
Tỉnh Tây Ninh nhận giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2024
Tỉnh Tây Ninh vừa nhận giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2024” với hạng mục thành phố điều hành, đô thị thông minh (IOC).

Lễ hội công nghệ ngoài trời đầu tiên tại Việt Nam hút 12,5 triệu lượt theo dõi trực tuyến
Thủ Đức Innovation Fest 2024 - Lễ hội công nghệ ngoài trời đầu tiên tại Việt Nam thu hút hơn 115.000 lượt tham gia và hơn 12,5 triệu lượt theo dõi trực tuyến.

'Thay giáp’ doanh nghiệp thời đại số, tạo đà khai phá tiềm năng mới
Sáng nay, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo "Thay giáp" doanh nghiệp thời đại số với ERP: Tạo đà khai phá tiềm năng mới cùng nền tảng Low-code.

Nhóm bạn 'bí ẩn' chuẩn bị số tiền 'khủng' giúp bà Trương Mỹ Lan khắc phục hậu quả
Trong ngày 8/10, tại phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, HĐXX tiếp tục cho các luật sư và các bị cáo tự bào chữa đối với quan điểm buộc tội của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa.
Tại phần bào chữa cho bị cáo, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn luật sư TPHCM) tiếp tục thông tin trước HĐXX về khoản tiền mà nhóm bạn của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) ở Mỹ muốn giúp bà Lan khắc phục hậu quả.
Cụ thể, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang nói rằng, tại phiên tòa này vào ngày 24/9, luật sư Huyền Trang có trình bày trước HĐXX là bà Trang được một người bạn của bị cáo Trương Mỹ Lan thuê cung cấp dịch vụ pháp lý, nhằm tích cực hợp tác xử lý các tài sản (kể cả các tài sản bị kê biên hoặc bị ngăn chặn chuyển dịch trong vụ án) để khắc phục triệt để hậu quả dân sự của cả hai giai đoạn.
Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, ở giai đoạn 2, tại vụ án án này, nhóm bạn của bà Lan đã giao dịch thành công và có sẵn nguồn tiền 3.000 tỷ đồng để khắc phục.

Điểm nóng 24h ngày 30/9: Bà Trương Mỹ Lan đề nghị giải tỏa hàng loạt tài sản để khắc phục hậu quả
Bà Trương Mỹ Lan đề nghị giải tỏa hàng loạt tài sản để khắc phục hậu quả; CEO Nguyễn Phương Hằng tuyên bố sốc về chiếc nhẫn kim cương 1.000 tỷ; Di dời khẩn cấp 46 hộ dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất tại Hà Giang; Không khí lạnh tràn về, miền Bắc nhiều nơi rét đậm;...

Xuất hiện đại gia ẩn danh muốn cho bà Trương Mỹ Lan vay mượn 250 triệu USD để khắc phục hậu quả
Chiều 24/9, tiếp tục xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, các luật sư tiếp tục hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng đồng phạm.
Bước vào buổi làm việc buổi chiều, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho bị cáo Kwok Hakman Oliver - Tổng giám đốc Công ty An Đông) cho biết, có một người bạn của bà Trương Mỹ Lan đang sống tại Mỹ muốn cho bị cáo này vay 250 triệu USD (chưa lãi) để trả nợ ngân hàng, giải chấp tòa nhà trên.
Đồng thời, bà Trang cho biết người bạn này muốn cho bị cáo Trương Mỹ Lan vay 130 triệu USD để khắc phục hậu quả vụ án này.

Phản bác luận điệu lợi dụng việc ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 để xuyên tạc, chống phá
Xin kính chào quý vị khán thính giả đã đến với chương trình Podcast của Báo Công Thương, với những bài viết, bài báo được chúng tôi tổng hợp, tìm hiểu và được thể hiện lại qua giọng đọc của BTV Thanh Thảo.
Thưa quý vị! Bài báo với nhan đề “Phản bác luận điệu lợi dụng việc ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 để xuyên tạc, chống phá”, bài viết được đăng tải trên Báo điện tử Công an Nhân dân của tác giả Liêm Chính - Bình Nguyên, sẽ được chúng tôi chia sẻ trong mục Podcast - Bút chiến 35 ngày hôm nay. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.
Phản bác luận điệu lợi dụng việc ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 để xuyên tạc, chống phá
Những ngày qua, khi toàn xã hội chung tay góp sức giúp người dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả bão lũ thì trên không gian mạng, các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong, các phần tử bất mãn, cơ hội lại tiếp tục lợi dụng tình hình này để đưa ra những luận điệu xuyên tạc, phán xét chủ quan nhằm chia rẽ, phá hoại.
Những thông tin xuyên tạc trên không gian mạng
Ngay sau khi cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Việt Nam gây nên những thiệt hại to lớn về người và của, đồng thời hoàn lưu bão gây sạt lở đất và lũ lụt diện rộng ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và địa phương trong việc ứng phó nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và của thì trên không gian mạng lại có những tiếng nói xuyên tạc, lạc lõng.
Có thể kể đến một số trang tin như Việt Tân, VOA Tiếng Việt, RFA... đã ra sức đăng tải những thông tin sai trái, xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam không quan tâm đến công tác phòng, chống bão lũ, bỏ mặc nhân dân tự chống chọi với thiên tai.
