Phòng ngừa tham nhũng, Bộ Tài chính luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác gần 5.700 người
PV GAS tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực 6 tháng, các địa phương khởi tố mới 444 vụ án, 1.003 bị can về tham nhũng |
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 (báo cáo từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/7/2024). Theo báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tiêu cực, góp phần xây dựng một nền hành chính trong sạch, minh bạch.
Một trong những điểm nhấn nổi bật trong báo cáo là việc Bộ Tài chính đã tích cực cắt giảm các thủ tục hành chính. Việc rà soát, đánh giá và bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Song song với việc cắt giảm thủ tục hành chính, Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ để kịp thời ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành. Qua đó, nhiều vụ việc vi phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời, góp phần nâng cao tính kỷ luật, kỷ cương hành chính trong toàn ngành.
Việc rà soát, đánh giá và bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh minh họa |
Để phòng ngừa tham nhũng một cách hiệu quả, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức. Bộ Tài chính đã thực hiện luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác, điều động công chức, viên chức. Theo đó, trong kỳ báo cáo, Bộ Tài chính đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 5.671 người (Tổng cục Hải quan 1.176 người; Tổng cục Thuế 3.347 người; Kho bạc Nhà nước 681 người; Tổng cục Dự trữ Nhà nước 30 người). Việc luân chuyển cán bộ thường xuyên không chỉ giúp phòng ngừa tình trạng tham nhũng mà còn tăng cường hiệu quả công tác.
Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ và các đơn vị thuộc Bộ được giao thực hiện thanh tra chuyên ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban chỉ đạo. Đẩy mạnh đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra. Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo và Ban cán sự đảng Bộ Tài chính.
Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết: “Để có được kết quả này, ngoài việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Tài chính đã luôn thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như: Thuế, Hải quan; công tác tổ chức cán bộ; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm; công khai số liệu về nợ công; thanh tra, kiểm tra…”
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách hành chính toàn diện gắn với phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng tại Bộ Tài chính vẫn còn những thách thức cần phải vượt qua. Việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng tại một số đơn vị vẫn chưa đồng đều.
Những nỗ lực của Bộ Tài chính trong công tác phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng một nền hành chính trong sạch, minh bạch. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành và sự vào cuộc của toàn xã hội.
Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm đề xuất, bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện. Từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/7/2024, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động đối với 23 thủ tục hành chính tại 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định. Rà soát và ban hành 11 quyết định công bố bãi bỏ 45 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 51 thủ tục hành chính; công bố mới 15 thủ tục hành chính. Đến ngày 31/7/2024, tổng số thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 763 thủ tục. |