Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): Lý giải hạn chế của kinh tế Việt Nam và giải pháp thúc đẩy
Theo thông cáo báo chí của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2022, kinh tế Việt Nam đã hồi phục mạnh sau đại dịch nhờ các yếu tố nền tảng kinh tế mạnh mẽ và quản lý y tế công thận trọng trong đại dịch. Tăng trưởng GDP đạt mức cao kỷ lục là 8% - cao nhất kể từ những năm 90, nhờ vào nhu cầu trong nước và nước ngoài mạnh mẽ. Lạm phát trung bình được giữ ở mức 3,2%, thấp hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu (4%), mặc dù sức ép giá cả tăng lên trong năm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra Thông cáo báo chí về Tham vấn Điều IV năm 2023 với Việt Nam. |
Tuy nhiên, cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023, căng thẳng tài chính tại các doanh nghiệp phát triển bất động sản xuất hiện và chịu ảnh hưởng do nhu cầu nước ngoài sụt giảm.
Nguyên nhân là vì các điều kiện cho vay thắt chặt hơn, những rào cản pháp lý và doanh số bán hàng chậm lại, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng khi các nhà đầu tư mất lòng tin. Sức ép tỷ giá gia tăng trong cả năm 2022 khi lãi suất toàn cầu tăng mạnh, một ngân hàng khá lớn trong nước bị rút tiền gửi hàng loạt vào tháng 10 năm 2022 và bị đặt dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Vì vậy, để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, bảo vệ sự ổn định tài chính vĩ mô và thúc đẩy cải cách sâu rộng cần tiếp tục tăng cường năng lực.
Các Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng khuyến nghị cần củng cố khuôn khổ tài khóa và quy trình lập ngân sách và tăng huy động thu ngân sách trong trung hạn để hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đầy tham vọng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần củng cố các đệm vốn, xóa bỏ dần các quy định cho phép gia hạn nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ và xử lý nợ xấu đang gia tăng để tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tài chính. Về phía các cơ quan chức năng, họ cần tăng cường các khuôn khổ xử lý ngân hàng, cấp thanh khoản khẩn cấp sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng đang diễn ra.
Một vài chỉ số kinh tế chọn lọc của Việt Nam. Ảnh chụp màn hình |
Thêm nữa, để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi thành quốc gia có thu nhập trung bình sẽ đòi hỏi nỗ lực hơn nữa nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện cơ sở hạ tầng trọng yếu và đầu tư vào nguồn vốn con người.
Cuối cùng, các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục tăng cường quản trị, cải thiện khuôn khổ phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT) cũng như đơn giản hoá khuôn khổ quy định pháp lý; đồng thời kiểm soát hiệu quả rủi ro lạm phát, cần tiếp tục thận trọng trong bối cảnh phức tạp và dư địa chính sách còn hạn chế.