Phát triển thương mại tại Quảng Ninh: Hiện đại hóa hạ tầng số
Kinh tế Quảng Ninh: Đột phá trên nhiều lĩnh vực, nằm trong top đầu cả nước Quảng Ninh: Công nghiệp văn hóa có tiềm năng lớn Quảng Ninh thu hút nhiều dự án FDI có chọn lọc |
Xác định thương mại điện tử là nền tảng để phát triển trong thời kỳ hội nhập, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện các bước để mở cánh cửa tiến đến phát triển bền vững. Đặc biệt, với ngành Công Thương Quảng Ninh, phát triển hạ tầng thương mại luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng. Nhận thức được điều đó, thời gian qua, hệ thống chợ, trung tâm thương mại và siêu thị tại Quảng Ninh phát triển tương đối nhanh, góp phần đẩy mạnh hoạt động trao đổi, giao lưu hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Đoàn công tác Sở Công Thương kiểm tra điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Ảnh Quangninh.gov.vn |
Theo đánh giá của Sở Công Thương Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh đã phát triển 135 chợ, 26 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 139 cửa hàng tiện lợi, 25 trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP; 6 kho, 223 cửa hàng xăng dầu. Các siêu thị và trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hàng hóa đa dạng, phong phú, bảo đảm chất lượng…
Đặc biệt, việc đầu tư phát triển thương mại điện tử gắn với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã và đang được ngành Công Thương triển khai phát triển đồng bộ. Theo số liệu Cổng thông tin điện tử về quản lý cơ sở dữ liệu đăng ký, thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử của Bộ Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 148 website về thương mại điện tử. Trong đó, 143 website có chức năng bán hàng và 5 website có chức năng là sàn giao dịch. Đến nay, đã đưa 267 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 - 5 sao lên các sàn. Riêng Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh (http://teqni.gov.vn) đang giới thiệu 383 sản phẩm OCOP, trong đó có 172/336 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Để thúc đẩy xúc tiến, thương mại sản phẩm OCOP, sàn thương mại điện tử mới ở địa chỉ: http://ocop.com.vn đã được đưa vào chạy thử để hoàn thiện các tính năng thương mại mới.
Đồng thời, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, từ ngày 9 đến 20/10, Sở Công Thương Quảng Ninh thành lập đoàn công tác thực hiện rà soát, đánh giá một số loại hình hạ tầng thương mại tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ; cơ sở thu mua nông, thủy sản, đặc sản địa phương; các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP hiện có trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đoàn công tác Sở Công Thương sẽ làm việc, rà soát tại 12/13 địa phương. Nội dung rà soát gồm: Đánh giá tình hình hoạt động, quản lý, kinh doanh một số loại hình hạ tầng thương mại; hoạt động của các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; tiếp thu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành, hoạt động; kiểm tra thực tế tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ…
Thông qua việc rà soát sẽ góp phần kịp thời cập nhật cơ sở dữ liệu đối với một số loại hình hạ tầng thương mại (Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ) và các cơ sở thu mua nông, thủy sản, đặc sản địa phương. Kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP hiện có. Nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, khả năng cung ứng thị trường và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của các cơ sở, từ đó đề xuất giải pháp quản lý, khắc phục, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Hướng dẫn, tuyên truyền các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý.
Thời gian tới Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết: Sở sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai các kịch bản phát triển hạ tầng thương mại, hạ tầng số trong các lĩnh vực của ngành quản lý; ưu tiên triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, triển khai rộng rãi hệ thống tự động hóa, nhằm tạo nền tảng vững chắc, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, khai thác tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại để phát triển sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.