Nhiều điểm sáng trong dạy và học Ngoại ngữ tại Việt Nam
Hà Nội yêu cầu quản lý chặt các trung tâm ngoại ngữ Chứng chỉ ngoại ngữ: Xu thế sử dụng 'hàng nội' Hà Nội: Sẽ chỉ thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ vào lớp 10 |
Ngày 27/12, Hội thảo công bố báo cáo thường niên 2023 với chủ đề “Dạy và học Ngoại ngữ tại Việt Nam” đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội thảo đã chỉ ra nhiều điểm sáng Việt Nam đạt được trong quá trình dạy và học Ngoại ngữ cũng như một số hạn chế.
Theo đó, trong 10 năm trở lại đây, việc triển khai dạy và học Ngoại ngữ tại Việt Nam phát triển nhanh chóng, đặc biệt là các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi.
Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bộ GD&ĐT |
Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Lê Anh Vinh cho biết: "Cùng với việc phát triển về quy mô thì chất lượng trong việc dạy và học Ngoại ngữ cũng tăng lên, thể hiện ở sự đa dang, phong phú trong cách người học, người dạy tiếp cận".
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Bộ GD&ĐT |
Tuy nhiên, việc dạy và học Ngoại ngữ vẫn còn những bất cập cần được xử lý, giải quyết. Giáo sư Lê Anh Vinh chia sẻ thêm: "Tại Việt Nam vẫn còn thiếu các giáo viên Ngoại ngữ, chất lượng của đội ngũ giảng dạy Ngoại ngữ còn hạn chế; có những khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học…".
Tại hội thảo, theo bbáo cáo thường niên 2023 về “Dạy, học Ngoại ngữ tại Việt Nam” cho thấy nhiều phương pháp đã được sử dụng trong môn Ngoại ngữ. Hầu hết học sinh cho rằng giáo viên đã sử dụng phương pháp trong dạy và học đa dạng ở mức cao và rất cao. Kết quả cũng cho thấy sự khác biệt nhỏ giữa các trường về mức độ đa dạng cao của phương pháp đã được sử dụng trong dạy và học ngoại ngữ. Không những vậy, qua khảo sát cho thấy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với môn Ngoại ngữ đã khơi gợi cho học sinh sự hứng thú (đặc biệt với học sinh tiểu học).
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc xây dựng, ban hành chương trình các môn ngoại ngữ theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Theo đó, chương trình môn Tiếng Anh được thiết kế nhằm tạo sự liên thông, liền mạch trong quá trình dạy - học tiếng Anh trong toàn bộ hệ thống, từ lớp 1 đến lớp 12. Việc triển khai theo lộ trình dần dần thay thế các chương trình dạy ngoại ngữ hiện có.
Tính đến thời điểm hiện tại, Chương trình môn Tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10 trên 63 tỉnh/ thành.
Bên cạnh đó, việc triển khai thí điểm hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh ngày càng tăng. Đến năm học 2022-2023 đã có 53/63 địa phương triển khai.
Căn cứ kết quả rà soát, đánh giá năng lực đội ngũ giáo viên tiếng Anh cấp học phổ thông và hoạt động bồi dưỡng năng lực cho giáo viên tiếng Anh tại các địa phương, đến năm học 2022-2023, số giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ để triển khai chương trình ngoại ngữ mới là 84%. Trong đó, cấp tiểu học là 84%, trung học cơ sở là 87%, trung học phổ thông là 77%.