Những điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Quản lý thuế
Sửa đổi Luật quản lý thuế Luật Quản lý thuế: Sửa đổi 10 nhóm nội dung Đề xuất mở rộng đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh trong Luật Quản lý thuế |
Sau hơn 4 năm đi vào thực tiễn, Luật Quản lý thuế 2019 (Luật Quản lý thuế 38) đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Nhận thức được điều này, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và đảm bảo công bằng xã hội.
Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều luật quan trọng, trong đó có Luật Quản lý thuế. Dự thảo này tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung 14 Điều trên tổng số 152 Điều của Luật Quản lý thuế hiện hành, với mục tiêu giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.
Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Ảnh: LawNet |
Về công tác quản lý nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi có 2 nội dung cần lưu ý:
Sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 66 về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh. Luật Quản lý thuế số 38 quy định đối tượng phải hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh là “Người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế”, dự thảo Luật sửa đổi lần này quy định rõ hơn về đối tượng tại điểm này như sau: “Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế”.
Để đảm bảo thu kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung khoản 3 Điều 125 về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo hướng: Người nộp thuế nợ thuế có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn thì cơ quan thuế có thể lựa chọn áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế phù hợp trong 7 biện pháp cưỡng chế để kịp thời thu tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội thông qua mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế, cụ thể:
Đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 42 về nguyên tắc khai thuế, tính thuế. Tại Luật Quản lý thuế số 38 đang quy định hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
Dự thảo Luật sửa đổi lần này đã bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam”. Như vậy, nhà cung cấp nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam không phân biệt có cơ sở thường trú hay không có cơ sở thường trú tại VN đều phải kê khai, nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Để cải cách thủ tục hành chính; tập trung đầu mối kê khai; đáp ứng việc kê khai, nộp thuế phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) hoặc các tổ chức khác thì có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Dự thảo Luật cũng bổ sung thêm quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác. Nội dung này dự thảo Luật giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện.