Tạo cơ chế, hút đầu tư vào khu công nghiệp
Nâng cao hiệu quả khu kinh tế, khu công nghiệp Thêm 1 tỷ USD phát triển 5 khu công nghiệp xanh, thông minh và bền vững |
Bên cạnh các khu công nghiệp đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, tỉnh tiếp tục tạo thêm nhiều cơ chế thuận lợi, tăng sức hấp dẫn để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm tham gia vào các khu công nghiệp mới trên địa bàn.
Năm 2023, Quảng Ninh xác định chủ đề công tác là: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Đây chính là đòn bẩy, động lực để tỉnh quyết tâm thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn FDI vào địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế và coi đây là một nguồn lực mới trong định hướng phát triển bền vững, dài hạn phía trước.
Sản xuất linh kiện điện tử ở Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina, Khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. |
Những tín hiệu mới tích cực
Ngay từ đầu năm 2023, tại khu công nghiệp (KCN) Bắc Tiền Phong, Quảng Ninh khởi công dự án phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong, với diện tích quy hoạch 7,4ha, tổng mức đầu tư 20,5 triệu USD. Mục tiêu dự án là xây dựng hệ thống nhà xưởng và nhà kho xây sẵn chất lượng cao để phục vụ các dự án sản xuất, kinh doanh tại KCN Bắc Tiền Phong, góp phần tạo thêm lợi thế trong việc thu hút đầu tư.
Dự án được kỳ vọng đem lại tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực của vùng và cả nước. Dự án sẽ đóng góp cho sự phát triển của xã hội và cộng đồng thông qua việc đáp ứng nhu cầu sử dụng nhà xưởng xây sẵn của nhà đầu tư trong và ngoài nước; tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh dành thời gian làm việc với nhiều nhà đầu tư lớn như: Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SPF), gặp gỡ với 60 doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc), trao đổi làm việc với các nhà đầu tư Hàn Quốc,... Chính vì vậy, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh trong tháng 1 đã đạt gần 4.800 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so cùng kỳ năm 2022. Hàn Quốc luôn được Quảng Ninh xác định là một trong những thị trường chiến lược của tỉnh, với tổng vốn đầu tư gần 123,6 triệu USD và 12 dự án còn hiệu lực, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản, giáo dục đào tạo,...
Thực tế thời gian qua cho thấy, các KCN của Quảng Ninh ngày càng có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Thị xã Quảng Yên là địa phương có nhiều KCN nhất tỉnh với diện tích gần 4.600ha, gồm các KCN Đông Mai, Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong và Bạch Đằng.
Đến nay, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Amata, Deep C, Foxconn,… đã đầu tư vào các dự án tại KCN ở Quảng Yên. Để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào 5 khu công nghiệp này, thị xã đặt ra lộ trình phát triển theo từng giai đoạn cụ thể và tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, các khu chức năng của khu kinh tế ven biển Quảng Yên, từng bước hình thành đô thị thông minh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên Trần Đức Thắng cho biết: Xác định chiến lược thu hút đầu tư, chính quyền thị xã đã tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp bằng việc hỗ trợ hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường ổn định, minh bạch, đồng thời hình thành quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, hỗ trợ về thủ tục pháp lý, đào tạo nghề, nguồn lao động, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài sau khi dịch Covid-19 được khống chế.
Bên cạnh đó, thị xã ưu tiên đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên môi trường và bảo đảm tốt an sinh xã hội, an ninh trật tự. Ước tính giai đoạn 2020-2035, tổng nhu cầu đầu tư cho khu kinh tế ven biển Quảng Yên khoảng 160.000 tỷ đồng (năm 2021-2022, tổng vốn đầu tư đạt gần 30.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 sẽ đạt hơn 19.300 tỷ đồng).
Từ nguồn lực này, địa phương chủ động hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng, giao thông nội thị. Quảng Yên đang đón dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài rất lớn, từng bước khẳng định vị trí tâm điểm thu hút đầu tư mới của tỉnh.
Gỡ những “điểm nghẽn”
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Tỉnh đang xác định tập trung thu hút đầu tư FDI thế hệ mới có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh đối với thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, ngoài ra, cũng ưu tiên thị trường Mỹ, EU, Singapore,...