Họ vu cáo với các luận điệu như: “Đừng trông chờ gì Đảng, Nhà nước Việt Nam hỗ trợ người dân sau bão Yagi”; “Các nhóm lợi ích và sau lưng những kẻ bảo kê cho nhóm lợi ích chỉ nghĩ đến tiền thôi, họ không màng đến sự sống của người dân”; “Phải chi Nhà nước dùng ngân sách bảo vệ dân bằng một phần nhỏ ngân sách để bảo vệ Đảng, có lẽ nhiều người dân đã được cứu”…
Trang Việt Tân đưa các hình ảnh người dân bị thiệt hại sau bão lũ rồi kích động: “Trong các báo cáo diễn tập, những thiên tài của Đảng luôn tuyên bố “hoàn thành xuất sắc công tác phòng, chống lụt bão”, vậy mà…”; “Mưa bão tới đâu, lãnh đạo cho diễn tới đó”; “Nhân dân lâm nguy, chính quyền vẫn ưu tiên bệnh thành tích”; “Rất nhiều người kêu cứu trong tuyệt vọng, không rõ chính quyền, công an, cứu hộ đi đâu”…
Họ mỉa mai rằng, chỉ có dân cứu dân khi hoạn nạn, dân không thể kêu cứu chính quyền mà chỉ có thể nhờ ai đó giúp mình; rằng “tuyên truyền thì ngạo nghễ, thực tế thì ngao ngán”! Thậm chí, một số trường hợp còn đưa những hình ảnh không chính xác rồi miệt thị đó là ảnh “biểu diễn” cứu hộ, cứu nạn trong bão lũ nhằm “lừa mị dân”…
Các tổ chức phản động lưu vong lợi dụng việc bão lớn làm đổ nhiều cây xanh, cột điện, hỏng nhiều đường sá, cầu cống rồi cố tình chọn đăng một vài hình ảnh cây mới trồng không có nhiều rễ, cột điện có ít lõi sắt (cả ảnh thật và ảnh cắt ghép, ảnh không rõ nguồn gốc và thời điểm chụp) rồi từ việc phê phán chính quyền thiếu trách nhiệm, tham nhũng, tắc trách để quy chụp “cây xanh dưới cơ chế của đảng thì phải chấp nhận vậy thôi”!
Có đối tượng bất mãn, chống đối lại đưa ra những luận điệu kiểu “tâm linh” như cho rằng, cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam càn quét gây thiệt hại nặng nề là do “trời trừng phạt và do chế độ độc Đảng lãnh đạo”. Từ đó, những đối tượng này cổ xuý, muốn chống bão lụt thì dân hãy tự lo lấy, chừng nào còn độc đảng thì chừng đó chính quyền còn bỏ mặc nhân dân và hả hê trước những thiệt hại to lớn về người và của trước sự tàn phá của cơn bão.
Bên cạnh đó, trong khi Đảng, Nhà nước và các địa phương, lực lượng chức năng cùng quân dân miền Bắc đang gồng mình ứng phó với trận bão, lũ lịch sử, huy động tối đa các nguồn lực để phòng, chống và giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả; trong khi cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đồng bào cả nước đang hướng về miền Bắc, tích cực ủng hộ, giúp đỡ người dân ở những vùng gặp nạn thì trên mạng xã hội lại có những hình ảnh, bài viết thông tin sai sự thật, nhất là thông tin sai về việc vỡ đập, vỡ đê, ngập lụt, sạt lở... dẫn đến người dân hoang mang.
Không chỉ xuất hiện tin giả, tin sai lệch về bão số 3, một số đối tượng còn lợi dụng thiệt hại do bão gây ra để kêu gọi ủng hộ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt… Những hành vi này vừa gây nhiễu loạn trong dư luận, vừa tạo cớ để các thế lực xấu lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thiên tai, hoạn nạn.
Những thông tin xuyên tạc, thông tin mang tính quy kết “gắp lửa bỏ tay người” của các thế lực thù địch và các tổ chức phản động lưu vong, các phần tử bất mãn nói trên đi ngược với cộng đồng, gây nên sự hoài nghi, hoang mang trong dư luận. Từ việc hướng lái dư luận hiểu sai lệch, cho rằng Đảng, Nhà nước không quan tâm đến đời sống dân sinh, bỏ mặc người dân trong tình cảnh khốn khó, âm mưu của các đối tượng nhằm gây chia rẽ giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, chia rẽ giữa lực lượng vũ trang và nhân dân, bôi lem Đảng, chế độ, kích động chống đối từ bên trong.
Có một quy luật quen thuộc trên không gian mạng là cứ hễ khi đất nước gặp khó khăn thì được các tổ chức, cá nhân thù địch, phản động lại coi đây là thời cơ để lợi dụng chống phá. Điều này vốn từng xảy ra suốt thời gian chúng ta đối phó với đại dịch COVID-19.
Thực tiễn công tác phòng, chống thiên tai bão lũ - minh chứng phản bác mọi luận điệu xuyên tạc
Thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, hậu quả thiên tai gây ra là không thể tránh khỏi. Chúng ta chỉ có thể nắm bắt tình hình, dự báo sớm để chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra và nỗ lực khắc phục thiệt hại. Trong thực tế, chúng ta đã rất chủ động đối phó với cơn bão ngay từ sớm.
Thủ tướng đã ban hành các công điện chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp cấp bách chủ động ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả, đồng thời phân công các thành viên Chính phủ, các cơ quan chức năng kiểm tra việc ứng phó, lập ban chỉ đạo tiền phương để kịp thời chỉ đạo xử lý các tình huống đặt ra trước, trong và sau khi bão đổ bộ. Toàn dân tộc đã phát huy tinh thần đại đoàn kết, đồng lòng, chung tay giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn.
Để phòng, chống bão số 3, Bộ Công an đã huy động hơn 100.000 lượt cán bộ, chiến sĩ của Công an 35 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng, giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa, tuyên truyền, vận động nhân dân đến nơi tránh trú bão an toàn, sơ tán gần 53.000 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn. Phối hợp Bộ đội Biên phòng kiểm đếm, hướng dẫn hơn 51.000 tàu cá, gần 220.000 người về nơi tránh trú an toàn; bố trí các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng chống bão.
