Shark Thủy và phi vụ đầu tư "trắng tay" trước khi bị khởi tố về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn giáo dục Egroup, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings - công ty mẹ của Apax English là một trong số "cá mập" nổi tiếng và quyền lực đã xuất hiện trong những mùa đầu tiên của chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam, gây ấn tượng mạnh cho công luận.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn giáo dục Egroup |
Ngoài những châm ngôn "để đời", những lời khuyên nhủ thấu tình đạt lý giúp lớp startup hậu sinh vững bước hơn trong giai đoạn khởi nghiệp, Shark Thủy còn được nhớ đến khi trở thành quán quân đầu tư ở hai mùa đầu tiên, phóng khoáng rót tiền vào nhiều thương vụ làm ăn bất luận đã nhận diện được những rủi ro nhất định.
Trong số đó, điển hình là Soya Garden - startup F&B được sáng lập bởi hai chị em Hoàng Thu Thủy và Hoàng Anh Tuấn. Shark Thủy cam kết đầu tư 15 tỷ đồng để đổi lấy 45% cổ phần của đơn vị này với lộ trình hoàn vốn 3 năm. Sau khi nhận được đầu tư từ Shark Thủy, Soya Garden nhanh chóng tăng vốn điều lệ từ 30 triệu đồng lên 20 tỷ đồng vào tháng 3/2018 và một năm sau lên mức 100 tỷ đồng.
Nguồn vốn này phần lớn đến từ Tập đoàn Egroup của Shark Thủy. Tuy nhiên, sau gần 3 năm, từ một chuỗi có 50 cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành hiện trên Soya Garden chỉ còn vỏn vẹn 4 cửa hàng tại Hà Nội, theo thông tin trên website. Nhà đồng sáng lập Hoàng Anh Tuấn cũng rời Soya Garden.
Ông Tuấn cũng không còn là người đại diện theo pháp luật của công ty từ tháng 8/2020. Người đại diện theo pháp luật của Soya Garden hiện nay là bà Nguyễn Thị Dung. Bà Dung cũng chính là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Tập đoàn Ozen, Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Cogo, Công ty Cổ phần Edu Invest, Công ty Cổ phần Tập đoàn Ozen, Công ty Cổ phần Ecapital Holdings.
We Escape - startup chuyên về trò chơi nhập vai thực tế 5D này cũng là khoản đầu tư không thành công của Shark Thủy, do ông Vương Chí Nhân sáng lập. Shark Thủy thỏa thuận đầu tư 5 tỷ đồng cho 36% cổ phần.
Thực tế sau đó ông rót tới 30 tỷ đồng vào startup này. Năm 2018, We Escape chính thức trở thành một dự án giải trí đầy hứa hẹn trong hệ thống Egroup. Tuy nhiên, sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, đầu năm 2022, startup này đã thông báo đóng cửa toàn bộ hệ thống...
Về phần mình, bản thân Shark Thủy trên vai trò điều hành trực tiếp hệ thống giáo dục Apax cũng không đủ năng lực đưa doanh nghiệp vượt qua khỏi cơn bão dịch bệnh. Gặp khó khăn về nguồn vốn khiến hoạt động của Apax ngày càng cầm chừng, các trung tâm nối tiếp đóng cửa, nợ lương người lao động, trong khi doanh nghiệp đã nhận trước tiền mua khóa học tiếng Anh của hàng trăm phụ huynh cả nước.
Năm 2023, Công an TP. Hồ Chí Minh đã vào cuộc xác minh hàng trăm đơn tố cáo của phụ huynh, cho rằng bị Apax Leaders "chiếm đoạt tiền học phí" với số tiền khoảng 6 tỷ đồng. Trong đơn, họ cho biết đã phải chi hàng trăm triệu đồng mua khóa học tiếng Anh cho con nhưng các cháu không được học vì trung tâm đã đóng cửa, đòi lại tiền thì không được.
Hôm 9/1/2024, Shark Thủy thông báo gặp "khó khăn đặc biệt" khi một số trung tâm tại TP. Hồ Chí Minh phải tạm dừng do một nhóm phụ huynh đến bao vây, đòi lại học phí. Điều này được cho là gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và nguồn thu của công ty. Nhân sự lo sợ nghỉ việc, tăng số lượng rút phí do các trung tâm đang hoạt động không thể giảng dạy trực tiếp cho học sinh...
