Thị trường chứng khoán tuần qua: Nhóm dầu khí, cao su diễn biến nổi bật
VN-Index phục hồi sau 04 tuần giảm điểm
Nhận định về thị trường chứng khoán tuần qua, Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội cho biết, sau 04 tuần liên tiếp giảm điểm mạnh từ vùng giá 1.250 điểm, tuần qua VN-Index đã phục hồi tốt.
Trong tuần VN-Index có 05 phiên tăng điểm với thanh khoản cải thiện dần. Kết thúc tuần VN-Index tăng 2,32% so với tuần trước lên mức 1.154,73 điểm với tâm lý ngắn hạn cải thiện tốt hơn.
HNX-Index cũng duy trì 05 phiên giao dịch tăng điểm liên tiếp và kết thúc tuần ở mức 239,05 điểm tăng 3,73% so với tuần trước. Thị trường đang kỳ vọng sẽ có tuần tăng điểm thứ 2 sau 04 tuần giảm mạnh.
Tuy nhiên, trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 69.569,45 tỷ đồng, giảm 5,0% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 9,5%, dưới mức trung bình. Khối lượng giao dịch giảm mạnh hơn thể hiện mức độ phục hồi vẫn kém ở các mã vốn hóa nhỏ.
Thanh khoản HNX tăng 7,0% với 9.355,49 tỷ đồng, gia tăng tích cực ở nhóm cổ phiếu dầu khí, khu công nghiệp.
Trong tuần nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su có diễn biến tích cực, nổi bật so với thị trường chung khi nhiều mã tăng giá tốt, vượt vùng giá đỉnh cũ, thanh khoản gia tăng như IDC (+11,70%), SZC (+9,60%), DPR (+9,06%), DTD (+8,93%), VGC (+5,88%).
Các cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến nổi bật, vượt trội so với thị trường chung khi nhiều mã bắt đầu có những thông tin kết quả kinh doanh tăng trưởng, nhiều mã vượt đỉnh giá năm 2022 như PVD (+10,27%), PVT (+8,51%), PVS (+8,42%).
Các cổ phiếu phân bón, hóa chất cũng có diễn biến tích cực, vượt đỉnh gần nhất, thanh khoản cải thiện tốt như CSV (+8,41%), DGC (+4,53%)... BFC (+7,77%), LAS (+4,51%), DCM (+4,40%), DPM (+4,07%)...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến phục hồi kém hơn so với thị trường, phân hóa mạnh với thanh khoản suy giảm sau 04 tuần liên tiếp giảm điểm mạnh, một số mã phục hồi tăng giá tốt với QCG (+17,17%), LGL (+14,25%), CEO (+12,97%), PDR (+12,77%), NHA (+12,34%), DXG (+9,88%)... ngoài các mã điều chỉnh như D11 (-3,52%), SJS (-1,93%).
Chứng khoán tuần qua 9/10 – 13/10: Nhóm dầu khí, cao su diễn biến nổi bật |
Chính sách tuần qua
Trong tuần thị trường đón nhận nhiều thông tin quan trọng. Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng gần 7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,05%). Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 177,693 tỷ đồng (tăng 25.8% so với cùng kỳ năm 2022).
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Công văn số 7688/NHNN-TTHSNH gửi các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, các khoản vay có rủi ro cao như vay tiêu dùng, đầu tư bất động sản, đầu tư trái phiếu chưa niêm yết sẽ bị thắt chặt kiểm tra. Ngoài ra, hoạt động đại lý bảo hiểm sẽ đòi hỏi công tác tư vấn rõ ràng hơn, đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Trong ngày 11/10, các ngân hàng Big4 đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi tiết kiệm với mức lãi suất tương đương nhau. Cụ thể, mức giảm đều ở mức 0,2% tại các kỳ hạn là 1-2 tháng xuống còn 3,0%; 3-5 tháng còn 3,3%; 6-9 tháng ở mức 4,3% và 12 tháng trở lên là có lãi suất gửi tiền 5,3%.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,4% trong tháng 9 và cao hơn 3,7% so với một năm trước, CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã tăng 4,1% so với cùng kỳ và tăng 0,3% so với tháng 8, phù hợp với dự đoán.
Theo Bloomberg, Bắc Kinh đang có kế hoạch bơm 1 nghìn tỷ NDT (137 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế. Ngoài ra, mới đây, quỹ đầu tư quốc gia nước này cũng mua một loạt cổ phiếu các ngân hàng lớn nhằm 'giải cứu' thị trường chứng khoán.
Trong biên bản cuộc họp tháng 9/2023 của FED vừa được công bố, 12/19 quan chức FED đồng tình tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay. Điều này được cho là cần thiết để giúp hạ nhiệt nhu cầu chi tiêu và đưa lạm phát về gần mức mục tiêu 2% trong 2 năm tới. Biên bản còn cho thấy các quan chức FED đang tiến gần hơn đến chính sách cân bằng.