp. Nét văn hoá độc đáo, khác biệt ẩn chứa trong mỗi sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân tộc Châu Mạ được bảo tồn, phát triển và tương lai sẽ ngày một lan toả mạnh mẽ hơn nữa.
Năm 2000 Craft Link phối hợp với các tổ chức phi Chính phủ thực hiện dự án đào tạo để bảo tồn, phát triển nghề dệt bản địa cho bà con dân tộc Châu Mạ tại buôn Go, đồng thời hỗ trợ tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý cũng như nâng cao khả năng đọc, viết. |