Kiều bào - kênh hữu hiệu đưa hàng hoá Việt vào thị trường Đức
Là cửa ngõ trung chuyển vào EU, thị trường Đức giữ vai trò quan trọng trong xuất khẩu hàng hoá Việt Nam. Theo ông Bùi Vương Anh- Tham tán thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Đức, trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, kim ngạch của phần nhiều hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Đức vẫn tăng, thậm chí tăng cao so với thời điểm trước.
Số liệu từ Hải quan Đức cũng cho thấy, năm 2021 Việt Nam xuất khẩu 17,1 tỷ USD hàng hoá vào Đức, trong đó mặt hàng rau củ đạt 2,9 triệu USD tăng 4%, quả và hạt đạt 290 triệu USD, giảm 4%, trà và cà phê đạt 453 triệu USD tăng 5,4%, chế phẩm từ rau quả đạt 20 triệu USD tăng 30% so với năm trước.
Nguyên do của sự tăng trưởng này được ông Bùi Vương Anh lý giải: Một phần do nhu cầu về sản phẩm cao, những ưu đãi thuế quan hấp dẫn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng là một lực đẩy tốt. Đặc biệt, cộng đồng người Việt tại Đức có hệ thống phân phối sản phẩm châu Á, trong đó phần lớn xuất xứ từ Việt Nam rộng khắp đã phát huy vai trò cầu nối đưa hàng hoá Việt Nam vào không chỉ thị trường Đức mà ra cả thị trường EU.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Võ Văn Long - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức - cho biết thêm: Cộng đồng người Việt Nam tại Đức rất đông, lên tới 225.000 người, số lượng này có thể cao hơn nữa nhất. Lực lượng này là sứ giả, là con đường hiệu quả và tiết kiệm nhất để đưa hàng Việt xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Đức.
Hàng hoá Việt Nam ngày một được tin dùng tại thị trường Đức |
Ông Võ Văn Long cũng cho biết thêm: Hiện là thời điểm vàng để xuất khẩu hàng hoá sang Đức, nhất là với nông sản. Một mặt, thị phần của nông sản thực phẩm Việt Nam tại Đức còn rất nhỏ, mặt khác, giá của các mặt hàng này tăng rất cao, có mặt hàng tăng tới 30%. Hàng hoá xuất được sang Đức thời điểm này có thặng dư tốt hơn so với trước.
Để làm được điều này, ngoài việc tận dụng tốt lực lượng kiều bào và hệ thống phân phối tại Đức, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức khuyến cáo: Doanh nghiệp trong nước cần liên kết chặt chẽ với đối tác Đức để nắm bắt thông tin thị trường, đặc biệt là các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Thị trường Đức rất khó tính và đòi hỏi chất lượng hàng hoá cao, thay vì đi gom sản phẩm để xuất khẩu theo cách truyền thống nhà sản xuất trong nước nên phát triển các trang trại trồng với quy mô lớn để đảm bảo số lượng và chất lượng cho nông sản xuất khẩu”, ông Võ Văn Long đề xuất.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của nhiều nhà xuất nhập khẩu, doanh nghiệp trong nước nên bắt đầu xuất khẩu bằng chủng loại và số lượng sản phẩm ít để tránh rủi ro. Khi đạt được sự hài lòng và tin tưởng của đối tác mới nên tăng số lượng hàng hoá.
Thị trường Đức rất coi trọng tính bền vững của sản phẩm và cần các chứng chỉ nhất định, ngay từ bây giờ doanh nghiệp trong nước cần sự chuẩn bị chu đáo cho vấn đề này. “Nhu cầu tiêu dùng tại Đức cao nhưng phải đảm chất lượng sản phẩm và giảm thiểu khí CO2 trong sản xuất. Đạt được tiêu chuẩn này, sản phẩm sẽ có ưu thế lớn tại Đức và khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm có chất lượng tốt”, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu nói.
Mặt khác, thị trường Đức có yêu cầu khác nhau với bao bì đóng gói cho các sản phẩm khác nhau, nhất là nông thuỷ sản, doanh nghiệp nên tìm hiểu rõ. Hơn nữa, cần giảm thiểu số lượng đơn vị tham gia vào quá trình sản xuất, đóng gói sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng. Một khi đã ký hợp đồng, giá cả và thời hạn giao hàng phải được đảm bảo để tạo được niềm tin với khách hàng.
Ở góc độ toàn diện hơn, ông Bùi Đức Anh đưa ra khuyến cáo: Doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường Đức cần tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường; nghiên cứu các quy định về xuất nhập khẩu hàng hoá, thuế, thủ tục hải quan, đặc biệt là quy định phi thuế quan; lựa chọn phương thức thâm nhập thị trường và phương thức quảng bá sản phẩm phù hợp; tìm kiếm và liên kết với đối tác tin cậy, hợp tác bền vững tranh tư tưởng kinh doanh ngắn hạn, xác minh đối tác trước khi thực hiện ký kết hợp đồng; điều chỉnh sản phẩm, quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường và người mua; tăng cường thiết lập và củng cố mối quan hệ đối tác lâu dài, tin tưởng lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ với nhà nhập khẩu để nắm bắt những yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, khuynh hướng thị trường.
Ông Lê Hoàng Tài- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương): Xuất khẩu hàng hoá vào Đức có 3 nhóm vấn đề chính các doanh nghiệp cần chú trọng: Chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và trách nhiệm xã hội. Một khi hàng hoá đã thâm nhập và được chấp nhận tại Đức, đồng nghĩa được chấp nhận vào các thị trường khác trong khối EU. |