Các dự án FDI thế hệ mới phải đạt các tiêu chí sử dụng ít nguồn lực đất đai, lao động, năng lượng, ít gây ô nhiễm, chú trọng các dự án chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ sạch, giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi cung ứng sản xuất và cung ứng toàn cầu, tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đất nước.
Nhìn nhận khách quan trên thực tế, trong thời gian qua, số nhà đầu tư FDI, nhất là nhà đầu tư chiến lược đến với địa bàn Quảng Ninh còn tương đối thấp, chưa thu hút được nhà đầu tư FDI lớn mang vai trò “Sếu đầu đàn” dẫn dắt ở những lĩnh vực mà tỉnh quan tâm kêu gọi, như chế biến, chế tạo, logistics từ thị trường đầu tư lớn Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, chưa có một mô hình liên doanh, liên kết trong hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước mà mới chỉ dừng lại ở hình thức đầu tư 100% vốn FDI.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã thẳng thắn nhìn nhận nhược điểm này và chỉ rõ nguyên nhân chính chủ yếu thuộc trách nhiệm của một số cơ quan giúp việc và chủ đầu tư hạ tầng các KCN.
Theo đó, việc triển khai, rà soát quy hoạch trong các KCN thuộc trách nhiệm của các sở, ngành còn chậm và chưa thật sự phối hợp tốt trong tham mưu cho tỉnh đối với những chủ trương, định hướng mang tính đột phá, chiến lược, có tính dài hạn, hấp dẫn trong tạo lập, thu hút đầu tư các dự án FDI vào các KCN.
Đơn cử, tại Vân Đồn, mặc dù Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn và xác định đây sẽ là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp, tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 1 dự án FDI đang hoạt động và 3 dự án FDI mới chỉ nằm trong danh mục thu hút đầu tư, chiếm 3,5% số dự án FDI kêu gọi đầu tư vào Quảng Ninh.
Thực tế cho thấy, chủ đầu tư các dự án kinh doanh hạ tầng KCN còn tâm lý chờ đợi tìm được nhà đầu tư thứ cấp rồi mới đầu tư hạ tầng dùng chung trong KCN, trong khi nhà đầu tư FDI lại muốn có mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật ngay thì mới quyết định đầu tư. Sự giằng co, chờ đợi này đã khiến một số KCN của tỉnh vẫn chỉ là bãi cát hoang sơ, tỷ lệ lấp đầy trung bình mới đạt hơn 40%. Bên cạnh đó, Quảng Ninh đang phải đối mặt xu hướng dịch chuyển lực lượng lao động chất lượng cao từ địa bàn sang các địa phương lân cận do chưa thu hút được các nhà máy, dự án sử dụng công nghệ cao từ trước đó.
Theo ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN Deep C-nhà đầu tư đang đầu tư hạ tầng hai KCN tại Quảng Ninh, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức với địa phương. Quảng Ninh cần phải xóa bỏ tư duy có lợi thế về nguồn lao động giá rẻ và ưu tiên đào tạo, tập trung vào những ngành nghề như điện tử, sản xuất máy móc, thiết bị.
Trước những hạn chế trên, tỉnh Quảng Ninh xác định điều kiện tiên quyết cần phải có môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, ít chi phí không chính thức, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, luôn xả thân, lăn lộn, đồng hành đi đến cùng, tạo nên uy tín, thương hiệu, niềm tin đối với nhà đầu tư.
Cùng với đó, quyết không thỏa hiệp, không gia hạn, mở rộng hoạt động cho các dự án chậm tiến độ, chiếm nhiều đất, sử dụng công nghệ lạc hậu, không đạt tiêu chuẩn về môi trường và đóng góp ít cho tăng trưởng kinh tế, nguồn thu ngân sách nhà nước. Quảng Ninh đang phấn đấu năm 2023, tổng vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 60 nghìn tỷ đồng; thu hút vốn FDI đạt 1 tỷ USD vào khoảng 500ha mặt bằng sạch hiện có của các KCN, khu kinh tế và phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp.
Quảng Ninh đang là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn với nền hành chính hiện đại, quản trị địa phương theo hướng bền vững phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả. Tỉnh có nhiều chính sách ưu tiên, cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư. Trên tinh thần hợp tác toàn diện, Quảng Ninh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư thành công, bền vững.