Theo báo cáo của Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân đội đã huy động hơn 450 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 10.000 phương tiện ứng phó siêu bão số 3. Trước khi bão đổ bộ, các đơn vị Quân đội đã nhanh chóng có mặt tại những nơi nguy hiểm, xung yếu hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ. Trong những ngày xảy ra mưa lũ trên diện rộng, Công an các địa phương phía Bắc tập trung hỗ trợ sơ tán người dân di dời khỏi vùng nguy hiểm, tham gia gia cố đê kè ngăn lũ, trực tiếp tuần tra, đưa người bị mắc kẹt trong lũ đến nơi an toàn, đưa người bị nạn đi cấp cứu.
Hậu bão số 3 đã gây ra lũ quét, lũ lụt diện rộng cho nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc với nhiều thiệt hại về người và của. Để ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, giúp đỡ nhân dân nhanh chóng ổn định sản xuất, cuộc sống, không để người dân nào bị đói, rét, không nơi ở, đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ, lực lượng Công an đã khẩn trương huy động tối đa lực lượng, phương tiện ở nhiều đơn vị, địa phương. Công an các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng… huy động toàn lực lượng từ cấp tỉnh tới cấp xã sử dụng các phương tiện tiếp cận, di chuyển toàn bộ người và tài sản trong vùng có nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng tới nơi tránh trú.
Đã có nhiều tấm gương anh dũng trong thực hiện nhiệm vụ, trong đó có cán bộ đã hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân, đó là Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm (sinh năm 1997), Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn Công binh 1, Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3; Trung tá Trần Quốc Hoàng (sinh năm 1987), cán bộ Trại giam Quảng Ninh.
Đặc biệt, sau khi xảy ra tai nạn sập cầu Phong Châu và trận lũ quét kinh hoàng làm hơn 100 người bị vùi lấp ở bản Làng Nủ, Lào Cai, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an địa phương và CSCĐ thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ cùng một số đơn vị Quân đội đã đến hiện trường tiến hành cứu nạn, cứu hộ với quyết tâm, nỗ lực cao nhất.
Trong bão tố, người Việt không chỉ cùng nhau vượt qua những thử thách mà còn thể hiện rõ nét tinh thần tương thân tương ái. Những căn nhà trống mở cửa đón người trú bão, những dòng xe tải chậm rãi che chắn cho xe máy hay những người lặng lẽ chia sẻ đồ ăn, thức uống - tất cả đã tạo nên một bức tranh đẹp về lòng nhân ái giữa thiên tai. Hình ảnh lực lượng Công an, Quân đội và các lực lượng khác cùng dân chống bão; nhiều người dân hỗ trợ nhau vượt qua thiên tai, khắc phục thiên tai trong những ngày qua thêm lần nữa cho thấy sự quý giá của tình quân dân, nghĩa đồng bào.
Có thể thấy trong bão lũ, những nghĩa cử cao đẹp được trao đi để cùng nhau vượt qua gian khó. Đó là tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách của người Việt Nam. Những nghĩa cử đẹp trong cộng đồng hướng về nơi chịu thiệt hại về thiên tai đã cho thấy niềm tin về lòng tốt, sự sẻ chia, là trách nhiệm và ý thức công dân của con người trong xã hội vẫn luôn tỏa sáng và hơn thế, chính sự ấm áp, những nghĩa cử cao đẹp đã đưa con người xích lại gần nhau hơn, cho thấy một Việt Nam đoàn kết, sáng ngời tấm lòng sẻ chia.
Các giá trị đó đã làm nên cốt cách và bản sắc văn hóa, là nền móng, sức mạnh nội sinh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Ngày nay, đoàn kết, tương thân, tương ái vẫn là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục phát triển vững mạnh, đạt được nhiều thành tựu mới.
Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội cùng các lực lượng dầm mình trong mưa gió để cứu nạn, cứu hộ, trắng đêm đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân là hình ảnh thân thuộc, ở mỗi bản làng, khu phố trong thiên tai, bão lụt. Đó là minh chứng sinh động của tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, phủ nhận mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.
Kính thưa quý vị, chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe, rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Hàng nghìn bộ đội, dân quân tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt ở Yên Bái
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, liên tiếp xuất hiện mưa vừa, mưa to. Đặc biệt, trong ngày và đêm 8-9 đến ngày 9-9 mưa trắng trời dẫn đến ngập lụt, lũ quét gây thiệt hại nhiều về người, tài sản, hoa màu, các công trình công cộng, nhà dân và diện tích sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.
Chiến sĩ LLVT Quân khu đang tích cực phối hợp các lực lượng khác tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ tại Yên Bái
Theo thống kê sơ bộ, tính đến 8 giờ ngày 9/9 trên địa bàn tỉnh Yên Bái mưa lũ làm chết 3 người (1 người ở huyện Văn Chấn, 2 người tại huyện Lục Yên); làm tốc mái, sập, đổ, ngập 214 nhà; sạt lở taluy dương vào 137 nhà; diện tích lúa bị thiệt hại, ảnh hưởng 533,02ha; đổ 6 cột điện; 6 điểm trường trên địa bàn huyện Trạm Tấu bị sạt lở, gây ách tắc giao thông trên địa bàn một số địa phương; phải di dời khẩn cấp 269 nhà có nguy cơ bị sạt lở đất; nhiều nơi bị mất điện, mất nước.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến 8 giờ ngày 9-9 trên địa bàn tỉnh Yên Bái mưa lũ làm chết 3 người (1 người ở huyện Văn Chấn, 2 người tại huyện Lục Yên); làm tốc mái, sập, đổ, ngập 214 nhà; sạt lở taluy dương vào 137 nhà; diện tích lúa bị thiệt hại, ảnh hưởng 533,02ha; đổ 6 cột điện; 6 điểm trường trên địa bàn huyện Trạm Tấu bị sạt lở, gây ách tắc giao thông trên địa bàn một số địa phương; phải di dời khẩn cấp 269 nhà có nguy cơ bị sạt lở đất; nhiều nơi bị mất điện, mất nước.
