Lời giải nào cho bài toán phát triển nhanh, bền vững của du lịch Việt?
Ngày 15/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn; góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế cho người dân; chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế… Đồng thời là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực, hiệu quả, để khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến thăm, trải nghiệm, hiểu hơn, chia sẻ hơn, yêu quý hơn đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững. Ảnh Nhật Bắc |
Trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ngành du lịch còn gặp nhiều khó khăn nhưng cũng có không ít thời cơ và thuận lợi. Vấn đề là phải cùng nhau khai thác tốt nhất các cơ hội, nhận diện, hóa giải khó khăn, vượt qua thách thức
Để giải những bài toán ngắn hạn và dài hạn cho ngành du lịch, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận tìm ra những câu trả lời cho một số vấn đề trọng tâm để ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững:
Một là, nhận diện thời cơ và thách thức của du lịch Việt Nam.
Hai là, chia sẻ kinh nghiệm thành công của Việt Nam, của các nước trên thế giới, những cách làm hay, bài học quý.
Ba là, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia và từng bộ, ngành, địa phương cùng nhau trao đổi, đề xuất giải pháp đột phá, cụ thể, khả thi để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững.
Trong đó, tập trung nêu rõ những vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng, thương hiệu, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao năng lực quản trị của quốc gia, của từng địa phương và từng doanh nghiệp phù hợp với điều kiện mới, công tác phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong ngành du lịch và doanh nghiệp ngoài ngành du lịch...
Nhận diện khó khăn, thách thức
Báo cáo đánh giá về thực trạng hoạt động du lịch thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ ra khó khăn ngành du lịch nước ta gặp phải. Theo đó, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng của ngành, cộng động doanh nghiệp.
Nguyên nhân chủ yếu do một số thị trường trọng điểm truyền thống mở cửa từng bước, chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch. Công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Xu hướng lựa chọn các điểm đến gần thay vì lựa chọn điểm đến có khoảng cách xa của một số thị trường trọng điểm của Việt Nam.
Đồng thời, tần suất các đường bay quốc tế như trước dịch COVID-19 vẫn chậm khôi phục. Truyền thông chính sách, cập nhật, quảng bá thông tin về những quy định mới của du lịch Việt Nam còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia, sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài
Bên cạnh đó, công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương có biểu hiện thiếu quyết liệt, tình trạng "chặt, chém" du khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.
"Các yếu tố như lạm phát, tỉ giá tăng, xung đột chính trị cũng ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua...", ông Hùng cho hay.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Nhật Bắc |
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch đang là vấn đề nóng, thời gian qua đã có nhiều chính sách như mở cửa sớm, đưa ra các kế hoạch hành động chi tiết… nhưng còn gặp nhiều khó khăn, kết quả chưa được như kỳ vọng.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định nguyên nhân do việc liên kết, kết nối giữa các vùng miền, các ngành, các doanh nghiệp đều không được tốt. Việc không triển khai khuyến mại kích cầu, giá tăng cao quá, không xây dựng được sản phẩm có tính cạnh tranh khiến khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước. Nhân lực của thị trường thì thiếu trầm trọng (chỉ thu hút được khoản 60% lao động). Nhiều lao động có nghiệp vụ cao đã chuyển sang ngành khác. Và việc đầu tư nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới còn quá ít...
"Việc triển khai xúc tiến ở nước ngoài để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam triển khai quá ít, nhiều hội chợ quốc tế quan trọng hàng đầu thế giới bị bỏ qua (WTM London, JATA Tokyo Nhật Bản) hoặc tham gia cầm chừng (chỉ địa phương tham gia) khiến hình ảnh du lịch Việt Nam mờ nhạt so với doanh nghiệp quốc tế", ông Bình nói.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Nhật Bắc |
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện tập đoàn Vingroup cho rằng thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú chưa đủ để Việt Nam trở thành điểm "phải đến" của du khách quốc tế, trong khi các đối thủ liên tục đổi mới và sáng tạo. Vingroup cho rằng đã đến lúc cần kiến tạo những "điểm đến" vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu của ngành du lịch.
Tương tự, bà Nguyễn Ánh Tuyết, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Vietchill, cho biết năm nay kinh tế suy thoái; nhiều cơ quan, công ty cắt chế độ hàng năm của nhân viên nên công ty bị ảnh hưởng nhiều. Bên cạnh đó, việc hãng Bamboo cắt giảm số chuyến bay, chặng bay trong nước và quốc tế nên giá vé cao hơn, khách du lịch giảm sút.
Du lịch phải thay đổi tư duy, đổi mới cách làm
Trước thách thức nêu trên, Bộ trưởng đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp để du lịch nước ta khởi sắc, đạt được mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Theo Bộ trưởng, đầu tiên, cần tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch. Phải đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện.
Ngoài ra, cần thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch.
"Tập trung triển khai quyết liệt các hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế. Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có thương hiệu, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực du lịch", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh thêm.
Theo ông ông Vũ Thế Bình, phía Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành tập trung thực hiện một số chính sách đã ban hành. Bên cạnh đó, đề nghị điều chỉnh thời hạn triển khai một số chính sách trong thời gian COVID-19 như Nghị định số 94/2021 của Chính phủ về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, vấn đề phí thẩm định giấy phép lữ hành, vấn đề giấy phép…
Thêm nữa, cho phép các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ phía Nhà nước; cần đổi mới hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, chuyển hướng sang du lịch xanh và đẩy mạnh các sản phẩm du lịch mới.
Đại diện một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sovico Holdings, Tập đoàn Sun Group cũng gợi ý các biện pháp thiết thực để du lịch nhanh và bền vững. Theo đó, Tập đoàn Vingroup cho hay, cần nghiêm túc xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh – bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn... Ngoài ra, cần nâng cao tỉ lệ số hóa, tự động hóa ở các cảng hàng không nhằm mang đến sự thuận tiện, nhanh chóng và thoải mái cho du khách trong thủ tục xuất nhập cảnh.
Đại diện Tập đoàn Vingroup đề xuất giải pháp giúp di lịch phát triển nhanh và bền vững. Ảnh Nhật Bắc |
Đại diện Tập đoàn Sovico Holdings, Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục thúc đẩy các đàm phán, hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia để có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực (visa), hỗ trợ các hoạt động mở đường bay mới thúc đẩy nhu cầu của người dân, du khách. Phát triển hoạt động đào tạo, nhất là đào tạo nghề và tăng năng suất, chất lượng trong dịch vụ du lịch.
Theo bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thúc đẩy công tác mở rộng thị trường, hợp tác với các quốc gia, các hãng hàng không, mở thêm đường bay, đặc biệt ở các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia…
"Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hàng không cũng cần tích cực quảng bá hình ảnh du lịch Việt nam tại thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ… ", bà Nguyễn Thái Hoài Anh nói.
Gỡ "nút thắt" Visa Trong báo cáo gửi tới hội nghị, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh nhận định nút thắt visa là một trong những yếu tố cần giải quyết để tăng trưởng du lịch thành phố nói riêng cũng như cả nước nói chung. Hiện nay, visa của Việt Nam đã mở khi triển khai visa điện tử ở tất cả thị trường, nhưng thực tế các hồ sơ, thủ tục liên quan đến duyệt visa vẫn còn chậm và chưa thật sự thông thoáng, gây mất khá nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục. Ngoài ra, so với các nước trong khu vực, các quốc gia được Việt Nam miễn thị thực là còn quá thấp. Để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành đón các đoàn khách du lịch quốc tế lớn đến Việt Nam, Sở Du lịch kiến nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ xin cấp thị thực theo đoàn của các doanh nghiệp lữ hành |