Trong thông báo, ông Thủy cũng cho rằng, việc này "khiến Apax Leaders mất khả năng hoàn phí các đợt tiếp theo cho phụ huynh". Hiện công ty Shark Thủy đã dừng giảng dạy trực tiếp tại các trung tâm ở TP. Hồ Chí Minh để "đảm bảo an toàn cho học sinh và thầy cô".
Được biết, Apax Leaders là chuỗi trung tâm Anh ngữ cho trẻ em, được cấp phép từ 2016. Trên trang web, chuỗi cho biết có 120 trung tâm trên cả nước, với khoảng 120.000 học viên. Tại TP. Hồ Chí Minh, Apax Leaders từng có hơn 15.000 học viên. Từ cuối năm 2022 đến nay Apax Leaders bị nhiều phụ huynh tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đăk Lăk, Đà Nẵng khiếu nại vì chất lượng giảng dạy không như cam kết, "ôm tiền bỏ rơi khách hàng" và yêu cầu hoàn trả học phí.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ Công an cho biết ông Nguyễn Ngọc Thủy và ông Đặng Văn Hiền (Trưởng Ban quan hệ cổ đông Công ty Cổ phần Đầu tư và phân phối Egame) đã bị khởi tố, bắt tạm giam từ ngày 25/3 với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) nhận được đơn của nhiều nhà đầu tư, tố giác ông Thủy lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục mở rộng vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản. "Để đảm bảo quyền lợi của người bị hại, cơ quan điều tra đề nghị những người mua cổ phần của công ty ông Thủy hiện còn dư nợ, khẩn trương cung cấp hồ sơ, tài liệu để phục vụ điều tra", trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an thông tin.
Một số châm ngôn từng gây bão mạnh của Shark Thủy trước khi vướng vào lao lý: 1. "Nếu có thể, nên giỏi cả việc học và việc kinh doanh" Trong chương trình giao lưu giữa các Shark với hơn 4.000 sinh viên Hà Nội vào 6 năm trước, khi được đặt vấn đề sinh viên có nên tạm dừng học hành để tìm kiếm đam mê hay theo đuổi một mục tiêu đã định trước đó, Shark Thủy viện dẫn câu nói phổ biến về người phụ nữ Việt Nam: Giỏi việc nước, đảm việc nhà. Anh khuyên các bạn sinh viên, nếu có thể, nên giỏi cả việc học và việc kinh doanh. "Học đại học là hình thức đào tạo chính quy, nếu có cơ hội học đại học thì rất tốt. Tuy nhiên, việc học không nên dừng lại ở đó. Chúng ta phải học mỗi ngày, học cả đời. Không có người thành công nào thiếu kiến thức cả, không bao giờ có". 2. "Tôi đầu tư không phải để 4 hay 5 năm sau thoái vốn kiếm lời, mà muốn đồng hành cùng doanh nghiệp ấy" "Tôi lựa chọn câu chuyện ngành, vì tôi muốn song hành cùng startup, muốn biến họ thành công ty lớn, dẫn đầu trong ngành họ đang hướng đến. Chính vì vậy, tôi luôn đặt ra mục tiêu thách thức để họ tiến nhanh hơn. Còn tỷ lệ chi tiết nắm giữ bao nhiêu thì cũng tùy theo từng dự án và tôi sẽ công bố sau", Shark Thủy nói sau kết thúc Shark Tank mùa 2. 3. "Người ta nói trâu chậm uống nước đục, nhưng theo tôi thì cứ chậm chút, có khi được mua rẻ" Trả lời báo chí, khi được hỏi vì sao ông thường là vị cá mập đưa ra những lời đề nghị cuối cùng, Shark Thủy cho biết: "Tôi là người hay đưa ra những đề nghị cuối cùng trong các thương vụ. Khi các sharks khác đề nghị hay từ chối startup, tôi sẽ quan sát xem các bạn đón nhận với tâm thái như thế nào. Điều đó sẽ quyết định việc tôi đưa ra lời đề nghị tiếp theo ra sao. Người ta thường nói "trâu chậm uống nước đục". Nhưng theo kinh nghiệm của tôi về đàm phán thì có lẽ, mình cứ chậm chút, có khi được mua rẻ". |