Nới room tín dụng: Doanh nghiệp thận trọng tính toán lãi suất
Doanh nghiệp sản xuất cân nhắc, doanh nghiệp bất động sản “thèm”
Mặc dù bước vào cuối năm, song ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong (Châu Thành, Bến Tre) cho biết, so với năm ngoái, năm nay đơn hàng sụt giảm hơn. Chính vì vậy, dù hạn mức tín dụng còn, song Công ty không có ý định vay thêm.
“Theo tôi, thời điểm này, các doanh nghiệp chỉ vay vốn lưu động ngắn hạn khi có đơn hàng, còn vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng cao là không khả thi”, ông Thuật cho biết.
Nhiều dự án bất động sản bị đình trệ do chủ đầu tư khó tiếp cận vốn |
Nhận xét về sự thận trọng của doanh nghiệp, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+ cho rằng, bên cạnh mở room tín dụng, thì phải giảm lãi suất, nếu không doanh nghiệp sẽ không dám vay, trừ khi có những kế hoạch kinh doanh thật khả quan. Theo ông Hoàng, giai đoạn phòng thân này còn kéo dài thêm 1-2 quý, đến khi lạm phát của Mỹ dần rõ nét hơn.
Trong khi doanh nghiệp sản xuất “chê” lãi suất cao, thì doanh nghiệp bất động sản vẫn “thèm” vốn khi các kênh tiếp cận vốn đều đang bế tắc. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, room tín dụng được nới sẽ làm giảm bớt áp lực với tổ chức tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù vậy, nhìn chung, việc tiếp cận vốn với doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn sẽ rất khó khăn, vì các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp trên thị trường không nhiều.
Thực tế, các kênh tiếp cận vốn chính của doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc. Tín dụng bất động sản nửa cuối năm nay hầu như không tăng. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục đóng băng, nhất là với khối doanh nghiệp bất động sản. Riêng 11 tháng đầu năm, phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh nghiệp phải mua lại tới 164.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 11/2022, các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đã chủ động mua lại 3.960 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Trên thực tế, cùng với quyết định nới room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định thông điệp chỉ rót vốn vào lĩnh vực ưu tiên. Với bất động sản, NHNN chỉ khuyến khích các ngân hàng rót vốn vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ nhu cầu thực.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay, sẽ khó có chuyện các ngân hàng được cấp room tín dụng lại “tuồn vốn” cho vay bất động sản, bởi tín dụng ngân hàng đang chịu sự giám sát chặt chẽ của NHNN. Bên cạnh đó, kết quả cho vay lĩnh vực ưu tiên, ổn định lãi suất thời gian này của các ngân hàng thương mại cũng là cơ sở để NHNN cấp room tín dụng cho năm 2023, nên các ngân hàng cũng phải hết sức thận trọng trong việc chọn danh mục cho vay.
Thực tế, trong bối cảnh hiện nay, theo ông Hùng, không phải ngân hàng, mà bản thân doanh nghiệp cũng hết sức cân nhắc khi vay vốn, bởi tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái, đơn hàng lao dốc.
“Các doanh nghiệp lúc này nên rà soát, cơ cấu lại danh mục kinh doanh, co gọn danh mục, duy trì sản xuất ổn định, thay vì mở rộng đầu tư để tránh rủi ro. Bản thân các ngân hàng cũng phải rất thận trọng khi mở rộng tín dụng, phải căn cứ vào nguồn vốn, chất lượng tín dụng, nợ xấu… của mình để đảm bảo an toàn của chính mình và của cả hệ thống”, ông Hùng phân tích.
Quyết định nới room tín dụng giúp giảm bớt áp lực thị trường trái phiếu, song việc tiếp cận vốn với doanh nghiệp bất động sản vẫn rất khó khăn |
Với các biện pháp nới room, bơm thêm thanh khoản cho hệ thống gần đây của NHNN, các chuyên gia cho rằng, các lĩnh vực sản xuất ưu tiên sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận vốn cuối năm. Tuy nhiên, với doanh nghiệp bất động sản, khó khăn sẽ còn kéo dài hơn. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải bán bớt tài sản, dự án để tự cứu dòng tiền, trả nợ cho trái chủ, lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư.
Nới room tín dụng, NHNN chỉ đạo các ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ… Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ đạo quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ nhu cầu thực của người dân. Từ trước đến nay, NHNN luôn coi đây là một trong những lĩnh vực quan tâm và vẫn chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn. - Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú |
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, quan điểm của Hiệp hội là không giải cứu thị trường bất động sản hay doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, cần có phải điều chỉnh cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết; doanh nghiệp bất động sản chủ động tái cấu trúc, giảm giá nhà tương đối và thực chất; đi đôi với xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu, để doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.
Theo ông Châu, hiện nay, việc chuyển nhượng dự án bất động sản “đắp chiếu” rất khó khăn. Vì vậy, ông Châu đề nghị, tại Kỳ họp Quốc hội bất thường tới đây, vấn đề này sẽ sớm được tháo gỡ. Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách “cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi” để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn (tương tự như cơ chế của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng).
Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế, mấu chốt để gỡ vốn cho thanh khoản thị trường nói chung cũng như thị trường bất động sản hiện nay là gỡ ngòi nổ trái phiếu doanh nghiệp. Thời gian qua, Chính phủ đã lập Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP, nếu cần thiết.
Năm 2023, có hơn 300.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBS) cho rằng, chưa tính tới doanh nghiệp bất động sản không huy động được vốn mới, mà chỉ riêng trách nhiệm trả nợ gốc và lãi trái phiếu cũ đã là áp lực. Tình hình còn khó khăn hơn khi người mua vẫn không chịu “xuống tiền”, tiếp tục chờ đợi giá nhà giảm, trong khi tín dụng bất động sản vẫn tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ.
Trước mắt, để khơi thông dòng tiền, để doanh nghiệp bất động sản có thể sống được, chuyên gia này cho rằng, cần sự vào cuộc của NHNN hoặc Bộ Tài chính, còn nếu trông chờ vào nhà đầu tư cá nhân thì sẽ mất nhiều năm nữa.