Kinh tế tuần hoàn: Đâu là điểm khó của doanh nghiệp dệt may?
Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn: Cơ hội phát triển nhanh, bền vững |
Xu hướng tất yếu
Kinh tế tuần hoàn đã và đang trở thành mục tiêu tiến tới của ngành dệt may. Thực tế trong vài năm trở lại đây, các thị trường xuất khẩu chính, thậm chí là đối tác lớn của dệt may Việt Nam đều công bố kế hoạch, mục tiêu về tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái chế hay cam kết phát triển chuỗi cung ứng trung hoà các-bon.
Cuối tháng 3/2022, Ủy ban châu Âu đã trình bày đề xuất đối với Chiến lược Dệt may mới. Chiến lược này bao gồm nhiều yếu tố “khó”, như: Các sản phẩm phải được thiết kế và sản xuất để có thể sử dụng lâu hơn, được sửa chữa và tái sử dụng.
Đồng thời với Chiến lược Dệt may, Ủy ban châu Âu đã trình bày một bản sửa đổi Quy định thiết kế sinh thái đặt ra các yêu cầu pháp lý đối với các nhóm sản phẩm khác nhau. Dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo các tiêu chí thiết kế sinh thái.
Ngoài các tiêu chí thiết kế, Quy định thiết kế sinh thái còn bao gồm việc phát triển hộ chiếu sản phẩm số, ngoài thông tin thông thường, còn phải thông báo cho người tiêu dùng biết về hàm lượng hóa chất, khả năng sửa chữa, thành phần sợi. Các yêu cầu thông tin cụ thể về sản phẩm sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng biết được tác động của sản phẩm đến môi trường khi mua hàng. Một yếu tố nữa là tăng cường thực thi việc bài trừ các hành vi quảng cáo sai lệch về thời trang bền vững “greenwashing”. Đây là hành vi mà các thương hiệu thời trang hay sử dụng để tiếp thị sản phẩm là thời trang bền vững nhưng lại không thực thi các qui chuẩn nghiêm ngặt của thời trang bền vững.
Chiến lược Dệt may mới theo đề xuất của Ủy ban châu Âu là một phần trong kế hoạch hành động lớn hơn về một nền kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là một phần của Thỏa thuận Xanh châu Âu nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, và ô nhiễm môi trường.
Kinh tế tuần hoàn là thách lớn với doanh nghiệp dệt may Việt Nam |
Tại Hội thảo về Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn ngành dệt may diễn ra gần đây, bà Saskia Anders - Giám đốc Chương trình GIZ Fabric Asia thông tin: Hội đồng châu Âu đã thông qua Chiến lược về Dệt may bền vững. Theo đó, có 16 luật lệ mới và giải pháp chính sách sẽ được áp dụng để làm cho sản phẩm dệt may vào thị trường châu Âu bền hơn, tái sử dụng được.
Điều này có nghĩa, các nhà cung ứng hàng dệt may vào châu Âu như Việt Nam buộc phải tuân thủ, đồng nghĩa doanh nghiệp Việt Nam không còn nhiều thời gian để tiến hành chuyển đổi sản xuất.
Giải quyết bài toán vốn
Kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, bản thân ngành dệt may từ năm 2017 đã tiếp cận với mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Ngành dệt may đang gặp nhiều vấn đề trong tiến tới kinh tế tuần hoàn trong đó nguồn cung nguyên phụ liệu chủ yếu nhập khẩu là hạn chế lớn, tỷ lệ nội địa hoá của ngành hiện mới đạt 30-35%.
Chưa có quy hoạch không gian phát triển các khu công nghiệp lớn, có xử lý nước thải tập trung. Nhiều địa phương vẫn theo không mặn mà với việc cấp phép các dự án dệt, nhuộm. Đặc biệt, chi phí đầu tư cho công nghệ sản xuất cao đã gây khó cho nhiều doanh nghiệp.
Để doanh nghiệp xây dựng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, ông Trương Văn Cẩm cho rằng: Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về kinh doanh tuần hoàn; tìm hiểu kỹ những thách thức và cơ hội khi đổi mới hoạt động kinh doanh sang mô hình tuần hoàn; có bước đi thích hợp tập trung vào những khâu có thế mạnh, nhất là cần tính toán lợi ích – chi phí, lộ trình chuyển đổi cho phù hợp.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, Chính phủ khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất, được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Đặc biệt Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đưa ra các cơ chế khuyến khích về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, hỗ trợ về đất đai, về vốn đầu tư, ưu đãi về thuế, phí và lệ phí… Doanh nghiệp dệt may cần tìm hiểu kỹ, để tận dụng tối đa các cơ hội, chủ động triển khai các giải pháp đáp ứng các tiêu chí.
Hiện đã có nhiều ngân hàng thương mại dành riêng nguồn vốn cho tín dụng xanh, trong đó có ngành dệt may. Đơn cử, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã huy động thành công nhiều nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế để phát triển tín dụng xanh. BIDV cũng đã sẵn sàng một lượng vốn tín dụng xanh cho doanh nghiệp, dự án dệt may: Ứng dụng công nghệ mới, sạch để bảo vệ môi trường; sử dụng nhiều lao động nữ…
Bà Saskia Anders- Giám đốc Chương trình GIZ Fabric Asia: Kinh tế tuần hoàn không thể thực hiện nếu làm việc riêng lẻ và chỉ có thể thành công khi có sự đồng hành, chia sẻ, trách nhiệm của khối Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức dân sự. Đặc biệt là sự chia sẻ trách nhiệm giữa nhà máy và nhà phân phối. |