Khởi đầu mới cho ngành du lịch Việt Nam
Đây là chia sẻ của ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Minh trước thềm mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch Việt Nam từ ngày 15/3/2022.
Ngành du lịch chuẩn bị bước vào lộ trình phục hồi mới từ ngày 15/3. Trước sự kiện này, ông đặt kỳ vọng gì đối với du lịch Việt Nam?
Khó khăn bủa vây toàn bộ ngành du lịch suốt hai năm qua bởi đại dịch Covid-19, mà trong đó rất nhiều biến động xảy ra, làm mất công ăn việc làm, sụt giảm kinh khủng về doanh thu. Vì thế, việc mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch trở lại từ 15/3 tôi cho rằng có ý nghĩa rất lớn, là bước ngoặt để hồi sinh hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, chúng tôi hy vọng rằng việc mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch sẽ là sự khởi đầu mới, mang đến nhiều cơ hội phát triển mới cho ngành du lịch Việt Nam sau hơn hai năm vô cùng khó khăn bởi đại dịch Covid-19, Hy vọng với việc đón du khách quốc tế từ ngày 15/3 với số lượng lớn, năm 2022 sẽ là năm khởi sắc trở lại của ngành kinh tế xanh.
Đồng thời, với sự phục hồi nhanh, tôi tin du lịch sẽ là ngành cực kỳ quan trọng, đóng góp lớn cho phát triển thương mại, giao lưu nhân dân cũng như sự phát triển chung của kinh tế, xã hội của đất nước. Trong đó, du lịch có thể giúp chúng ta tạo được công ăn, việc làm cho người lao động, trước mắt có thể giúp Việt Nam khôi phục hơn 2 triệu việc làm đã chuyển nghề và bị ảnh hưởng trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
Tuy vậy, trong niềm vui cũng đang còn rất nhiều nỗi lo làm sao để hấp dẫn khách quốc tế. Theo ông, đâu là những điểm nghẽn trong thu hút khách du lịch của Việt Nam?
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Minh |
Mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành điểm đến cạnh tranh, hấp dẫn trong khu vực, đặc biệt là hậu Covid-19 có thể là sức hút mới, mạnh mẽ so với các nước trong khu vực. Nhưng, để hiện thực hóa được điều này, ngành du lịch cần phải tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, thậm chí có nhiều điểm nghẽn tồn tại đã quá lâu.
Trước hết, ngành du lịch sẽ cần thay đổi, cải thiện nhiều hơn đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ; cố gắng nhiều hơn để đảm bảo việc quảng bá, tuyên truyền tốt hơn thông qua việc áp dụng công nghệ số. Đặc biệt, cần sớm tháo gỡ các vướng mắc về chính sách visa. Tôi hy vọng Chính phủ sẽ có những chính sách phù hợp về thị thực, vì chính sách thị thực có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam và vấn đề này có thể làm được ngay. Theo đó, mong rằng Chính phủ đồng ý với các chính sách như thời kỳ trước đại dịch Covid-19, như các chính sách liên quan đến thị thực, thị thực trực tuyến, miễn thị thực đơn phương và song phương nếu triển khai như trước dịch sẽ giúp du lịch sớm phục hồi từ 15/3.
Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 623/BVHTTDL-TCDL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch sau 15/3. Cơ bản, đây là những đề xuất phù hợp ở thời điểm này và đủ thông thoáng để đảm bảo chúng ta có thể mở cửa một cách an toàn và hiệu quả. Đặc biệt, đây là cơ hội mở cửa trước và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho du lịch Việt Nam.
Trải qua khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, hiện các doanh nghiệp hiện đang mong chờ những chính sách hỗ trợ nào từ Nhà nước để có thể nhanh chóng phục hồi và đưa du lịch Việt Nam phát triển?
Các doanh nghiệp du lịch, hàng không đã trải qua hai năm vô cùng khó khăn. Theo thống kê của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), 95% doanh nghiệp lữ hành đã phải đóng cửa, gần một nửa doanh nghiệp khách sạn đóng cửa, các doanh nghiệp hàng không chịu đựng tổn thất nặng nề. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, hỗ trợ cần thiết nhất của Chính phủ trong thời điểm hiện tại là mở cửa một cách quyết liệt và mở cửa an toàn, không có chuyện đóng - mở ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Cùng với đó là những hỗ trợ về lãi suất, tái cấu trúc các khoản vay để doanh nghiệp có khoản vay mới trong thời gian tới nhằm mở cửa trở lại, đồng thời giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính để đào tạo nhân viên, người lao động… Sẽ phải mất từ 3 tháng, 6 tháng đến 1 năm để chuẩn bị cho sự trở lại thật sự của doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ không chỉ cần hỗ trợ nửa năm hoặc 1 năm mà có thể kéo dài hơn. Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện tại của Chính phủ cũng phù hợp với các xu hướng đó và tôi tin chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ngoài ra, trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, chúng ta mất gần 1 triệu công ăn việc làm và chúng ta cũng có 1 triệu công ăn việc làm trong ngành kinh tế xanh bị ảnh hưởng và phải nhanh chóng phục hồi lại. Vì vậy, bên cạnh cơ sở hạ tầng sửa chữa, nâng cấp thì quan trọng hơn nhiều là đưa lực lượng lao động về với ngành.
Cố gắng về chính sách của Chính phủ hiện tại cùng cố gắng của các doanh nghiệp, tôi tin chắc chắn ngành du lịch sẽ có được lao động trong thời gian tới, khi du lịch Việt Nam chính thức mở cửa từ 15/3, đón được nhiều du khách, tạo được nhiều công ăn việc làm và tạo thu nhập cao, ổn định cho người lao động.
Xin cảm ơn ông!