Tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Hàn Quốc
Việt Nam xuất khẩu thành công thanh long sang Hàn Quốc
Kim ngạch xuất khẩu duy trì đà tăng
Là một trong những bạn hàng lớn nhất của nước ta, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng từ 0,5 tỷ USD vào năm 1992 lên 27,3 tỷ USD vào năm 2013 (tăng đến 54 lần trong 21 năm). Trong 9 tháng đầu năm 2014, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt trên 20,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc khoảng 5,1 tỷ USD và nhập khẩu 15,6 tỷ USD từ thị trường này. Rất nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được thị trường này ưa chuộng như dệt may, đồ gỗ và giày dép, thủy sản, cao su... Tính đến hết tháng 8/2014, một số mặt hàng XK của Việt Nam chiếm kim ngạch khá cao như hàng dệt may đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng 39,9%; thủy sản 405 triệu USD, tăng 47,2%; gỗ và sản phẩm gỗ 309 triệu USD, tăng 48,5%; giày dép các loại 208 triệu USD, tăng 27,6%...
Bên cạnh các mặt hàng kể trên, điểm đáng mừng là mặc dù Hàn Quốc được coi là một trong những thị trường khó tính, có những yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng thời gian qua, chúng ta đã xuất khẩu thành công 2 loại quả sang thị trường này là thanh long và xoài theo thỏa thuận đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Hàn Quốc. Để 2 loại quả này đạt tiêu chuẩn, các DN đã mất khoảng 4 năm rưỡi để nghiên cứu, chọn lựa sản phẩm và công nghệ bảo quản phù hợp với thị trường này. Việc xuất khẩu thành công 2 loại quả này, dù kim ngạch chưa cao nhưng cũng mở ra những cơ hội mới cho mặt hàng nông sản Việt.
Về nhập khẩu, đa số các mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc của Việt Nam thuộc nguyên, nhiên liệu đầu vào quan trọng của sản xuất trong nước như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, vải các loại, điện thoại các loại và linh kiện, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sắt thép các loại, kim loại thường khác, chất dẻo nguyên liệu…
Đẩy mạnh đưa hàng vào thị trường trọng điểm
Đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp. Theo đó, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là nông sản, sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, có giá cao như máy vi tính, điện tử, linh kiện, ô tô nguyên chiếc, linh kiện ôtô, máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu, vải các loại, nguyên phụ liệu da giày…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hàn Quốc là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Việt Nam sau Nhật Bản. DN FDI Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng trên 50 vạn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị XK Việt Nam năm 2013. |
Hiện nay, Việt Nam đang nhập siêu từ Hàn Quốc. Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang Hàn Quốc đồng thời giảm nhập siêu từ thị trường này, các mặt hàng như dệt may, giày dép, hải sản, dược liệu, rau quả, than đá... sẽ là những mặt hàng trọng tâm trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Ông Lê An Hải cho biết thêm, Bộ Công Thương đang thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua nhiều hoạt động có lựa chọn, chia thị trường trọng điểm, trong đó Hàn Quốc được xem là thị trường trọng điểm số 1. Để tận dụng tối đa cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, ông Lê An Hải cũng khuyến cáo, trong chiến lược tiếp cận thị trường Hàn Quốc, các doanh nghiệp nên quan tâm đến việc tìm hiểu và tiếp cận hệ thống phân phối của từng ngành hàng, kết hợp tham khảo kênh thông tin chính thức từ Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc để có sự chuẩn bị cần thiết. “DN nên nỗ lực đưa hàng vào hệ thống phân phối của những tập đoàn bán lẻ của Hàn Quốc tại Việt Nam như Lotte, bởi khi đã thực hiện được việc này, khả năng hàng hóa sang được hệ thống siêu thị của các tập đoàn này tại Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác rất cao” – ông Hải cho hay./.
Lan Phương