Hiện, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu đang tích cực phối hợp các lực lượng khác tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ tại Yên Bái, đến từng hộ dân di dời khẩn cấp người và tài sản đến nơi an toàn, giúp người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tháp tùng Thủ tướng kiểm tra khắc phục hậu quả của bão Yagi
Chiều và tối 8/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng - hai trong số những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do cơn bão số 3 gây ra để kiểm tra, chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả của cơn bão.
Tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi thị sát tình hình thiệt hại tại các cơ sở kinh tế - xã hội, thăm hỏi người dân bị thiệt hại và động viên các lực lượng quân đội, công an, thanh niên, công nhân môi trường đô thị… đang làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả sau bão.
Theo thống kê sơ bộ của tỉnh ủy Quảng Ninh, thiệt hại về người có 4 người chết và có 157 người bị thương hiện đang được điều trị tại các cơ sở y tế. Thiệt hại về tài sản theo thống kê bước đầu từ các địa phương có 19.582 nhà bị tốc mái; 21 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tầu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 1.297 cột điện bị gãy đổ; 70% cây xanh bị gãy đổ, 2 trạm điện, 3 trạm viễn thông bị hư hỏng; có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hầu bị mất, cuốn trôi; 17.000m2 công trình nuôi trồng thủy sản bị tốc mái; 912 ha lúa bị đổ, ngập úng; 8.503ha rừng trồng bị ảnh hưởng.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng đã đưa ra giải pháp để giúp địa phương này sớm khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra. Thủ tướng yêu cầu Quảng Ninh khẩn trương nối lại dòng điện và hệ thống thông tin liên lạc, đảm bảo vận hành hệ thống an toàn, ổn định. Cùng đó, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh nỗ lực đồng lòng chung tay khắc phục hậu quả sau bão, sớm ổn định tình hình.
Cũng trong tối cùng ngày, Thủ tướng tiếp tục làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng về công tác khắc phục hậu quả bão, vừa ứng phó với thiên tai sau bão như lũ lụt, sạt lở…Theo báo cáo nhanh, Hải Phòng đã có 2 người tử vong (tại huyện Tiên Lãng, Thủy Nguyên) do bị tường bếp đổ; 18 người bị thương được sơ cứu tại các trung tâm y tế huyện, quận. Sơ bộ thống kê đến thời điểm 12h ngày 8/9, mưa bão làm hư hỏng 528 nhà dân, 128 trường, 13 cơ sở y tế, 104 trụ sở làm việc, 3 trạm điện, 210 trang trại, 367 cột điện, cột chiếu sáng; hơn 6.000 cây bị gãy đổ; 16.735 ha lúa và hoa màu, 48 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Hải Phòng là một trong các địa phương được xác định nằm trong tâm của siêu bão, gây thiệt hại khá lớn, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Cụ thể, toàn bộ nguồn cung điện ngay từ khi bão đổ bộ vào bị thiệt hại, đến 6 giờ sáng nay 90% phụ tải chưa được cấp lại.
Công ty xăng dầu B12, đơn vị có vai trò cung cấp xăng dầu rất lớn cho không chỉ Hải Phòng mà cho cả khu vực thì không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền thành phố và cả riêng Hải Phòng thì đến giờ cả 10/10 nhà máy phát điện ở khu vực Đông Bắc, trong đó có 8 trên địa bàn Quảng Ninh, Hải Phòng có thể hoạt động trở lại và sẵn sàng cấp điện sau 6-12 tiếng nữa.
Đối với Hải Phòng được thành phố hỗ trợ nên ngành điện đã rất nỗ lực, đề nghị Thủ tướng hoan nghênh ngành điện trong chưa đầy 24h đến giờ này theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến 21h ngày 8/9 toàn bộ phụ tải quan trọng của thành phố - 80% khách hàng ở thành phố sẽ được cấp lại điện. Dự kiến đến cuối giờ chiều ngày 9/9 sẽ khắc phục hoàn toàn để cấp lại điện cho các khách hàng sử dụng điện trong thành phố.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, Bộ Công Thương nhất trí với kiến nghị, đề xuất của Hải Phòng và Bộ Công Thương cũng sẽ nỗ lực cùng các bộ, ngành, thành phố hỗ trợ Hải Phòng khắc phục bão số 3.

Bộ trưởng Bộ Công Thương tháp tùng Thủ tướng kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3
Chiều ngày 8/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 (bão Yagi) tại Quảng Ninh.

Hà Nội: Tập trung nhân lực, vật lực khắc phục hậu quả do bão Yagi gây ra
Chiều và tối qua (7/9), bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra gió mạnh và mưa lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến 7h00’ ngày 8/9, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 14.660 cây đổ và cành gãy, trong đó cây đổ là 14.272 cây. Nhiều cây bị đổ chắn ngang đường, gây ách tắc giao thông.
Nhiều cây bị đổ chắn ngang đường, gây ách tắc giao thông.
Khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến thời điểm 7h00 ngày 08/9/2024, mưa lớn làm cho 52 ha diện tích lúa, 159,1 ha rau màu bị ngập; 13.750,2 ha lúa và 488,9 ha rau màu bị đổ; 10,3 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.
