Khi thày bị trò “tố” ăn chặn tiền huy chương: Góc tối của thể thao Việt Nam?
Tổng kết SEA Games 32: Những thành tích đáng tự hào của thể thao Việt NamĐoàn thể thao Việt Nam giành 27 huy chương, xếp hạng 21 trên bảng tổng sắp huy chương Asiad 2023 |
Đây không phải là lần đầu tiên trong làng thể thao Việt Nam có lùm xùm liên quan đến chuyện tiền nong thế nhưng vụ việc cùng hành động quyết liệt của vận động viên 20 tuổi Phạm Như Phương như một giọt nước tràn ly của việc các huấn luyện viên nghiễm nhiên “ẵm” một góc tiền huy chương từ chính vận động viên của mình, vốn đã râm ran từ lâu, rất lâu.
Vận động viên Phạm Như Phương. Ảnh minh hoạ |
Trong diễn biến mới nhất, các huấn luyện viên có liên quan đã buộc phải rời khỏi cương vị của mình trong khi câu chuyện chuyên môn vẫn đang đợi giải quyết.
Có người cho rằng đây là một góc khuất, thậm chí là một góc tối của thể thao Việt Nam được khoả lấp một cách tinh vi vì những lý do nào đó mà thường thấy nhất là dưới bóng những vinh quang khu vực, châu lục hay cả thế giới của thể thao Việt Nam.
Để cuối cùng là “hoà cả làng” trong nỗi ấm ức, thậm chí đắng cay của vận động viên.
Chuyện ăn chặn từ suất ăn đến tiền thưởng huy chương không phải là mới xảy đến trong thể thao Việt Nam. Mới đây nhất là vụ việc suất ăn của các vận động viên đội tuyển bóng bàn quốc gia bị bớt xén một cách cố ý đã để lại tiếng tăm không mấy hay ho. Rồi những lùm xùm quanh tiền thưởng nhiều triệu đồng của các đội tuyển bóng đá nam và nữ cách đây ít lâu cũng khiến nhiều người hâm mộ không ít nản lòng, chau mày.
Có người bảo làm gì mà “căng” thế?
Lý do của những ý kiến này cho rằng, thể thao vốn là ngành đặc thù, kén người. Vận động viên theo con đường chuyên nghiệp thường phải xa nhà, xa gia đình từ bé, ở với thày cô huấn luyện viên nhiều hơn thời gian ở với bố mẹ. Thày cô huấn luyện không chỉ là bệ phóng cho những thành tích, những huy chương trên các đấu trường mà nghiễm nhiên thế chỗ vai trò bố mẹ vận động viên. Hoặc giả tình cảm cũng thân thiết tựa như vậy. Chuyện “lại quả” không thành văn như chuyện 10% của Phạm Như Phương thì cũng là “bình thường” như “cân đường hộp sữa” (!).
Nhưng cũng có ý kiến nói rằng, những đồng tiền có được từ mồ hôi nước mắt và cả tuổi thanh xuân của vận động viên từ huy chương mà không phải ai cũng có được, với các vận động viên được giải là hoàn toàn xứng đáng với họ, ở góc độ trọn vẹn.
Thế nên chuyện luật “bất thành văn” phải chi lại cho thày tiền huy chương quả là khó coi về phương diện đạo đức, nếu chưa muốn nhắc đến chuyện chấp hành các quy định liên quan của Nhà nước.
Nhưng cũng có không ít huấn luyện viên thực sự coi vận động viên của mình như con, tạo điều kiện tốt nhất, cao nhất kể cả việc bỏ tiền túi cho trò đi tập huấn, tiếp cận thiết bị tập luyện hiện đại, tiếp cận đấu trường đỉnh cao. Những chuyện như thế không hiếm trong làng thể thể thao để khi giã từ đấu trường, bên cạnh tình đồng nghiệp còn có cả tình cha con.
Cơ quan chức năng mà ở đây trực tiếp là Cục Thể dục thể thao cần có quan điểm dứt khoát về góc khuất, góc tối này của thể thao Việt Nam, đừng để những tiền lệ này làm hoen ố màu của các huy chương, danh dự của thể thao Việt Nam.
Bởi xây dựng một nền thể thao Việt Nam trong sạch không chỉ cần quan tâm đến việc chống doping mà còn cần có tiếng nói rõ ràng về những chuyện tiền nong để có những hình thức xử lý các vụ việc tương tự, chứ không thể cho thôi vị trí huấn luyện viên là xong. Nếu không sự việc sẽ đâu lại vào đấy và câu chuyện huấn luyện viên nghiêm nhiên “ẵm” tiền thưởng (và có thể cả những món tiền khác nữa) của vận động viên sẽ vẫn còn có cơ hội diễn ra.