Phạm Nhật Vượng - Từ “vua mì gói” Ukraina đến ông chủ Vingroup giàu nhất Việt Nam
Vingroup khởi công xây dựng tổ hợp Vincom tại Kiên Giang Vingroup khai trương quần thể du lịch nghỉ dưỡng tại Vịnh Hạ Long |
Phạm Nhật Vượng được biết đến là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup – Một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam. Sau những thành công của VinFast, ông Phạm Nhật Vượng tiến quân vào thị trường xe ôm công nghệ, đón đầu xu hướng của Việt Nam trong những năm sắp tới.
Khởi nghiệp “trái ngành” – Ông vua “thức ăn chế biến”
Phạm Nhật Vượng sinh ngày 5/8/1968 tại Hà Nội, quê gốc Hà Tĩnh. Cha của ông chiến đấu trong lực lượng Phòng không Không quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại chiến trường miền Bắc. Mẹ ông có một quán trà nhỏ. Sau ngày đất nước thống nhất, tình hình kinh tế khó khăn khiến gia đình ông chỉ dựa được vào thu nhập ít ỏi của người mẹ: "Ước mơ của tôi lúc đó đơn giản lắm, tôi chỉ muốn kiếm tiền để hỗ trợ gia đình mình", ông Vượng chia sẻ.
Ông là cựu sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội, nhờ thành tích xuất sắc trong môn Toán, ông được học bổng du học ở trường Đại học Thăm dò địa chất Liên bang Nga.
Ngay từ năm thứ 3 đại học ông đã bắt đầu kinh doanh. Ông thuê một phòng trong DOM 5 để bán hàng, sau đó mở nhà hàng, rồi nhập hàng từ Việt Nam để bán, tiếp đó buôn áo gió (áo ấm mùa đông), lúc đầu kiếm được nhiều tiền nhưng sau thị trường thay đổi, thiếu kinh nghiệm nên phá sản.
Chân dung doanh nhân Phạm Nhật Vượng (nguồn cafebiz) |
Năm 1993, Phạm Nhật Vượng tốt nghiệp Đại học và kết hôn với bà Phạm Thu Hương. Lúc này Liên Xô vừa sụp đổ đang rơi vào hỗn loạn, xuất hiện nhiều cơ hội kinh tế. Ở Việt Nam thì đang thực hiện Đổi Mới. Hai vợ chồng quyết định không về nước mà chuyển tới sống ở Kharkiv, Ukraina. Ông và bà Hương mở một nhà hàng Việt Nam tên là Thăng Long, ở Kyiv, Ukraina.
Ngày 8/8/1993, Phạm Nhật Vượng bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền với thương hiệu "Mivina" Hoạt động kinh doanh của ông tại Ukraina diễn ra rất thuận lợi. Đến năm 1995, thương hiệu mỳ "Mivina" bắt đầu xuất hiện trên thị trường rồi nhanh chóng trở thành tên thương hiệu cho hầu hết các thực phẩm ăn liền ở Ukraina.
Mong muốn thế giới biết đến một Việt Nam trí tuệ, đẳng cấp
Bước đột phá của ông Vượng bắt đầu từ những năm đầu thiên niên kỷ khi ông quyết định chuyển dần lượng tiền kiếm được ở xứ người về đầu tư cho các dự án ở Việt Nam với một nỗ lực tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững ngay trên quê hương mình.
“Tôi mơ ước sẽ biến những con phố của Hà Nội và Sài Gòn trở nên sầm uất như Hong Kong hay Singapore” ông từng nói.
Địa điểm đầu tiên mà ông chọn là Nha Trang với ý tưởng biến hòn đảo nhỏ gần bờ trên vịnh Nha Trang thành trung tâm nghỉ mát sang trọng. Và thế là Vinpearl Resort Nha Trang ra đời với 225 phòng khách sạn.
Năm 2010, công ty Nestle S.A của Thụy Sĩ đã mua lại công ty sản xuất đồ ăn nhanh Công ty trách nhiệm hữu hạn Technocom của ông Phạm Nhật Vượng với giá 150 triệu USD. Vào thời điểm đó, ông Vượng còn sở hữu 2 nhà máy ở Kharkiv với doanh thu khoảng 100 triệu USD/năm.
Ông Vượng đổi tên Tập đoàn Technocom thành tập đoàn Vingroup, chuyển trụ sở từ Kharkov về Hà Nội; kể từ đó tập trung toàn lực đầu tư cho các dự án Việt Nam. Tính đến hiện tại, ông đã cho ra mắt nhiều thương hiệu và công ty trực thuộc tập đoàn như: Vincom, Vinhomes, Vinpearl, Vinmec, Vinschool, Vinfast, VinEco...
