Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ‘tan băng’, bước vào chu kỳ phát triển mới
Đánh giá về xu hướng nổi bật trên toàn cầu cùng với những chuyển động trên thị trường ngành du lịch, theo Savills cho biết, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ từ các thị trường quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón hơn 3,4 triệu du khách Hàn Quốc, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, Hàn Quốc đã vượt qua Trung Quốc và trở thành nguồn khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam, chiếm 27% tổng lượt khách quốc tế. Tại một số thị trường du lịch ven biển như Nha Trang – Cam Ranh và Đà Nẵng, Hàn Quốc thậm chí còn là nguồn khách quốc tế lớn nhất, với tỷ trọng lần lượt là 56% và 40% tổng lượt khách quốc tế đến địa phương.
Trong khi đó, thị trường Ấn Độ tuy mới chiếm 3% tổng lượt khách quốc tế đến nhưng được đánh giá đầy tiềm năng khai thác khi lượt khách trong 9 tháng 2024 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2019.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nhu cầu thuê lại các khách sạn để khai thác kinh doanh lưu trú từ các công ty lữ hành đang gia tăng. Xu hướng này được thúc đẩy bởi sự phục hồi của nhóm khách quốc tế, chủ yếu đến từ các thị trường châu Á và một số nước châu Âu.
Thị trường bất động sản nghĩ dưỡng “tan băng”. Ảnh: N.H |
Điều này tạo động lực để các các công ty lữ hành, đại lý du lịch hướng đến hoàn thiện hệ sinh thái kinh doanh, bao gồm cung cấp dịch vụ lưu trú nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh, cải thiện biên lợi nhuận hoạt động. Nhóm nhà đầu tư này thường tập trung vào các dự án có quy mô từ 100 đến 150 phòng, nằm ở các điểm đến du lịch quen thuộc, với đa dạng các tiện ích, hạ tầng du lịch.
Trao đổi với Báo Công Thương, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai.
“Dự kiến loại hình căn hộ biển là điểm nhấn của phân khúc, do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền. Theo đó, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng năm 2024 có cơ hội cải thiện khoảng 20% so năm 2023, đặc biệt là sản phẩm condotel, căn hộ cao tầng gắn với du lịch nghỉ dưỡng thuộc những địa bàn du lịch truyền thống, trọng điểm”, ông Đính cho hay.
Ngoài ra, Chủ tịch VARS cho biết, việc công bố quy hoạch, hoàn thiện khung pháp lý, đẩy nhanh tiến độ và triển khai dự án hạ tầng sẽ là động lực thúc đẩy để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ của các dự án. Cụ thể, trong thời gian tới khi Nghị định 10/2023/NĐ-CP về tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình officetel, condotel đạt “độ ngấm” sẽ đem lại nhiều hy vọng cho các chủ đầu tư, nhà đầu tư, khách hàng…từ đó hỗ trợ du lịch nghỉ dưỡng bứt phá trở lại.
Đặc biệt, dựa trên nền tảng tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch sẽ được “bơm” thêm nguồn vốn, sớm bắt kịp đà phục hồi chung của toàn thị trường bất động sản.
Theo đó, vào năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 25 triệu lượt khách quốc tế. Đến hết tháng chín năm 2024, cả nước đã đón gần 12,7 triệu lượt khách quốc tế, tiến dần đến mục tiêu 18 triệu lượt của năm nay.
Để góp phần hiện thực hoá mục tiêu, bà Uyên Nguyễn - Trưởng bộ phận Tư vấn tại Savills Hotels cho biết mục tiêu 25 triệu lượt khách quốc tế của Việt Nam cho năm 2025 tương đương lượt khách quốc tế mà Thái Lan đã đạt được vào mười năm trước.
“Nhờ vào việc tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển các sản phẩm du lịch mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, chỉ trong vòng 5 năm, Thái Lan đã thành công thu hút gần 40 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019 - từ mức gần 25 triệu lượt vào năm 2014 và duy trì mức tăng trưởng trung bình hằng năm (CAGR) khoảng 10%/năm trong giai đoạn này”, Trưởng bộ phận Tư vấn tại Savill Hotels nói.
Bên cạnh đó, Thái Lan còn tích cực thực hiện các chương trình xúc tiến du lịch “Amazing Thailand”, nhắm đến các thị trường tiềm năng tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, không thể không kể đến việc mở rộng chính sách miễn thị thực và đơn giản hóa quy trình cấp thị thực cho một số thị trường trọng điểm đã giúp Thái Lan thuận lợi thu hút khách quốc tế, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ.
Ông Mauro - Giám đốc Savills Hotels và người sáng lập chuỗi hội nghị MTE nhận định để có thể đạt được mục tiêu thu hút 25 triệu lượt khách quốc tế, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp trong ngành.
Cụ thể, bao gồm từ các doanh nghiệp khai thác cảng hàng không, các hãng hàng không đến các khách sạn, công ty lữ hành, đại lý du lịch và các đơn vị cung cấp dịch vụ khác. Thêm đó, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa công tác quảng bá, truyền thông các điểm đến du lịch mới, nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch tại nhiều địa phương và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, giảm thiểu tình trạng quá tải và nguy cơ khai thác du lịch quá mức tại một số điểm đến chính, góp phầp phát triển du lịch bền vững hơn.
Ngoài ra, ông Mauro cho biết, ngành nghỉ dưỡng Việt Nam đang khôi phục mạnh mẽ, phần lớn các điểm đến ghi nhận sự cải thiện về nguồn cầu, cũng như hoạt động kinh doanh.
Nhìn nhận về sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có nhiều tiềm năng bởi các chủ thể tham gia thị trường quay trở lại do những tác động tích cực của các luật mới.