Người nghệ sĩ - đừng để “chết” vì quảng cáo sai sự thật
Trang phục biểu diễn của nghệ sĩ: Phong cách hay chiêu trò? Những lần "vạ miệng hại thân" của nghệ sĩ Việt |
Mới đây nhất một nghệ sĩ vừa đứng tuổi vừa có tên tuổi ở phương Nam đã phải lên báo chí xin lỗi về những show quảng cáo liên quan đến nhãn sữa. Cứ như nội dung quảng cáo thì đúng là nhãn sữa này tất cả mọi người đều cần uống, đều phải uống bởi có thể “chữa” được một số bệnh!
Cuối cùng thì “sữa” vẫn chỉ là sữa trong khi trách nhiệm của một số cơ quan kể cả kênh truyền hình chính thống làm bình phong và làm nền cho show quảng cáo này vẫn bình chân như vại và rất có thể, nằm im đợi dư luận lắng xuống để có tiếp tục hoạt động cho các nhãn hàng khác trong tương lai.
Trong khi nhiều nước các nghệ sĩ nổi tiếng nói riêng và những cá nhân được mệnh danh là “người của công công chúng” đã dần xa rời hoạt động này thì ở Việt Nam nhiều nghệ sĩ vẫn xuất hiện nhan nhản trong các clip quảng cáo trên truyền hình, kể cả các kênh truyền hình trả tiền.
Có người bảo, pháp luật ta không cấm nghệ sĩ “kết duyên” với truyền hình, với quảng cáo thì cứ để họ hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo khi nhiều bên cùng có lợi, nhà đài có thêm tiền chi trả phát sóng, nghệ sĩ có thêm thu nhập, sản phẩm dễ đến với người tiêu dùng.
Vấn đề là ở chỗ nhiều sản phẩm hoàn toàn không “thần kỳ” như lời hô tiếng hét của người nghệ sĩ trong clip quảng cáo. Chưa nói đến nhiều sản phẩm có nội dung quá lố, phản khoa học thậm chí là khiến cho người xem hiểu sai, sản phẩm mất đồng tiền bát gạo bỏ ra không xứng đáng. Thậm chí có trường hợp có sản phẩm chưa có giấy phép kiểm tra, cho phép lưu hành của cơ quan chức năng vẫn được tung hô lên tận mây xanh.
Việc nhiều nghệ sĩ tham gia quảng cáo tràn lan các sản phẩm đã gây khó cho các cơ quan quản lý chức năng. Ảnh minh hoạ |
Cũng có cả nghệ sĩ còn công nhiên nói “thực ra với tôi, đã là quảng cáo thì thổi phồng là chuyện bình thường, nói quá lên một tí cũng không sao”. Món hời của một clip là không nhỏ khi chỉ xuất hiện ngót chục phút, người nghệ sĩ đã có thể đút túi 30 – 40 triệu đồng.
Rồi thì cho rằng, chất lượng sản phẩm ra sao, nội dung quảng cáo như thế nào không phải trách nhiệm của người nghệ sĩ mà là trách nhiệm của nhãn hàng và cơ quan chức năng.
Câu chuyện về quảng cáo thực phẩm chức năng thời gian qua là một ví dụ điển hình. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi từ bắc vào nam bị cuốn theo trào lưu lên sóng để giới thiệu, “lăng xê” các loại thực phẩm chức năng mà bản chất chỉ đóng vai trò bổ sung dinh dưỡng, bổ sung khoáng chất nhất định chứ không hề bổ sung chức năng chữa bách bệnh.
Có người mỉa mai, “các nghệ sĩ Việt Nam sao mắc lắm bệnh thế” vì toàn thấy họ quảng cáo thuốc chữa bệnh.
Cần khẳng định, bên cạnh giá trị vật chất mà người nghệ sĩ đem lại cho công chúng, cho xã hội thì giá trị tinh thần mà họ mang lại còn lớn hơn nhiều, sâu sắc hơn nhiều. Lời ăn tiếng nói có khi chỉ sau một chương trình có thể ngay lập tức trở thành “hot trend”, kiểu tóc, bộ cánh của họ cũng ở trong tình huống như thế.
Nhưng đó là sự lựa chọn gần như không mang tính kinh tế trong khi sản phẩm họ được nhãn hàng chọn để giới thiệu, để quảng cáo lại là sự lựa chọn mang tính kinh tế cao với công chúng, với xã hội, thậm chí có thể đánh đổi bằng sức khoẻ, tính mạng. Đó là điều không thể nghi ngờ.
Không chỉ tham gia quảng cáo, nhiều nghệ sĩ còn bị lợi dụng hình ảnh để nói tốt, nói hay cho sản phẩm mà họ không hề biết, không hề được ký hợp đồng. Trường hợp này cũng không phải hiếm.
Đành rằng tài năng của người nghệ sĩ đúng là “của hiếm”, xuân sắc của người nghệ sĩ có thì, hình ảnh của họ không thể mãi ngự trị trong lòng công chúng nhưng cũng không thể tư duy và hành động theo “nhiệm kỳ” của hình ảnh, của tiếng vang.
Uy tín, hình ảnh chính là tài sản lớn nhất của người nghệ sĩ. Nhưng xét cho cùng đó cũng là con dao “hai lưỡi” khi nó xuất hiện hay được đặt trong những bối cảnh không phù hợp với lợi ích của người tiêu dùng, của xã hội.