Tính đến 7h00’ ngày 08/9, trên địa bàn Thành phố có tổng 07 xe máy và 54 ô tô bị hư hỏng do bão. Một số thiệt hại khác: có 274 hộ dân và công trình khác bị tốc mái nhà lợp tôn; 04 nhà mái tôn bị sập; 992m tường bao bị đổ; 19 công trình nhà ở bị hư hỏng; nhiều cột điện bị đổ.
Sau khi bão đi qua, chính quyền các cấp, lực lượng chức năng và người dân Thủ đô đã triển khai nhiều biện pháp như khẩn trương cắt tỉa, dọn dẹp cây xanh bị gãy đổ, bảo đảm tiêu thoát nước nhằm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Ngay từ sáng sớm ngày 8/9, công tắc khắc phục hậu quả sau bão Yagi đã được triển khai tích cực trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tại một số quận như Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm…,lực lượng chức năng với sự hỗ trợ của người dân đã bắt đầu dọn dẹp các cây đổ, thu gom rác thải và vận chuyển đến nơi tập kết.
Lực lượng chức năng với sự hỗ trợ của người dân đã bắt đầu dọn dẹp các cây đổ
Lãnh đạo quận Hoàng Mai yêu cầu trong ngày 8/9, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tiếp tục khắc phục hậu quả do bão gây ra tại địa phương, cơ quan, đơn vị, khu dân cư, tổ dân phố và nhà mình để đưa quận Hoàng Mai trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất.
Nắm chắc tình hình và kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả các tình huống phát sinh, đặc biệt là giữ an toàn cho người dân và kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, quyết tâm không để người dân nào bị đói, bị rét, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, ngay từ sáng sớm, các cư dân chung cư CT3C - X2 Bắc Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), đã tích cực hỗ trợ lực lượng chức năng dọn dẹp cây cối, rác thải la liệt trên đường phố.
Tại quận Long Biên, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cũng đã nhanh chóng vào cuộc cùng với người dân thu dọn các địa điểm có nhiều cây gãy, đổ, gây cản trở giao thông.
Tại quận Hoàn Kiếm, các công nhân công ty môi trường cũng đã tiến hành việc thu dọn đường phố ngay từ sáng sớm. Do khối lượng cây đổ, rác thải nhiều, hầu hết các lực lượng như dân quân tự vệ, tổ dân phố cũng được huy động tối đa để nhanh chóng đưa giao thông trở lại bình thường.
Nay trong sáng nay, quận Bắc Từ Liêm cũng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra chỉ đạo các đơn vị xử lý cây đổ, vệ sinh môi trường, thăm động viên các hộ bị ảnh hưởng do mưa bão, bảo đảm an sinh xã hội cũng như tại các trường học… khắc phục hậu quả do bão Yagi gây ra.
Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm huy động 100% quân số xử lý các sự cố mất điện. Hiện nay, quận đã khắc phục và khôi phục dần các trường hợp mất điện trên địa bàn toàn quận.
Có thể nói, sau khi bão Yagi đi qua, công tác khắc phục hậu quả sau bão Yagi đã được thành phố Hà Nội triển khai một cách nhanh chóng, tích cực, đảm bảo các tuyến đường giao thông trở lại bình thường, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Quyết liệt thực hiện toàn diện các giải pháp để khắc phục hậu quả bão số 3
Tập trung chỉ đạo đôn đốc các đơn vị ngành điện, huy động mọi nguồn lực nhân lực, vật lực để khắc phục sự cố cấp điện trở lại phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.
Cùng đó, chỉ đạo các đơn vị đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường bán lẻ, phục vụ đầy đủ cho người dân, doanh nghiệp sản xuất và sinh hoạt.
Chỉ đạo Sở Công Thương, các trung tâm thương mại, hệ thống phân phối hàng hoá, đảm bảo cung cấp đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị chức năng thuộc Bộ trong việc tập trung phòng chống, ứng phó với bão số 3
Đó là 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo trong cuộc họp khẩn với các Cục Vụ chức năng vào sáng sớm ngày 8/9 về tình hình bão số 3 và triển khai công tác khắc phục.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị chức năng thuộc Bộ trong việc tập trung phòng chống, ứng phó với bão số 3. Theo Bộ trưởng, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền và ảnh hưởng nặng nề đến Quảng Ninh, Hải Phòng cũng như nhiều tỉnh ở miền Bắc và miền Trung. Đây là cơn bão mạnh nhất xảy ra trong nhiều năm qua và hoàn lưu của nó sẽ còn ảnh hưởng tới nhiều địa phương phía Bắc, do đó cần có giải pháp toàn diện, triển khai quyết liệt để khắc phục.
Trước những thiệt hại nặng nề, nghiêm trọng do cơn bão số 3 Yagi gây ra, người đứng đầu ngành Công Thương yêu cầu các đơn vị khẩn trương phối hợp, khắc phục sự cố, đảm bảo cấp điện lại an toàn, ổn định.
Dự kiến, trong ngày hôm nay, 8/9, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn sẽ có chuyến thị sát thực tế về những thiệt hại sau cơn bão số 3 tại Hải Phòng, Quảng Ninh và trực tiếp đồng chí Bộ trưởng cũng sẽ có những chỉ đạo đến từng địa phương để đảm bảo công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão được thực hiện một cách toàn diện.
Trước đó, để phòng chống siêu bão Yagi (bão số 3), từ ngày 2/9 đến ngày 7/9, Bộ Công Thương đã ban hành 4 công điện để chỉ đạo các đơn vị ứng phó. Đồng thời, trong ngày 6/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên – Trưởng ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương đã trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia; Thứ trưởng Trương Thanh Hoài - Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy tiếp tục kiểm tra công tác trực ban và các phương án ứng phó bão số 3 của Công ty Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia.
