Thêm nhiều cơ hội mới thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Nhật Bản Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Australia phát triển vượt bậc |
Việt Nam luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Nhật Bản
Cách đây 50 năm, ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó tới nay, trải qua nhiều thăng trầm, thay đổi của tình hình thế giới, khu vực và của mỗi nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ chính trị, ngoại giao; hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, củng cố, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân đã trở thành một nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước.
Đặc biệt, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh toàn diện. Hai bên đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương; đồng thời cùng là thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây chính là những hành lang quan trọng thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước trên tinh thần hai bên cùng có lợi, bổ trợ lẫn nhau.
Hội thảo kinh tế cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản diễn ra tại Hà Nội vào sáng 7/3 |
Phát biểu tại Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam – Nhật Bản có chủ đề “Khả năng mới của mối quan hệ Việt - Nhật hướng đến tương lai” nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, cơ chế hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ, qua 20 năm thực hiện với 8 giai đoạn, đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc, hiệu quả của các nhà đầu tư Nhật Bản khi hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, tôi cảm nhận được sự chia sẻ, tin tưởng và cam kết đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. "Chúng ta đến với nhau và cảm nhận được sự tin cậy, chân thành, đây là điều có ý nghĩa rất quyết định để hợp tác thành công; khi chúng ta chân thành và tin cậy lẫn nhau thì các khó khăn giải quyết dễ dàng hơn và hiệu quả cao hơn" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Chia sẻ một số định hướng, chính sách của Việt Nam nhằm khuyến khích phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng, góp phần để Việt Nam đạt được mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản và Việt Nam cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm để tham mưu giúp Chính phủ những giải pháp thiết thực để hướng đến sự phát triển bền vững và thịnh vượng của hai bên. Đồng thời, Việt Nam kỳ vọng các doanh nghiệp FDI nói chung và Nhật Bản nói riêng sẽ tăng cường hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu - phát triển, đổi mới sáng tạo và đóng góp đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Nhật Bản tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.
Quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục được củng cố, tăng cường bền chặt và hiệu quả, thực chất hơn nữa, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới - Thủ tướng tin tưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn đại biểu Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) |
Tiềm năng hợp tác phát triển ngành năng lượng Việt Nam - Nhật Bản
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong 50 năm qua và cho biết Việt Nam đang nỗ lực để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh. Song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đang xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ đến năm 2050.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhắc lại, tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hoá thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Với nền kinh tế đang phát triển nhanh, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội, nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển xanh và bền vững. Ngay sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và phân công các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động trong từng lĩnh vực. Trong đó, quá trình chuyển đổi năng lượng đang được chỉ đạo đẩy nhanh trên tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, các định chế tài chính song phương và đa phương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị |
Chuyển dịch năng lượng từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính là quá trình căn bản nhằm hướng tới tăng trưởng xanh ở các quốc gia và thực hiện các mục tiêu toàn cầu trong chống biến đổi khí hậu.
Thực tế, 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió với hơn 16,5 GW công suất điện mặt trời được kết nối vào lưới điện quốc gia (24,3% công suất lắp đặt, 44% công suất tiêu thụ tối đa năm 2020), gần 4 GW thuỷ điện, công suất lắp đặt nguồn điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay chiếm đến 54,2% công suất lắp đặt toàn quốc.
Bộ Công Thương đang rà soát và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch năng lượng quốc gia), và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8). Kế thừa sự phát triển mạnh gần đây về phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo sẽ tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, sinh khối), các loại hình năng lượng mới trong cơ cấu nguồn điện quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, được đánh giá là một trong 10 quốc gia có tiềm năng lớn nhất về năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng đang hướng tới xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo nội địa, nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để vừa tận dụng tài nguyên về năng lượng tái tạo, vừa giảm giá thành sản xuất điện.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, theo đó vấn đề phát triển năng lượng theo hướng bền vững, đảm bảo cung cấp đủ, ổn định nguồn điện năng với giá thành hợp lý luôn là thách thức với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Cùng với đó, đã 20 năm nay, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điên của Việt Nam hàng năm ở Việt Nam đều ở mức 2 con số, thường từ 1,5-1,8 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trong đó giai đoạn 2000-2010 là 13%; 2011-2019 là 10,5% (trừ năm 2020 tăng trưởng thấp do đại dịch Covid-19).
Các tính toán của Bộ Công Thương cũng cho thấy, nhu cầu điện và năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế của Việt Nam trong những năm sắp tới. Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, theo đó, định hướng phát triển năng lượng và Chương trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam trong những năm tới mang đến cơ hội hợp tác rất lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản.
Đồng thời, đánh giá cao về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, phía Nhật Bản cho biết, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nên có nhu cầu rất lớn về năng lượng. Trong khi đó, Việt Nam cũng có nhu cầu dich chuyển sang nguồn năng lượng sạch, đây lại là những lĩnh vực phía Nhật Bản có nhiều ưu thế, do vậy cơ hội hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng là rất lớn.
Giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã được thực hiện trong 17 tháng từ ngày 21/10/2021 đến ngày 7/3/2023. Kế hoạch hành động giai đoạn 8 bao gồm 11 nhóm vấn đề là: (1) Đẩy mạnh việc áp dụng án lệ, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, cạnh tranh công bằng, tự do; (2) Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; (3) Cải thiện các vấn đề về môi trường lao động; (4) Luật PPP; (5) Cải cách doanh nghiệp nhà nước và thị trường chứng khoán; (6) Phương thức thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tạo ra cơ cấu nguồn điện tốt nhất tại Việt Nam; (7) Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về lắp đặt đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên; (8) Các vấn đề liên quan đến đất đai; (9) Công nghiệp hỗ trợ; (10) Đổi mới sáng tạo; (11) Phát triển nguồn nhân lực kỹ năng nghề cao. Ngày 2/3/2023 đã diễn ra cuộc họp tiền đánh giá giữa kỳ do Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài và Phó Đại sứ Nhật Bản chủ trì. Hai bên đã thống nhất đánh giá kết quả giai đoạn 8 gồm: 64 hạng mục hoàn thành tốt và đúng tiến độ, 9 hạng mục đang triển khai nhưng chậm tiến độ, 8 hạng mục thống nhất không triển khai trong giai đoạn này. |