Tỉ phú đô la Mỹ đầu tiên của sàn chứng khoán Việt Nam
Phạm Nhật Vượng được xem là tỷ phú đô la Mỹ đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam từ ngày 7 tháng 3 năm 2011 với giá trị tài sản lên đến khoảng 21.200 tỷ đồng Việt Nam tương đương 1 tỷ đô la Mỹ tại thời điểm đó.
Trước đó vào năm 2010, Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất trên TTCK Việt Nam với số tài sản gần 15.800 tỷ đồng.
Ông được tạp chí Forbes nêu tên trong danh sách tỷ phú thế giới lần đầu tiên vào năm 2013 ở vị trí 974 thế giới với tài sản 1,5 tỷ đô la Mỹ (Theo Forbes 3/2013), năm 2016 là 2,1 tỷ USD (Theo Forbes 3/9/2016)
Theo Forbes, tính đến đầu tháng 6 năm 2021, tài sản của Phạm Nhật Vượng có giá trị 8,7 tỷ USD, đứng thứ 273 trong số các tỷ phú thế giới tính theo thời gian thực.
Vào tháng 4/2023 theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu khối tài sản ròng có giá trị 4,6 tỉ USD, đứng thứ 586 trên thế giới.
Phạm Nhật Vượng – Tỷ phú chứng khoán đầu tiên |
Hiện nay, tập đoàn Vingroup không chỉ phát triển tại thị trường Việt Nam mà còn vươn ra thị trường quốc tế như Mỹ với việc phát triển VinFast.
“Tôi có mong muốn cháy bỏng là xây dựng được một thương hiệu Việt Nam có đẳng cấp và nổi tiếng trên thế giới, giúp con cháu sau này có thể tự hào về đất nước, về dân tộc của mình và qua đó truyền cảm hứng cho các thệ hệ trẻ. Vingroup sau một thời gian dài dấn thân, miệt mài phấn đấu đã có được những điều kiện ban đầu để bắt tay vào việc này. Hơn thế nữa, hiện nay tất cả các thành viên của Vingroup đều thể hiện quyết tâm và mong muốn được đóng góp toàn bộ trí lực để thực hiện thành công sứ mệnh này”, tạp chí Forbes dẫn lời ông chủ VinFast.
Đón đầu xu thế, tạo ra những giá trị ở tương lai
Hôm 17/7, fanpage Facebook của GSM (CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh) – công ty do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập – đăng bài thông báo mục tiêu trong năm 2023 là đưa dịch vụ taxi điện cập bến 27 tỉnh, thành phố.
Tháng trước, CEO công ty GSM Nguyễn Văn Thanh cũng đăng bài chia sẻ về khả năng mở dịch vụ xe ôm công nghệ bằng xe máy điện. Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về tỷ lệ sở hữu xe máy, ước tính hơn 42 triệu chiếc (bao gồm cả những xe không còn lưu hành). Mỗi năm thị trường Việt Nam lại tiêu thụ thêm 3 triệu xe và phần lớn trong đó là xe máy xăng.
Trên thực tế, giao hàng bằng xe máy điện được đánh giá là xu hướng có tiềm năng phát triển trên toàn cầu. Theo tờ Guardian, ngày càng nhiều công ty bắt đầu cung cấp dịch vụ chở khách và vận chuyển hàng hóa bằng xe máy điện.
Xe máy điện được đánh giá là sở hữu nhiều lợi thế so với các phương tiện truyền thống khác. Chúng có thể di chuyển nhanh hơn qua những đường đông đúc trong thành phố. Điều này đồng nghĩa với việc giao hàng nhanh hơn tới 60% so với một số loại xe tải.
Quan trọng hơn cả, xe máy điện sạch hơn đáng kể khi giúp tiết kiệm 90% lượng khí thải carbon, không gây tiếng ồn lớn và giảm tắc nghẽn giao thông nhờ thiết kế gọn nhẹ. Trải nghiệm của khách hàng cũng được nâng cao.
Trong bối cảnh xăng dầu leo thang, việc cân đối lợi nhuận của các doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ giao hàng trở nên khó khăn hơn. Theo đó, giao hàng bằng xe điện là giải pháp được nhiều người lựa chọn với hàng loạt những lợi ích như động cơ bền bỉ, tính năng thông minh và đặc biệt không bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu.
Cho đến thời điểm hiện tại tuy có nhiều doanh nhân cũng đang ngày càng nổi tiếng với khối tài sản khổng lồ hay những thành tích đáng nể được tạo ra, nhưng tất cả vẫn chưa thể xóa bỏ được “ngôi vị” đứng đầu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.