Cũng trong ngày 6/9/2024, Cục trưởng Cục An toàn môi trường và Kỹ thuật Bộ Công Thương Phạm Nguyên Hùng – Phó trưởng Ban chỉ huy đã tham gia đoàn kiểm tra do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão tại Quảng Ninh, Hải Phòng; Trong khi đó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra hoạt động dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trước khi bão số 3 đổ bộ.

Hà Nội: Lực lượng chức năng quận Bắc Từ Liêm dọn dẹp cây đổ, khắc phục hậu quả giữa tâm bão
Những cây lớn bị gió quật ngã, chắn ngang đường gây nguy hiểm cho người dân và cản trở giao thông đã được lực lượng chức năng nhanh chóng cưa và di dời.
Mặc dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, với gió giật mạnh và mưa không ngừng, các lực lượng vẫn làm việc xuyên suốt để đảm bảo an toàn cho người dân và duy trì thông suốt giao thông ở những khu vực quan trọng. Các tuyến đường ngập nước cũng đang được theo dõi và xử lý, với máy bơm nước được triển khai tại các điểm ngập sâu.
Các lực lượng quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội hỗ trợ người dân dọn dẹp cây đổ do ảnh hưởng của bão Yagi. (Ảnh cắt từ clip)
Chính quyền địa phương tiếp tục cảnh báo người dân không ra khỏi nhà trừ khi có việc thật sự cần thiết và tuân thủ theo các hướng dẫn an toàn từ lực lượng chức năng để hạn chế rủi ro trong khi bão còn đang hoành hành.

Điện Biên: Hàng nghìn người tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả lũ quét
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại; yêu cầu huyện Điện Biên cùng với các lực lượng Quân đội, Công an địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện khẩn trương triển khai công tác khắc phục thiệt hại và tìm kiếm cứu nạn.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên đã điều động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng dân quân và các lực lượng khác nhanh chóng triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn; phối hợp với chính quyền địa phương bố trí chỗ ở tạm thời cho 18 hộ dân bị mất nhà ở; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người chết 1 triệu đồng/người; hỗ trợ các nạn nhân bị thương, gia đình có nhà bị hư hại và lực lượng làm nhiệm vụ bằng vật chất (mì tôm, lương khô, nước uống...) trị giá hơn 50 triệu đồng.
Theo báo cáo, mưa lớn đã gây ra lũ quét, sạt lở đất làm 2 người chết, 5 người mất tích và 4 người bị thương; 139 nhà bị đổ sập, cuốn trôi, 119 nhà bị hư hỏng, 2 nhà phải di dời khẩn cấp; gần 50ha lúa, hoa màu bị vùi lấp, cuốn trôi; 3,12ha rừng cây các loại bị gãy, đổ; 2,43ha thủy sản bị thiệt hại hoàn toàn; một số đoạn đường, cầu, cống, hệ thống điện, thông tin liên lạc bị hư hỏng... Ước tính tổng thiệt hại khoảng 32,6 tỷ đồng.
Tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các địa phương và lực lượng chức năng huy động hàng nghìn người cùng hàng chục phương tiện, máy móc để ứng cứu, khắc phục hậu quả.

Ông Trịnh Văn Quyết nói sẽ khắc phục hậu quả do thao túng chứng khoán
Sáng 25/7, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội bước sang ngày làm việc thứ tư, xét xử vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và các đơn vị liên quan.
Theo dự kiến, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử sẽ trình bày phần luận tội và quan điểm giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, đầu phiên làm việc, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử quay lại phần xét hỏi để làm rõ một số tình tiết liên quan tới lời khai về “cam kết” khắc phục hậu quả của bị cáo Trịnh Văn Quyết và gia đình.
Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Quyết khai, tính riêng phần tiền nộp để khắc phục hậu quả, đến nay bị cáo đã tác động gia đình nộp khắc phục được gần 240 tỷ đồng.
Từ khi khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, bị cáo đã liên tục làm việc với Cơ quan điều tra và luôn xin được khắc phục số tiền thiệt hại là trên 700 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết nói sẽ khắc phục hậu quả do thao túng chứng khoán
Bên cạnh đó, bị cáo đã làm việc với luật sư, với mong muốn xin dùng các tài sản của mình để khắc phục. Cụ thể, bị cáo đã bán hãng hàng không Bamboo trước để có tiền đền bù và đã thu được 200 tỷ đồng, nộp tiền vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra để khắc phục; còn lại 500 tỷ đồng, đối tác cam kết chuyển về Cơ quan điều tra để bị cáo tiếp tục khắc phục hậu quả.
Cựu Chủ tịch FLC cho biết, số tiền này đủ để khắc phục hậu quả của hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” mà bị cáo đã gây ra, với cáo buộc gây thiệt hại 723 tỷ đồng.
Trong thời gian điều tra, bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết luôn tìm cách để khắc phục và đã nhiều lần xin bán toàn bộ tài sản tích góp, bao gồm tài sản cá nhân và cổ phần tại Tập đoàn FLC, nhưng đến nay chưa được chấp thuận.
Trước đó, trả lời phần xét hỏi của luật sư, cựu Chủ tịch FLC và vợ đều khẳng định, sẽ dùng toàn bộ tài sản hiện có để khắc phục triệt để hậu quả trong vụ án này.

