Nguồn cung tăng mạnh từ Argentina, giá ngô và đậu tương suy yếu
Lực mua có thể sẽ chiếm ưu thế trên thị trường ngô phiên cuối tuần Phe bán chiếm ưu thế trên thị trường nông sản, giá dầu WTI duy trì đà tăng Giá ngô chịu nhiều áp lực giảm, nguyên nhân do đâu? |
Kết phiên 1/2, hầu hết các mặt hàng nông sản đóng cửa trong sắc đỏ. Lúa mì tiếp tục là mặt hàng nông sản đáng chú ý nhất trong phiên vừa rồi, khi đi ngược với xu hướng giảm chung của cả nhóm. Trong khi đó, giá ngô và đậu tương quay đầu suy yếu, chấm dứt đà hồi phục chỉ kéo dài trong vòng 2 ngày, trong bối cảnh nguồn cung tăng mạnh từ Argentina.
Văn phòng CIARA-CEC cho biết, kim ngạch xuất khẩu ngũ cốc của Argentina đạt 1,25 tỷ USD trong tháng 1, tăng 25% so với tháng 12/2023 và cao hơn 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán hàng tăng vọt trong tháng vừa rồi là nhờ sự thúc đẩy từ chính sách thay đổi tỉ giá đã khiến đồng Peso mất giá hơn 50%, từ đó làm tăng động lực bán hàng của nông dân Argentina. Như vậy, các lô hàng giá rẻ từ nhà cung cấp ngô và đậu tương lớn thứ 3 toàn cầu được đẩy mạnh ra thị trường quốc tế đã gây áp lực đến nguồn cung từ Mỹ.
Ở chiều ngược lại, báo cáo Export Sales tối qua cho biết, khối lượng bán hàng ngô niên vụ 2023/24 của Mỹ đã tăng 26,4% so với tuần trước đó, đạt hơn 1,2 triệu tấn. Điều này phản ánh nhu cầu quốc tế đối với ngô Mỹ đã có dấu hiệu cải thiện. Đây là yếu tố đã đã phần nào hỗ trợ và giúp hạn chế đà giảm của giá ngô trong phiên vừa rồi.
Khác với ngô, theo báo cáo, Mỹ chỉ bán được 164,745 tấn đậu tương trong tuần trước, giảm 71% và thấp hơn nhiều so với dự đoán của thị trường. Doanh số bán hàng thất vọng đã mang đến triển vọng xuất khẩu kém khả quan của Mỹ trong niên vụ hiện tại, và củng cố lực bán đối với đậu tương trong phiên tối qua.
Lúa mì hợp đồng tháng 3 đóng cửa ghi nhận mức hồi phục hơn 1%, bất chấp doanh số bán hàng lúa mì Mỹ tiếp tục giảm mạnh gần 30% trong tuần vừa rồi. Bên cạnh lực mua kỹ thuật ở vùng giá 590, việc nguồn cung từ Nga bị gián đoạn trong ngắn hạn cũng góp phần hỗ trợ tới giá trong phiên vừa rồi.
Cụ thể, theo Rusagrotrans, xuất khẩu lúa mì của nước này trong tháng 1 đã giảm 13% so với mức 4,26 triệu tấn cùng kỳ năm 2023. Trung tâm phân tích cho rằng, điều này sẽ giúp duy trì tồn kho lúa mì ở mức cao và tăng lượng xuất khẩu trong những tháng mùa xuân, khi điều kiện thời tiết sẽ thuận lợi hơn cho việc vận chuyển ngũ cốc ở các cảng biển.