Nhiều chính sách miễn giảm gia hạn thuế phí quy mô gần 200 nghìn tỷ đồng
160.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi thuế, phí Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí Bộ Tài chính giảm các loại thuế phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân |
Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, năm 2023, kết quả thu ngân sách Nhà nước đạt 1,69 triệu tỷ đồng và tăng 4,5% so với dự toán. Trong đó, ngân sách Trung ương tăng 4,6%, ngân sách địa phương tăng 4,4%. Về cơ cấu, thu nội địa tăng 5,7%, thu dầu thô đạt tăng 44,6%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 92,1% dự toán.
Nhiều chính sách miễn giảm thuế phí quy mô gần 200 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Xác định 2023 là một năm nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp trong nước và ngoài nước đồng thời đảm bảo nguồn lực hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, các cân đối lớn, an ninh-quốc phòng, an sinh xã hội.
Từ đầu năm, Bộ Tài chính tích cực rà soát các nguồn thu, tăng cường quản lý thu các lĩnh vực, ngành hàng, địa bàn trọng điểm, hoạt động thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, chuyển nhượng bất động sản, rà soát giá tính thuế bất động sản để sát giá thị trường...
Đặc biệt, ngành quán triệt phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân. Ước tính năm 2023, tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng (trong đó miễn, giảm khoảng 78,4 nghìn tỷ đồng, gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng).
Đại diện Bộ Tài chính chia sẻ đã chỉ đạo quyết liệt công tác thu trong những ngày còn lại của năm, phấn đấu thu đạt mức cao nhất, góp phần đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán, dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương, xử lý các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh, tăng chi cho đầu tư phát triển.
Về chi ngân sách nhà nước, ước đến ngày 31/12, chi đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 144 nghìn tỷ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022; Chi thường xuyên ước đạt 90,3% dự toán, đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ các khoản nợ đến hạn, kinh phí thực hiện cải cách tiền lương từ 01/7/2023 (đã dành khoảng 470 nghìn tỷ đồng của ngân sách các cấp để thực hiện cải cách chính sách tiền lương), thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương các cấp được đảm bảo. Lũy kế đến ngày 25/12/2023, đã phát hành được 296,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 74,2% kế hoạch năm; kỳ hạn phát hành bình quân 12,54 năm, lãi suất bình quân 3,21%/năm, góp phần bù đắp bội chi và trả nợ các khoản nợ gốc ngân sách trung ương đến hạn.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu. Từ tháng 7/2023, đã chính thức vận hành Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, qua đó đã góp phần tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tăng cường công khai, minh bạch, cảnh báo rủi ro trên thị trường.
Đến 25/12/2023, đã có 78 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng 245,9 nghìn tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022); khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 230,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cả năm 2022. Về cơ cấu nhà đầu tư, chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức chiếm 93,2% (trong đó các Ngân hàng thương mại chiếm 54,5%), các nhà đầu tư cá nhân mua 6,8%.