Điểm nóng 24h ngày 24/7: Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết xin dùng 5.000 tỷ để khắc phục hậu quả
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết xin dùng 5.000 tỷ để khắc phục hậu quả
Ngày 24/7, Toà án nhân dân TP. Hà Nội dành thời gian cho đại diện Viện kiểm sát và luật sư, tiếp tục xét hỏi 50 bị cáo trong vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn FLC.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại tòa (Ảnh: Vũ Phương)
Trong phiên xử một ngày trước, luật sư xét hỏi ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch tập đoàn FLC cho biết, với hai tội danh bị quy kết đồng thời là "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ông Quyết sẽ phải bồi thường cho các bị hại khoảng 4.300 tỷ đồng.
Khi được hỏi phương án bồi thường, ông Quyết trả lời: "Trong trường hợp Hội đồng xét xử tuyên bị cáo phải khắc phục số tiền trên, bị cáo xin được dùng toàn bộ tài sản cá nhân đang bị phong tỏa để khắc phục".
Theo cựu Chủ tịch FLC, hiện ông có số tài sản gần 5.000 tỷ đồng đang bị phong tỏa. "Đó là toàn bộ tài sản tích lũy trong hơn 20 năm lập nghiệp của bị cáo. Bị cáo tha thiết mong được tạo điều kiện gỡ phong tỏa để khắc phục", ông nói.
Theo ông Quyết, hiện ông mới được tạo điều kiện để bán "đứa con tâm huyết nhất" là hãng hàng không Bamboo Airways. Số tiền thu được gần 200 tỷ đồng đã được gia đình khắc phục hậu quả vụ án. Còn 500 tỷ đồng, ông cho biết, sau khi được đối tác thanh toán cũng sẽ nộp ngay vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chức năng. Ngoài ra, cựu Chủ tịch FLC cũng đang nhờ gia đình huy động thêm từ bạn bè, người thân.
Đại án đăng kiểm: 4 nhân viên tại Phòng VAR nhận 3,5 tỷ nhưng không bị xử lý hình sự
Sáng 24/7, Toà án nhân dân TP.HCM tiếp tục phiên xét xử 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Các bị cáo được Hội đồng xét xử thẩm vấn
Theo cáo trạng, quá trình 12 đăng kiểm viên Phòng VAR nhận tiền hối lộ từ các công ty thiết kế, khi chia tiền theo tỷ lệ đều cho 4 nhân viên văn phòng mỗi người 40.000-50.000 đồng/hồ sơ. Tổng số tiền các đăng kiểm viên đưa cho 4 nhân viên văn phòng là hơn 5,3 tỷ đồng.
Quá trình điều tra xác định, 4 nhân viên văn phòng thuộc phòng VAR, gồm: Lương Thị Minh Hậu, Phạm Thị Mai Thu, Nguyễn Thị Quỳnh Vân, Nguyễn Thị Hồng Nhung được các đăng kiểm viên Phòng VAR cho tiền.
Tuy nhiên, các cá nhân trên không tham gia bàn bạc, thống nhất việc nhận và chia tiền hối lộ với lãnh đạo Phòng VAR và các đăng kiểm viên; không biết việc các đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ của các Công ty thiết kế, không thực hiện làm sai các quy trình trong việc thẩm định hồ sơ thiết kế. Quá trình điều tra, 4 nhân viên văn phòng này đã nộp lại phần tiền các đăng kiểm viên cho. Do đó, cơ quan điều tra không xem xét xử lý hình sự các cá nhân trên.
Khởi tố đối tượng lập 1.200 hợp đồng cho vay lãi nặng, thu lời hơn 3 tỷ đồng
Ngày 24/7, Cơ quan điều tra Công an thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Quang Huy (SN 1980, trú tại phường Hồng Hà, TP. Hạ Long) để điều tra về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Qua công tác rà soát, nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện Nguyễn Quang Huy có biểu hiện nghi vấn hoạt động "tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Kết quả truy xuất dữ liệu trong tài khoản quản lý hoạt động cho vay của Huy xác định, từ tháng 3/2022 đến khi bị bắt, đối tượng này đã thiết lập 1.200 hợp đồng cho vay, với số tiền hơn 27 tỷ đồng. Người vay chủ yếu cư trú tại địa bàn TP. Hạ Long, với mức lãi suất trung bình từ 1.000 đồng/1 triệu đồng/ngày đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (tương ứng từ 36%/năm đến 180%/năm) và thu lãi số tiền hơn 3 tỷ đồng.
2 người thiệt mạng, 4 người mất tích do mưa lũ ở Sơn La
Thông tin sơ bộ bước đầu từ báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, do ảnh hưởng mưa lớn, đến 9 giờ sáng ngày 24/7, địa bàn tỉnh đã có 2 người thiệt mạng do sạt lở ở xã Chiềng Nơi và 4 người mất tích.
Ngoài ra, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa và Nghệ An cũng cho thấy bão số 2 đã gây ra thiệt hại tại các tỉnh này.
Tại Hà Nội, một người đi qua ngầm tràn bị nước cuốn trôi. Đó là ông Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1968, ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai. Chính quyền địa phương đang xác minh vụ việc và có báo cáo chính thức bằng văn bản.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hoàn lưu bão số 2 còn gây mưa lớn tại Bắc Bộ và Thanh Hóa đến hết ngày hôm nay.

Điểm nóng 24h ngày 4/7: Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết chi bao nhiêu tiền khắc phục hậu quả?
Ngày 22/7 tới, TAND TP Hà Nội sẽ xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo khác trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thao túng thị trường chứng khoán; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra tại FLC.
Nhóm cựu lãnh đạo sàn chứng khoán HOSE hầu tòa gồm: Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà, Trầm Tuấn Vũ, Lê Thị Tuyết Hằng... Ở vụ án này, phía truy tố cho rằng ông Trịnh Văn Quyết là chủ mưu theo khoản 4 Điều 174, khoản 2 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả
Ông Quyết bị truy tố bởi hai hành vi. Thứ nhất là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến việc nâng khống vốn góp chủ sở hữu tại công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên tận 4.300 tỷ đồng, sử dụng sàn giao dịch HOSE làm phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt trên 3.621 tỷ đồng.
