Tháng 4, giá vàng có thể tiếp tục tăng
Giá vàng trong nước bật tăng, tỷ giá trung tâm quay đầu giảm mạnh Ngân hàng Nhà nước: Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là phù hợp |
Giá vàng vẫn chưa quay đầu
Kết thúc quý I/2023, thị trường vàng đã kết thúc tiệm cận ngưỡng 2.000 USD/ounce. Con số này ghi nhận mức tăng 9% từ đầu năm đến nay. Đây là hiệu suất hàng tháng tốt nhất kể từ tháng 7.2020 và là kết quả hàng quý tốt nhất kể từ quý II/2020.
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) 3 tuần trước đã gây ra cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng, làm Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã phần nào chùn bước tăng lãi suất.
Và ngay cả khi sóng gió lắng xuống, vàng vẫn được giao dịch ở mức cao hơn. Everett Millman - chuyên gia kim loại quý của Gainesville Coins - phân tích: "Giá vàng vẫn chưa quay đầu rõ rệt mặc dù những lo ngại về ngân hàng đang giảm bớt vào thời điểm hiện tại. Đây là một dấu hiệu mạnh mẽ và rất đáng khích lệ đối với những người đầu cơ giá vàng".
Giá vàng có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới do lo ngại về làn sóng rút tiền thứ hai ở ngành ngân hàng. Ảnh: Xinhua |
James Knightley, chuyên gia kinh tế quốc tế của ING, cho biết: “Tỉ lệ hạ cánh cứng đối với nền kinh tế đang gia tăng. Khả năng lạm phát sẽ giảm nhanh hơn, cho phép FED cắt giảm lãi suất trước cuối năm nay”.
Tuần tới, báo cáo việc làm trong tháng 3 tại Mỹ sẽ được công bố. Thị trường đang dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ có thêm 240.000 việc làm và tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 3,6%.
Sau các sự kiện vào tháng 3, TD Securities hiện đang dự đoán giá vàng trung bình là 1.975 USD trong quý II, 2.050 USD trong quý III và 2.100 USD trong quý IV/2023.
Chuyên gia về kim loại quý Everett Millman cảnh báo vàng có thể gặp một số tổn thất trong ngắn hạn: “Có một số rủi ro giảm giá. Một đợt tăng giá nhẹ trên thị trường chứng khoán có thể khiến vàng mất giá”.
Theo Millman, mức hỗ trợ vững chắc là khoảng 1.850-1.900 USD, mức kháng cự ngay lập tức là 2.000 USD/ounce và sau đó là 2.060-2.070 USD.
"Khi bạn nhìn vào vị thế bán so với vị thế mua trong hợp đồng tương lai vàng, tâm lý của thị trường vẫn khá trung lập. Nếu bạn thấy có sự thay đổi nào đó trong nhận thức của công chúng, điều gì đang xảy ra với đồng USD hoặc nền kinh tế Mỹ, thì điều đó có thể làm thay đổi tâm lý đầu tư và vàng sẽ là thứ đầu tiên nhận được tác động" - Millman lưu ý.
Làn sóng rút tiền thứ hai
Về phần ngành ngân hàng, theo Marc Chandler - chiến lược gia trưởng thị trường ngoại hối toàn cầu của Bannockburn Global, hiện vẫn chưa rõ liệu sự biến động đã kết thúc hay chưa. Tất cả các khoản cho vay bổ sung do FED giám sát vẫn chưa chậm lại.
"Tâm lý căng thẳng trong thị trường về ngành ngân hàng đã giảm bớt. Tuy nhiên, khoản cho vay khẩn cấp của FED hầu như không chậm lại trong tuần qua (152,6 tỉ USD so với 163,9 tỉ USD" - Chandler cho biết.
Ngân hàng Barclays cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể còn lâu nữa mới kết thúc, vì "làn sóng thứ hai" của dòng tiền gửi chảy ra đang đến gần.
"Chúng tôi cho rằng làn sóng rút tiền đầu tiên có thể sắp kết thúc... Nhưng sự hỗn loạn gần đây liên quan đến an toàn tiền gửi có thể đã đánh thức những người gửi tiền 'ngủ mê'. Điều này sẽ bắt đầu làn sóng rút tiền gửi thứ hai, với số dư chuyển vào các quỹ thị trường tiền tệ" - Chiến lược gia Joseph Abate của Barclays cho biết trong một ghi chú. Làn sóng rút tiền thứ hai có thể được kích hoạt bởi những người gửi tiền "ngủ gật" chuyển tiền tiết kiệm của họ từ ngân hàng sang các quỹ thị trường tiền tệ để có được lợi nhuận tốt hơn và an toàn hơn.