Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp:
Mục tiêu cao nhất là hiệu quả
Tập đoàn Điện lực Việt Nam nằm trong danh sách 20 DNNN trực thuộc Ủy ban |
Theo đó, Ủy ban sẽ là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nắm giữ 100% vốn điều lệ, vốn nhà nước đầu tư tại các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên, các doanh nghiệp (DN) khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ. Đồng thời, Ủy ban cũng là một cơ quan đại diện chủ sở hữu theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Ủy ban sẽ tiếp nhận 20 tập đoàn, tổng công ty (bao gồm cả Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước – SCIC), với tổng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước trên 821.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là trên 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương 50% vốn chủ sở hữu nhà nước và tổng giá trị tài sản khu vực DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Do vừa là cơ quan thuộc Chính phủ, vừa là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN, cho nên Ủy ban sẽ có 02 nhóm nhiệm vụ và quyền hạn: Thứ nhất, tuân thủ theo Luật Tổ chức Chính phủ và văn bản dưới luật này. Thứ hai, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng thực hiện các quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo điều 40, 41 Luật số 69/2014/QH13; trực tiếp thực hiện các quyền và trách nhiệm đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN theo điều 42 và 43 Luật số 69/2014/QH13.
Nghị định ra đời sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Ủy ban quản lý vốn nhà nước hoạt động |
Bộ máy lãnh đạo Ủy ban gồm Chủ tịch và không quá 4 Phó chủ tịch, do Thủ tướng bổ nhiệm và bãi nhiệm theo pháp luật. Chủ tịch Ủy ban chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng và trước pháp luật về hoạt động của Ủy ban. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban gồm có 9 đơn vị trực thuộc, bao gồm: Vụ nông nghiệp; Vụ Công nghiệp; Vụ Năng lượng; Vụ Công nghệ và hạ tầng; Vụ Tổng hợp; Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng và Trung tâm thông tin.
Theo giải trình của Bộ KH&ĐT, Nghị định sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của Ủy ban với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyên trách, chuyên nghiệp, qua đó khắc phục tình trạng phân tán quyền chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN nhưng không rõ trách nhiệm giải trình về hiệu quả như hiện nay. Thứ hai, tiến tới tách chức năng đại diện chủ sở hữu và quản lý vốn nhà nước tại DN ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính, qua đó góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN, tạo điều kiện cho các bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh tập trung năng lực vào thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định và xin ý kiến góp ý, cơ bản các ý kiến đều đã đồng tình với nội dung đã tiếp thu. Tuy nhiên, vấn đề bãi bỏ hay không bãi bỏ quy định đối với các đơn vị có chức năng tham mưu thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu của các bộ, sau khi chuyển giao DN về Ủy ban, tại dự thảo Nghị định, Bộ KH&ĐT vẫn chưa thể chốt được phương án mà phải xin ý kiến của Chính phủ. Cụ thể, tại các Bộ Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin Truyền thông, Công Thương, Xây dựng có các vụ, hoặc đơn vị chuyên trách tham mưu về thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước (Vụ Quản lý doanh nghiệp), điều này đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh pháp luật về cơ cấu tổ chức của các bộ này sau khi chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN về Ủy ban.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc xây dựng Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN phải phù hợp Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; phù hợp Đề án Thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu DNNN và vốn nhà nước tại DN đã được Bộ Chính trị thông qua. |
Nói về cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Ủy ban khi dự thảo Nghị định sẽ được Chính phủ xem xét và ban hành, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN - Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Mục tiêu của Ủy ban là khi vốn nhà nước đầu tư trong các DN được chuyển giao về phải làm sao có hiệu quả cao nhất. Ủy ban sẽ nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự có chất lượng cao ngay sau khi Nghị định được ban hành để vận hành một cách tốt nhất, vừa thực hiện quản lý, vừa hỗ trợ hoạt động quản trị, kinh doanh của DN nhưng không làm thay công việc của DN.