Hành vi bị truy tố thứ hai của ông Quyết là Thao túng thị trường chứng khoán. Liên quan đến việc ông Quyết chỉ đạo người thân, cấp dưới lập 500 tài khoản chứng khoán đứng tên các cá nhân, pháp nhân tại 41 công ty chứng khoán. Từ đó, các bị cáo thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, tạo cung cầu giả với các mã chứng khoán AMD, HAI, GAB, FLC, ART và thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Điểm nóng 24h ngày 26/6: Nộp 1,1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, ông Đỗ Hữu Ca được giảm 3 năm tù
Bản tin nóng 24h, tối ngày 26/6 gồm những nội dung đáng chú ý sau đây:
Cựu giám đốc công an Đỗ Hữu Ca được giảm 3 năm tù, nộp thay 1,1 tỷ đồng để bị cáo khác khắc phục hậu quả
Sáng 26/6, tại trụ sở TAND tỉnh Quảng Ninh, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án hình sự mua bán hóa đơn, đưa - nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 6 bị cáo, trong đó cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca kháng cáo bản án 10 năm tù mà tòa sơ thẩm đã tuyên phạt.
Bị cáo Đỗ Hữu Ca được giảm án 3 năm tù tại phiên phúc thẩm
Trong đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gửi toà tối cao, bị cáo Đỗ Hữu Ca nêu: Bản thân không có ý thức chiếm đoạt 35 tỷ đồng của vợ chồng Trương Xuân Đước. Khi vợ chồng Đước mang tiền đến nhà, ông nghĩ đó là tiền gửi cất hộ, sau này để họ khắc phục hậu quả hành vi Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước. Ông Ca cho rằng, bị cáo Ngọc Anh - vợ của Trương Xuân Đước đã hiểu nhầm ý của mình mà mặc định nghĩ đó là tiền để nhờ chạy tội.
Thái Nguyên: Cháy nhà 2 tầng trong đêm, 2 vợ chồng thiệt mạng
Sáng 26/6, tại số 88 (ngõ 379, tổ 3, phường Tân Long, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu rụi ngôi nhà 2 tầng khiến 2 người thiệt mạng.
Thông tin ban đầu, khoảng 4h10 cùng ngày, khi phát hiện đám cháy tại căn nhà 2 tầng ở địa chỉ trên, người dân địa phương đã báo tin đến Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Thái Nguyên.
15 phút sau khi nhận tin báo cháy, lực lượng chức năng đã tiếp cận hiện trường, tổ chức chữa cháy. Đám cháy sau đó được khống chế, 2 người bị mắc kẹt được đưa ra ngoài đi cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh.
Căn nhà cao 2 tầng nơi xảy ra vụ cháy có diện tích xây dựng khoảng 100 m2/sàn. Công năng nhà sử dụng để ở và làm văn phòng của công ty chuyên kinh doanh sản phẩm vòng tay và hương trầm.
Trèo trạm biến áp gỡ diều, học sinh lớp 7 bị điện giật tử vong
Theo đó, khoảng 11 giờ ngày 25-6, cháu Nguyễn Nhật T. (13 tuổi, ở thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim, đang là học sinh Trường THCS Thạch Kim) đi thả diều cùng nhóm bạn.
Quá trình chơi thả diều, con diều bị vướng vào trạm biến áp Thạch Kim 2 (S:250 KVA – 22/0.4 kV) của Điện lực Lộc Hà. Cháu T. trèo lên bờ tường sát trạm biến áp, cách mặt đất hơn 2m, rồi dùng gậy bằng kim loại gỡ diều. Bất ngờ điện từ đường dây 22kV phóng xuống khiến em ngã bất tỉnh.
Khi người dân xung quanh phát hiện sự việc tổ chức ứng cứu thì cháu T. đã rơi vào tình trạng nguy kịch. Nạn nhân đã được đưa đến cơ sở y tế nhưng không qua khỏi.
Bộ Công an xác minh thông tin lộ đề thi tốt nghiệp THPT 2024
Sáng 26/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát đi thông báo khẳng định, tất cả thông tin đăng tải, lan truyền về việc lộ đề thi tốt nghiệp THPT 2024 “đều sai sự thật”.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi, đề nghị Bộ Công an hỗ trợ xác minh đối tượng đăng thông tin sai sự thật. Hiện, Bộ Công an đang tổ chức xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật” - thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ.
Để tránh gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị người dân không chia sẻ những thông tin sai sự thật nêu trên. Đặc biệt các hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, giả mạo, xuyên tạc sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

Vụ cháy tại Trung Kính: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tới hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả
Sáng 24/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội đã trực tiếp có mặt kiểm tra hiện trường, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ cháy khiến 14 người tử vong trong đêm tại ngõ Trung Kính, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, làm nhiều người tử vong.
Chia sẻ những mất mát, đau thương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và đề nghị các cấp, các ngành khẩn trương khắc phục hậu quả, dành mọi ưu tiên cứu chữa người bị thương, động viên, hỗ trợ kịp thời về vật chất, tinh thần cho gia đình người bị nạn, sớm ổn định tình hình bảo đảm cuộc sống cho người dân.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội đã trực tiếp có mặt kiểm tra hiện trường (ảnh: TTXVN)
Phó Thủ tướng biểu dương các lực lượng chức năng, cùng đông đảo bà con nhân dân và chính quyền địa phương đã khẩn trương cứu nạn, cứu hộ, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Đồng thời Phó Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an, chính quyền địa phương các cấp, các lực lượng chức năng tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.