Ngành dệt may nỗ lực xoay xở vượt qua khó khăn
Công nhân sản xuất hàng dệt may tại May10. Ảnh: ST |
Xoay xở giữ chân lao động
Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tỷ lệ lao động nghỉ việc trong ngành hiện ở mức 5-7%. Tỷ lệ này không phải là lớn so với các ngành da giày, gỗ. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định ngành dệt may xác định lao động là tài sản số 1, trên cả tài sản thiết bị công nghệ, nhà xưởng. Do đó, trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, các DN đang nỗ lực xoay xở để giữ chân người lao động. “Có những đơn vị đang sản xuất may mặc đã phải nhận làm cả mặt hàng túi xách PP cho siêu thị để có việc làm cho người lao động. Dù làm mặt hàng này năng suất lao động rất thấp nhưng DN muốn giữ được tài sản của mình là người lao động sau khi nền kinh tế phục hồi, đặc biệt là ngành dệt may Việt Nam phục hồi trở lại” – ông Vũ Đức Giang chia sẻ.
Đáng chú ý, những DN “đi hai chân”, gồm cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, vẫn giữ được sự vững vàng và vẫn ổn định lao động. Điển hình như tại Tổng công ty may Việt Tiến, doanh thu từ thị trường nội địa trong năm nay dự kiến đạt trên 1.000 tỷ đồng, cao hơn mức 850 tỷ đồng hồi năm 2021. Hay như nhãn hàng Yody cũng đạt mức tăng trưởng tới 18%, đạt gần 2.000 tỷ đồng tại thị trường nội địa. Tương tự, các nhãn hàng như May 10, Nhà Bè, An Phước, X28… đều khá vững vàng. Ông Vũ Đức Giang đánh giá, thị trường nội địa chính là giải pháp để các DN duy trì chính sách lao động. Theo đó, rất nhiều nhãn hàng mới gia nhập thị trường. Như Tổng công ty May 10 vừa ra mắt hàng loạt nhãn hàng mới, mở hàng loạt cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
Thương mại điện tử cũng là một giải pháp đã được các DN áp dụng hiệu quả trong tình hình hiện nay. Trong năm 2021, tại nhiều DN tỷ trọng bán hàng online mới chỉ ở mức 7-8% thì sang năm nay đã tăng lên 18-20%, đáng chú ý tại thương hiệu Yody tỷ trọng này đã lên tới 50%.
Bên cạnh đó, ngành dệt may cũng đang nỗ lực để đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Hiện thị trường của các nước khu vực Trung Đông đang là một yếu tố thúc đẩy khả năng xuất khẩu trong thời gian tới, ông Vũ Đức Giang cho biết, trước đây Việt Nam sản xuất các sản phẩm áo sơ dài qua gối để xuất khẩu cho các nước đạo Hồi, nhưng tỷ trọng rất thấp. Từ năm 2021 đến nay, số lượng này lại tăng rất mạnh nhờ các đơn hàng từ một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Srilanka, Myanmar chuyển qua. Điều này có được là nhờ Việt Nam đã chủ động được nguồn nguyên liệu.
Nỗ lực xanh hoá
Bên cạnh những giải pháp giữ ổn định lao động, ngành dệt may đang đẩy mạnh các kế hoạch xanh hoá, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn, quản trị số nhằm hướng tới các mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn. Theo đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã phối hợp cùng các tổ chức quốc tế xây dựng chương trình khu công nghiệp phát triển bền vững và lựa chọn KCN Bảo Minh (Nam Định) làm KCN kiểu mẫu, đi đầu về phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Mới đây, đoàn nghị sĩ Quốc hội của EU, Vương quốc Anh đã tới làm việc với Hiệp hội Dệt may Việt Nam để tìm hiểu về chính sách phát triển bền vững đối với sản phẩm dệt may xuất khẩu vào các thị trường này. Theo đó, phát triển bền vững, quản trị số đang được đánh giá là lực hấp dẫn của dệt may Việt Nam đối với các khách hàng quốc tế.
Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) là một trong những DN đã có nhiều nỗ lực trong việc xanh hoá, phát triển bền vững. Bên cạnh việc phát triển các dòng sản phẩm từ vật liệu tái chế, vật liệu bền vững, công ty đang hướng đến việc sử dụng nguồn nước hiệu quả và tiết kiệm bằng cách tái sử dụng nguồn nước thông qua hệ thống tuần hoàn nước. Về nguồn nước thải, khí thải, TCM đã đầu tư hệ thống xử lý nước với công nghệ cao, đảm bảo kiểm soát nước thải đầu ra đạt chuẩn môi trường. Bên cạnh đó TCM đang có kế hoạch thay đổi chất đốt lò hơi từ than đá sang nguyên liệu sinh khối Bio-mass hoặc sử dụng các nồi hơi điện thay thế các lò hơi công suất thấp để giảm khí thải CO2 ra môi trường cho một số nhà máy…
Bên cạnh nỗ lực xanh hoá, phát triển bền vững, các DN cũng đang mạnh dạn chuyển từ gia công sang FOB (Free One Board- sau khi đơn hàng đã được sản xuất hoàn thiện, xưởng may sẽ liên hệ và đưa sản phẩm ra bến tàu), ODM (Original Design Manufacturing- phương thức sản xuất ngành dệt may bao gồm cả khâu thiết kế). Theo đó, khi gia công một chiếc áo sơ mi, DN chỉ thu về được 1 USD, nhưng nếu làm FOB sẽ thu được tới 5 USD và làm ODM thu về là 7 USD. “Các DN đã nhận thấy rằng việc làm gia công chịu tác động lớn từ việc giảm đơn hàng trong năm nay, nên đã tìm cách chuyển đổi để chủ động hơn” – ông Vũ Đức Giang cho biết.
Tuy nhiên, để có thể đầu tư cho phát triển bền vững và chuyển đổi từ gia công sang làm FOB, ODM, DN cần phải có vốn. Trong khi, tình hình lãi suất tại Việt Nam hiện đang ở mức cao. Do đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị ngành ngân hàng nên cân nhắc giữ ổn định lãi suất đối với các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao và giải quyết lượng lớn việc làm cho người lao động để đảm bảo sự ổn định.