Thị trường bất động sản bán lẻ nhiều triển vọng từ nguồn cung mới
Vì sao thị trường bất động sản có nhiều triển vọng tăng trưởng? Hải Phòng: Thị trường bất động sản sôi động, nhiều dự án mới |
Nguồn cung và giá thuê cải thiện
Thị trường bất động sản bán lẻ tại Hà Nội trong quý 3/2024 ghi nhận sự tăng trưởng ổn định, với nguồn cung và giá thuê cải thiện. Sự phát triển này được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng tích cực của thị trường bán lẻ, du lịch và thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành quý III/2024 ước đạt 1.591,0 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với quý trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, du lịch Hà Nội tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 3/2024, với lượng khách tăng 11,7% theo năm. Trong đó, lượng khách quốc tế đến trong tháng 8 ước đạt 373 nghìn lượt người, tăng 19,7% so với tháng trước và tăng 43,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, ước đạt 2.818 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá: “Sự phục hồi nhanh chóng của du lịch quốc tế cùng với khả năng thích ứng điều chỉnh lạm phát đã thúc đẩy giá thuê tăng 6% theo năm, và tăng cường lưu lượng khách hàng trong thành phố”.
Chưa kể, Việt Nam có lợi thế dân số cao, nhu cầu tiêu dùng của giới trẻ ngày càng tăng. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm và tin tưởng trong việc mua sắm tại thị trường trong nước.
Về công suất thuê, theo Savills, phân khúc mặt bằng bán lẻ ổn định theo quý. Ảnh: CTV |
Theo ông Matthew: “Giai đoạn 10-15 năm trước, nhiều người tiêu dùng cao cấp trong nước thường mua sắm hàng hiệu trong các chuyến du lịch nước ngoài. Giờ đây, họ đang hướng đến việc trải nghiệm và sở hữu sản phẩm cao cấp ngay tại Việt Nam. Điều này tạo ra sức hút mạnh mẽ cho các nhà bán lẻ muốn thâm nhập vào thị trường đang phát triển này".
Trong tương lai, thị trường bán lẻ hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển với nguồn cung mới ra thị trường. Từ năm 2024 đến 2026, nguồn cung mới sẽ bao gồm 257.280 m2 từ 5 trung tâm mua sắm và 9 khối đế bán lẻ. Các trung tâm mua sắm chiến 71% nguồn cung và khối đế bán lẻ chiếm 29%. Các dự án lớn bao gồm Hinode City Mall, Hà Nội Centre (175 Nguyễn Thái Học) và Starlake B1CC1 & B1CC2.
Báo cáo Savills ghi nhận trung tâm mua sắm chiếm ưu thế với 63% tỷ trọng nguồn cung, tương đương 1,14 triệu m2, trong khi khối đế bán lẻ chiếm 17% và trung tâm bách hóa chiếm 3% tại thời điểm quý 3/2024.
Về công suất thuê, phân khúc mặt bằng bán lẻ ổn định theo quý, giảm 1 điểm % theo năm, đạt mức 85%. Giá thuê gộp tầng trệt giảm nhẹ 1% theo quý nhưng tăng 6% theo năm, chủ yếu do giá thuê được cải thiện tại các khối đế bán lẻ với mức tăng 2% theo quý và 9% so với cùng kỳ năm trước. Tại khu trung tâm, giá thuê trung bình là 3,4 triệu đồng/m2/tháng.
Mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm duy trì mức giá cao
Trao đổi với Báo Công Thương, bà Trịnh Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội chia sẻ, các mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm, luôn duy trì mức giá cao. Tại các mặt bằng cao cấp khu vực Hoàn Kiếm, giá thuê có khoảng cách lớn so với các khu vực ngoài trung tâm, dù các khu vực này cũng đang ghi nhận xu hướng tăng giá.
Trong các loại mặt bằng cho thuê, bà Mai chia sẻ, quý 3/2024, khối đế bán lẻ hoạt động tốt dựa trên nhu cầu hợp lý trong và lân cận khu vực dự án. Khối để bán lẻ chứng kiến công suất ở mức tăng 13 điểm % theo năm. Diện tích thuê thêm tăng 26.550 m2, trong đó khối đế bán lẻ có mức tăng đáng kể 24.520 m2.
Các dự án khối đế bán lẻ mới hoạt động trong quý 3 gồm BRG Diamond Residence và The Rosary có chung mô hình bán lẻ, với các khách thuê trong ngành siêu thị, giải trí, và F&B nắm vai trò chủ đạo. Mô hình này hướng tới phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày cũng như các hoạt động giải trí của dân cư, dựa vào dự báo tăng trưởng dân số nhanh chóng từ các khu vực xung quanh.
Mặt khác, các trung tâm thương mại, đặc biệt là các thương hiệu quốc tế như Lotte, Central Retail hay AEON, vẫn duy trì hoạt động kinh doanh khả quan. Trong đó, bà Mai nhấn mạnh xu hướng: “Mô hình thuê chia sẻ doanh thu, trước đây chỉ có tại các trung tâm bách hóa như Lotter Center Hà Nội và AEON Malls, đang được gia tăng áp dụng đối với các khách thuê phù hợp tại các trung tâm thương mại lớn”.
Mô hình chia sẻ doanh thu trong trung tâm thương mại có ưu điểm thu hút nhiều khách thuê hơn nhờ tính linh hoạt về giá thuê, giúp giảm rủi ro tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và thương hiệu mới. Đồng thời, cả chủ trung tâm thương mại và khách thuê đều chia sẻ rủi ro khi doanh thu không đạt kỳ vọng, tạo sự hợp tác trong việc tăng doanh thu.