Mật ong Pha Mu – sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu
Trước đây bà con trong xã chỉ đi bắt ong trên núi về nuôi thuần lấy mật phục vụ nhu cầu của gia đình và người thân với quy mô nhỏ và chỉ áp dụng những kỹ năng được truyền tay, chứ chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi ong, nên năng suất và chất lượng không cao.
Bắt đầu từ năm 2018, mô hình nuôi ong lấy mật được Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Pha Mu triển khai với số lượng ban đầu chỉ vọn vẹn 20 thùng ong, đến nay HTX đã phát triển lên 300 thùng ong với sự tham gia của 7 thành viên. Nhờ thay đổi phương thức sản xuất, từ nuôi ong theo phương pháp thủ công chuyển sang nuôi ong dùng hộp vuông có áp dụng khoa học kỹ thuật, đàn ong sinh trưởng và nhân đàn khá tốt.
Thành viên HTX Thanh niên Pha Mu hướng dẫn người dân bản Chít cách chăm sóc ong |
Nuôi ong không vất vả, không mất nhiều công chăm sóc, không mất vốn đầu tư lớn, tuy nhiên để phát triển lâu dài và bền vững phải chú ý công đoạn dụ ong về. Vào mùa hoa, người nuôi phải tách, nhân đàn ong ra các thùng bằng cách tách cầu hoặc làm nhũ chúa từ sáp ong. Việc tách hoặc kiểm tra cầu, nhân giống đàn bắt buộc phải làm nhẹ nhàng đảm bảo không “kích động” tới ong làm ong bay mất. Nhân càng nhiều ong chúa, ong thợ về thùng thì sẽ càng được nhiều mật hơn, đem lại thu nhập cao hơn. Trung bình vào mùa hoa tháng 2 hàng năm, sẽ quay hoặc vắt lấy mật 1 lần/cầu/tháng. Muốn mật đậm đặc, sánh hơn thì để thời gian lấy mật dài một chút. Trung bình một tổ ong sẽ cho thu hoạch mật 3 lần/năm.
Sản phẩm mật ong Pha Mu |
Để sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến, HTX Thanh niên Pha Mu chủ động phân công các thành viên quảng bá sản phẩm thông qua các mạng xã hội và bán buôn cho các thương lái. Bên cạnh đó, tranh thủ đưa sản phẩm mật ong trưng bày, giới thiệu, bán tại các hội chợ thương mại, dịp lễ hội trong và ngoài huyện Than Uyên. Nhờ đó, lượng tiêu thụ ngày một tăng và mang lại nguồn thu nhập khá cho hội viên với giá trung bình 200.000 đồng/lít.
Xác định mật ong là sản phẩm chủ lực mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con, HTX Thanh niên Pha Mu đặt mục tiêu nhân rộng số lượng đàn ong với quy mô ngày một lớn hơn. Trong quá trình thực hiện, HTX Thanh niên Pha Mu luôn chú trọng kiểm tra đàn ong, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng mật đưa ra thị trường. Đến nay, sản phẩm mật ong Pha Mu đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP của tỉnh Lai Châu và được thị trường ưa chuộng.
Từ thành công bước đầu của mô hình nuôi ong lấy mật trên địa bàn, thời gian tới Lai Châu sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho HTX Thanh niên Pha Mu phát triển mô hình nuôi ong; đồng thời gắn với trải nghiệm du lịch để phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh Lai Châu tới tham quan, khám phá. Không chỉ bán mật ong do các thành viên HTX nuôi được, HTX còn hỗ trợ người dân trên địa bàn về giống bằng cách nhân giống và cho người dân mượn ong chúa (ong giống); hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, chăm sóc ong.
Đặc biệt, để người dân trên địa bàn có thêm việc làm, có thu nhập, tin tưởng hơn về hướng phát triển kinh tế mới này, HTX còn vận động và tạo điều kiện cho các hộ dân đăng ký tham gia vào HTX. Đồng thời, duy trì liên kết đầu ra cho các hộ dân có truyền thống nuôi ong tự nhiên bằng cách thu mua lại mật của người dân để bán. HTX đang nghiên cứu sản xuất mật ong mắc ca để tạo nên sản phẩm mật ong đặc trưng, riêng biệt là điểm nhấn của HTX.